Nhà hát giao hưởng, opera có một vị trí đặc biệt trong đời sống xã hội ở các thành phố có lịch sử lâu đời cũng như gắn liền với nền văn hóa đương đại.
Trong kiến trúc hiện đại, các nhà hát giao hưởng opera, vũ kịch được xây dựng thành tổ hợp đa năng, vừa là không gian để công chúng tương tác với nghệ thuật hàn lâm, vừa đóng vai trò như một nơi tổ chức các sự kiện trang trọng, đồng thời cũng là điểm nhấn của đô thị, biểu tượng của quốc gia.
Nhà hát Bolshoi ở thủ đô Moscow, Nga. |
Không chỉ là không gian biểu diễn nghệ thuật
Nhà hát giao hưởng, opera được xây dựng với sứ mệnh là cầu nối đưa nghệ thuật hàn lâm đến với đông đảo công chúng. Trong kiến trúc hiện đại, nhiều tổ hợp nhà hát tại các thành phố lớn được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu USD.
Ngoài các thính phòng phục vụ mục đích trình diễn nghệ thuật, nhà hát còn được sử dụng với những mục đích khác như nghiên cứu và phát triển âm nhạc, diễn kịch, chiếu bóng, hợp xướng, có thêm thư viện, nhà hàng hoặc khu mua sắm.
Ví dụ điển hình nhất của nhà hát đa năng là nhà hát Opera Sydney (Australia). Mỗi năm, nhà hát con sò đón khoảng 2 triệu khán giả đến thưởng thức 3.000 chương trình biểu diễn.
Công trình bao gồm sảnh hòa nhạc giao hưởng (concert hall), rạp hát cổ nhạc opera (opera theater), rạp diễn kịch (drama theater), rạp chiếu bóng (playhouse) và phòng hợp xướng (studio). Đây cũng là trụ sở của Sydney Theatre Company và Dàn giao hưởng Sydney.
Nhà hát Opera Sydney (Australia). |
Ngoài khu vực trình diễn, nhà hát Opera Sydney còn có 5 studio tập diễn, 4 nhà hàng, 6 quán bar và một số cửa hàng lưu niệm. Doanh thu từ nhà hàng và quán bar trong khu vực nhà hát lên đến 54 triệu USD mỗi năm.
Bên cạnh chức năng là nhà hát, Sydney Opera House cũng được là nơi tổ chức đám cưới, tiệc, hội nghị và các sự kiện trang trọng.
Được mệnh danh là công trình kiến trúc biểu tượng của thế kỉ 21, The Elbphilharmonie - Nhà hát Hamburg (Đức) - được thi công và thiết kế trong suốt 16 năm trời, là biểu tượng của sự kết tinh giữa kiến trúc hiện đại và những giá trị xưa cũ.
Không chỉ là địa điểm trình diễn âm nhạc đơn thuần, nhà hát Elbphilharmonie còn gồm các căn hộ, các tổ hợp về văn hóa. Khán phòng 2.100 chỗ cùng với thính phòng hòa nhạc giao hưởng 550 chỗ được lồng ghép hài hòa với những căn hộ cao cấp và một khách sạn năm sao cùng với nhà hàng, phòng tập gym, phòng hội thảo.
Nhà hát Elbphilharmonie (Hamburg, Đức) |
Tổ hợp nhà hát Esplanade (Singapore) không phải là ngoại lệ của xu hướng xây dựng nhà hát đa năng hiện đại. “Trái sầu riêng” Esplanade vẫn thường được nhắc đến với cụm từ “độc đáo’’ khi tập hợp đủ các điều kiện để khán giả tương tác với nghệ thuật một cách tốt nhất.
Nhà hát Esplanade gồm sảnh hòa nhạc giao hưởng 1600 chỗ, rạp 2.000 chỗ, studio Recital có sức chứa 250 người và một studio khác có sức chứa 200 người.
Nếu nói đến hiệu suất biểu diễn thì Esplanade đứng vào hàng đẳng cấp thế giới chứ không riêng gì khu vực châu Á với những dịch vụ hỗ trợ và tiện nghi chuyên nghiệp.
