Ngô Trác Linh tình tứ cùng Đăng Khôi
Không chỉ có những phút lãng mạn giữa mùa thu lá vàng, đôi trai tài gái sắc này còn rủ nhau cùng song ca một ca khúc mới tinh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết về màu hoa sữa của Hà Nội.
>>Ngô Trác Linh dạo chơi phố đèn lồng
>>Ngô Trác Linh dịu dàng bên đóa sen hồng
Ngô Trác Linh dịu dàng, mong manh trong tà áo dài trắng tinh khôi. |
Cùng nghe một vài tâm sự của cô gái nhỏ nhắn gốc Hoa để biết thêm về mối lương duyên với Hà Nội và ca khúc Mùa hoa sữa về của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhé!
- Chào "Cô gái Trung Hoa"! Tại sao bạn lại quyết định thu âm ca khúc "Mùa hoa sữa về"? Và lại chọn song ca cùng Đăng Khôi mà không phải người khác, như chính tác giả của ca khúc - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chẳng hạn?
- Mỗi lần ra Hà Nội, thường có một anh bạn thân chở Linh đi lòng vòng quanh các ngõ phố nhỏ để khám phá Thủ đô. Có một tối, khi hai anh em đang đi trên đường Nguyễn Tri Phương, Linh bỗng ngửi thấy một mùi hương ngào ngạt rất lạ. Người bạn của Linh nói rằng đó là mùi thơm của hoa sữa - một nét đặc trưng chỉ Hà Nội mới có...
Biết anh Chung sáng tác bài hát này , Linh cảm thấy như nó được "đo ni đóng giày" cho những kỷ niệm về Hà Nội của mình. Đặc biệt là câu hát "Ngại ngần những lúc em chưa quen tên đường, mà sao bỗng nhớ tên 1 người...", như muốn gọi tên những xúc cảm mà với lời nói bình thường, Linh chẳng thể diễn tả hết.
Còn chuyện song ca cùng Đăng Khôi thì không phải chỉ có một lần này đâu. Thời gian tới, các bạn sẽ còn thấy Linh và anh Khôi hát với nhau nhiều hơn nữa đấy!
- Linh vừa nói mỗi lần ra Hà Nội đều có một anh bạn thân chở đi chơi. Người đó là...
- Người đó thậm chí còn hơn cả một người bạn thân! Đó là một anh chàng lãng mạn và hát rất hay những bản tình ca. Chính anh ấy đã khơi dậy trong Linh tình yêu Hà Nội...
- Tiết lộ thêm một chút về anh bạn này đi nào!
- (Cười) Thôi, để dịp khác...
Cô sẽ song ca cùng hot boy Hà Thành - Đăng Khôi, một ca khúc mới viết về Hà Nội mang tên Mùa hoa sữa về của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. |
- Có rất nhiều ca sĩ "ăn theo" dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để phát hành ca khúc hoặc album gồm những bài hát về Hà Nội. Linh có nghĩ mình cũng đang chạy theo "mốt" này?
- Đại lễ 1000 năm Thăng Long là ngày lễ thiêng liêng không chỉ của Hà Nội hòa hoa mà còn là của cả dân tộc. Linh nghĩ việc các ca sỹ làm album về Hà Nội nhân dịp này giống như một lời tri ân, 1 tình cảm của người con đất Việt với thủ đô ngàn năm văn hiến. Và Linh cũng rất muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình ở trong đó bởi từ lâu Hà Nội đã là nơi mà Linh luôn hướng về. Một nửa con người Linh thuộc về Hà Nội...
- Một nửa con người bạn thuộc về Hà Nội... Vậy kỷ niệm nào về mảnh đất này mà bạn nhớ mãi không quên?
- Đó là lần đầu ra Hà Nội. Bữa đó, bạn chở Linh đi trên phố Quán Thánh, có rất nhiều biển hiệu "Tẩm quất". Cứ ngỡ đó là tên một... món ăn nên Linh nhất định kêu bạn: "Vô quán kia ăn thử đi, Linh chưa được... ăn bao giờ". Người bạn đó phá lên cười làm Linh quê quá trời!
- Lần đầu tiên Linh tới Hà Nội là khi nào?
- Đúng vào dịp này năm ngoái. Linh còn nhớ đó là những ngày tháng 10 rất đẹp trời!
- Ngoài hoa sữa, ẩm thực là một phần không thể thiếu khi nhắc tới Hà Nội. Linh "kết" món nào nhất ở đất Bắc?
- Chắc chắn là bún chả rồi.
- Vậy còn đồ uống?
- (Cười) Nói ra bạn đừng chọc Linh nha. Linh thích được ngồi ở vỉa hè và nhấp từng ngụm trà chanh trong lúc đang "tám chuyện" cùng bạn bè. Đôi khi ngồi một mình để ngắm phố đông cũng thú vị lắm đó!
- Có chỗ nào mà Linh không thể không tới mỗi lần về lại Hà Nội không?
- Đó là khu phố cổ!
Đã tới Hà Nội thì bận rộn đến đâu, Linh cũng phải dành chút thời gian đi dạo lòng vòng những con phố cổ. Linh vẫn nhớ như in cảm giác rạo rực khi nhìn thấy những món đồ chơi trung thu rực rỡ sắc màu ở Hàng Mã, không khí nhộn nhịp, tấp nập người qua lại ở Hàng Ngang - Hàng Đào... Linh thích được lắng mình trong những thâm trầm, yên ả của đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm... Và còn rất nhiều điều thú vị trên những con phố mà Linh chưa kịp nhớ tên...
Cùng nghe Mùa hoa sữa về và ngắm bộ hình lãng mạn của Ngô Trác Linh - Đăng Khôi:
Quỳnh Anh
Theo Bưu điện Việt Nam