Thí sinh có thể dùng IELTS, TOEFL , TOEIC hoặc SAT, ACT để đăng ký xét tuyển. Ảnh: Duy Hiệu. |
Từ cuối năm 2023, các trường đại học đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh cho năm 2024. Đây là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình cũ nên nhìn chung công tác tuyển sinh của các trường đại học không có nhiều thay đổi. Các trường vẫn giữ ổn định về phương thức tuyển sinh cũng như yêu cầu đặt ra cho các thí sinh.
Cũng giống như năm 2023, mùa tuyển sinh 2024 các trường đại học tiếp tục sử dụng loạt chứng chỉ ngoại ngữ và năng lực để tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm, ưu tiên xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp.
Không dùng IELTS thì có thể dùng TOEFL, TOEIC
Ngoài IELTS, chứng chỉ tiếng Anh phổ biến thứ hai trong công tác tuyển sinh của các trường đại học chính là TOEFL.
Ví dụ tại Đại học Luật TP.HCM, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển sớm tất cả ngành trong trường nếu có TOEFL iBT 65 điểm trở lên.
Ngoài những yêu cầu trên, thí sinh cần có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên. Điểm trung bình này được làm tròn đến một chữ số thập phân.
IELTS không phải chứng chỉ duy nhất có thể dùng khi xét tuyển đại học. Ảnh: Shutterstock. |
Còn tại Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh có TOEFL iBT 46 điểm trở lên hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Nghe và Đọc - 785, Nói - 160, Viết - 150) trở lên có thể đăng ký vào trường theo phương thức xét tuyển kết hợp. Điểm xét tuyển được tính trên thang điểm 30.
Điểm quy đổi chứng chỉ này được tính trên thang điểm 10, cụ thể là từ 46-59 điểm (8 điểm), 60-78 điểm (8,5 điểm), 79-93 điểm (9 điểm), 94-101 điểm (9,5 điểm) và từ 102 điểm trở lên được quy đổi thành 10.
Đại học Ngoại thương xét tuyển các thí sinh có TOEFL iBT từ 79 trở lên, hoặc có chứng chỉ Cambridge của Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (Cambridge English Qualifications) đạt từ 180 điểm trở lên.
Phương thức này áp dụng với các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế.
Đại học Hoa Sen cũng xét tuyển thẳng thí sinh có TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc đã tốt nghiệp trung cấp (người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của BGD&ĐT).
Học viện Quân y đưa chứng chỉ ngoại ngữ vào xét tuyển. Theo đó, ngoài IELTS 5.5, thí sinh có thể dùng chứng chỉ TOEFL iBT để xét tuyển kết hợp với kết quả học tập bậc THPT với điều kiện lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt loại giỏi và hạnh kiểm tốt.
Tương tự, Học viện Kỹ thuật Quân sự cũng đã thông báo thông tin tuyển sinh năm 2024. Theo đó, thí sinh có IELTS hoặc TOEFL sẽ được xét tuyển kết hợp học bạ bậc THPT.
Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) xét tuyển thí sinh dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu dùng TOEFL để quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ, thí sinh có TOEFL iBT 50-54 được quy đổi 9 điểm, 55-59 được quy đổi thành 9,5 còn từ 60 trở lên được quy đổi thành 10 điểm.
Còn với TOEFL ITP, điểm quy đổi lần lượt là 500-529 (9 điểm), 530-559 (9,5 điểm), từ 560 điểm trở lên (10 điểm).
Học ngoại ngữ khác vẫn có nhiều cơ hội
Chứng chỉ tiếng Anh không phải lựa chọn duy nhất dành cho thí sinh. Một số trường đại học vẫn chấp nhận những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc...
Điển hình là Đại học luật TP.HCM. Trường thông báo xét tuyển sớm cho những thí sinh có chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1 trở lên hoặc TCF 300 điểm trở lên (phải do CIEP cấp và chỉ xét tuyển với ngành Luật); chứng chỉ tiếng Nhật JLPT N3 trở lên (phải do JF cấp và chỉ xét tuyển với ngành Luật).
Còn với Đại học Ngoại thương, thí sinh chương trình chất lượng cao ngành Ngôn ngữ Nhật phải có chứng chỉ tiếng Nhật N3 với mức điểm 130/180 trở lên.
Thí sinh đăng ký chương trình chất lượng cao ngành Ngôn ngữ Pháp phải có chứng chỉ DELF B2 trở lên còn thí sinh chọn chương trình chất lượng cao ngành Ngôn ngữ Trung cần có chứng chỉ HSK4 với mức điểm 280/300 trở lên.
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Nhật N3 trở lên khi đăng ký vào Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) sẽ được quy đổi thành 10 điểm. Điểm 10 này các bạn có thể dùng để đăng ký xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều trường đưa loạt chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT vào công tác tuyển sinh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Có chứng chỉ năng lực quốc tế sẽ là một lợi thế
Không dừng lại ở các chứng chỉ ngoại ngữ, các trường đại học cũng dành nhiều suất xét tuyển cho thí sinh có chứng chỉ năng lực quốc tế như SAT, ACT, A-level...
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh có chứng chỉ SAT từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên được xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Điểm SAT và ACT của thí sinh sẽ được quy đổi về thang 30, cụ thể là điểm quy đổi SAT = điểm SAT*30/1.600 còn điểm quy đổi ACT = điểm ACT*30/36.
Còn tại Đại học Ngoại thương, trường tuyển kết hợp điểm SAT, ACT hoặc A-Level. Cụ thể điểm SAT từ 1.260 trở lên, ACT từ 27 điểm trở lên, A-level với điểm môn Toán phải đạt từ điểm A trở lên.
Phương thức này áp dụng với các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế. Thời gian đăng ký nguyện vọng dự kiến từ ngày 20/5 đến 17h ngày 30/5.
Thí sinh có SAT 1.068 điểm trở lên hoặc ACT từ 18 điểm trở lên cũng có cơ hội được xét tuyển vào Học viện Quân y. Ngoài điều kiện về chứng chỉ năng lực quốc tế, thí sinh cần có kết quả học tập lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt giỏi và hạnh kiểm tốt.
SAT, ACT cũng là chứng chỉ được dùng để tuyển sinh tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Để được đăng ký xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự, các thí sinh cần làm thủ tục đăng ký sơ tuyển tại Ban Chỉ huy quân sự cấp quận, huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Thời gian đăng ký từ ngày 15/3/2024.
Tại Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), khi xét tuyển bằng chứng chỉ năng lực quốc tế, thí sinh cần có một trong những chứng chỉ sau: SAT có điểm từ 510 trở lên cho mỗi phần thi; ACT có điểm trung bình từ 21 trở lên; AS/A-level có điểm từ C-A cho mỗi môn thi; Tú tài quốc tế (IB) có tổng điểm từ 21 trở lên.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.