Nhà hát Esplanade chính thức khai trương vào tháng 10/2002 và đến nay trở thành một trong những nhà hát sôi động nhất thế giới. Mỗi năm, nhà hát tổ chức khoảng 3.000 chương trình biểu diễn âm nhạc, vũ đạo, sân khấu... cũng như các cuộc triển lãm nghệ thuật hình ảnh ấn tượng.
Nhà hát Esplanade (Singapore). |
Ngoài những buổi trình diễn nghệ thuật thì nhà hát còn là nơi tổ chức những cuộc gặp gỡ, những buổi hội họp cũng như các chủ đề liên quan đến phong cách sống và nghệ thuật.
Bên cạnh những khán phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, nhà hát này còn nổi tiếng với thư viện Esplanade - thư viện về nghệ thuật biểu diễn đầu tiên của Singapore.
Sau những phút giây trải mình trong giai điệu âm nhạc du dương, khán giả có thể kéo dài tiếp tục với các hoạt động vui chơi, mua sắm, ăn uống cho tới khi đồng hồ điểm 12h đêm tại Esplanade Mall.
Là điểm nhấn của đô thị, biểu tượng quốc gia
Nhà hát là yếu tố quan trọng trong thiết kế tổng thể của các đô thị lớn trên thế giới. Mối quan hệ của nhà hát với một thành phố đã được xác lập từ thời cổ đại, khi mà các thị trấn và thành phố thịnh vượng tự hào về những tòa nhà công cộng tráng lệ, trong đó có các khán đường công cộng (khán phòng ngoài trời) là ví dụ điển hình.
Đến thời kỳ Phục Hưng, vai trò của nhà hát càng trở nên quan trọng. Đây không chỉ là nơi để trình diễn các vở kịch mà còn là nơi để giới thượng lưu thể hiện đẳng cấp.
Nhà hát Teatro Colon (Buenos Aires, Argentina). |
Xã hội càng trở nên văn minh, nhà hát cũng rũ bỏ dần lớp vỏ diêm dúa, hào nhoáng tượng trưng cho sự dư thừa của cải vật chất của giới nhà giàu xưa mà khoác lên mình thiết kế thân thiện, hướng tới đại chúng.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các nhà hát đều là hạng mục đầu tư trung hạn của thành phố, được xây dựng với mục đích trở thành biểu tượng đặc trưng gắn với thành phố, đô thị và thậm chí là quốc gia đó.
Nhắc đến nhà hát là “biểu tượng” đô thị phải kể đến “thánh đường” opera và ballet Royal Opera House (London, Anh). Nhà hát Opera Hoàng gia của nước Anh tọa lạc tại Covent Garden, một trong những địa điểm du lịch và văn hóa nổi tiếng nhất của thành phố London.
Được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, những buổi trình diễn đầu tiên của nhà hát gắn liền với các vở opera và thanh xướng kịch của nhà soạn nhạc George Handel. Ngoài tháp đồng hồ Big Ben, Royal Opera House cũng được coi là biểu tượng của London.
Nhà hát Royal Opera House (London, Anh). |
Người Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng vô cùng tự hào với Trung tâm nghệ thuật biểu diễn quốc gia, tọa lạc ở thủ đô Bắc Kinh. Là tác phẩm của kiến trúc sư người Pháp Paul Andreu, nhà hát có biệt danh là "Quả trứng lớn", có hình dáng như một viên ngọc trai khổng lồ nằm trên trung tâm mặt hồ.
Công trình hoành tráng này có kinh phí đầu tư lên đến 3,2 tỷ NDT (tương đương 462 triệu USD) và mất hơn 8 năm để hoàn thành. Với diện tích gần 12.000 m2, nhà hát có 3 phòng hòa nhạc với sức chứa lên đến gần 5.500 người.
Thật thiếu sót khi không nhắc đến nhà hát Opera Sydney với tư cách công trình kiến trúc đại diện cho quốc gia. Với các mái vòm vươn cao giống cánh buồm no gió hay những vỏ sò tuyệt đẹp, nhà hát 45 tuổi này được xem là công trình giúp tạo dấu ấn bản sắc cho thành phố Sydney, đất nước Australia và thậm chí là cả châu Úc.
Nhà hát Opera Sydney được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20, được UNESSO công nhận là di sản thế giới vào tháng 6/2007. Trước đó 2 năm, nhà hát đã lọt vào danh sách di sản quốc gia Australia.
Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Bắc Kinh. |