Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngoại ngữ thành môn tự chọn, học sinh tụt hậu?

"Ngoại ngữ rất quan trọng. Nước ta đang trên đà hội nhập quốc tế, nếu bỏ thì thật không hiểu nổi", độc giả Lê Minh bày tỏ quan điểm.

Chiều ngày 24/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức về phương án thi tốt nghiệp năm 2014. Kỳ thi năm nay sẽ gồm 4 môn, trong đó có 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn từ Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ.

Không bắt buộc nên trò sẽ lười học Ngoại ngữ?

Sau khi thông tin mới nhất về tuyển sinh được công bố, đã không ít câu hỏi được dư luận đặt ra khi Ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc, chỉ là môn tự chọn.

Độc giả Lê Minh nêu ra tầm quan trọng của môn học này: “Ngoại ngữ rất quan trọng. Hiện nay nước ta đang trên đà hội nhập quốc tế mà bỏ thì thật không hiểu nổi. Lên đại học, khi đi xin việc, thấy ngành nào học nào cũng cần kiến thức Ngoại ngữ. Thậm chí, có người còn quan niệm không biết một thứ tiếng khác ngoài mẹ đẻ thì coi như thua người ta một cái đầu".

Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT) chia sẻ quan điểm về việc đưa Ngoại ngữ thành môn học tự chọn.

Việc giảm tải môn thi chứng tỏ ngành giáo dục đang hướng tới đổi mới thi cử, không còn là gánh nặng cho người học. Là người đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bạn Ngọc Anh (lớp 12A1, trường THPT Bỉm Sơn – Thanh Hóa) cho biết tâm lý chung của học sinh hiện đang rất thoải mái với việc thi tốt nghiệp 4 môn.

Tuy vậy, cá nhân Ngọc Anh bày tỏ: “Đối với em, Ngoại ngữ là một môn thi bắt buộc sẽ đúng đắn hơn, bởi môn học này rất thực tế. Em thấy đa số các bạn học khối A, B, C hầu như không học tiếng Anh. Vì vậy nếu bỏ thì môn học này sẽ đi vào… lịch sử. Tâm lý chung của học sinh là không phải môn thi thì sẽ không cần học”.

Là một giáo viên luyện thi đại học, anh Đặng Thành Nam (Giám đốc một trung tâm phát triển giáo dục tại Hà Nội) cho rằng: “Vì học khối A nên theo tâm sự của đa số học sinh tại trung tâm đều nói, từ nay các em không còn lo lắng cũng như không cần học tiếng Anh nữa. Bởi sau thông tin chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường học sẽ cắt bỏ phụ đạo đối với môn này trong quá trình ôn thi. Từ đó dẫn đến hệ quả là học lệch, tạo rào cản cho các em bước chân vào giảng đường đại học”.

Học sinh nên biết lựa chọn điều gì tốt nhất cho mình

Bên cạnh ý kiến phản đối, nhiều người cho rằng đây là quyết định thể hiện sự công bằng. Học sinh Phạm Hồng Liên (lớp 9B trường THPT Chuyên Hà Nội – Ams) chia sẻ: “Ngoại ngữ là môn tự chọn rất hợp lý vì không phải học sinh nào cũng có điều kiện học như miền núi, vùng sâu vùng xa. Tất nhiên, sau này khi Việt Nam phát triển theo hướng hội nhập thì có thể tăng cường phát triển đưa Ngoại ngữ vào môn bắt buộc”.

Hồng Liên không lo lắng trong việc bỏ thi Ngoại ngữ sẽ khiến học sinh học lệch bởi: “Học sinh nào cũng có năng khiếu trong một số môn. Một người giỏi không chỉ có kết quả học tập tốt mà còn có một thế mạnh nhất định để phát huy”.

Tuy khẳng định bỏ học Ngoại ngữ sẽ dẫn đến hệ lụy học lệch, nhưng anh Đặng Thành Nam cũng đưa ra nhận định: “Ngoại ngữ không bắt buộc trong 4 môn thi có lợi thế cho các trường tại nông thôn vì việc học ở đây còn nhiều hạn chế. Việc không đưa Ngoại ngữ vào môn bắt buộc cũng tương đối hợp lý, giảm sức ép thi cử vào tạo sự công bằng cho tất cả các thí sinh trong cả nước”.

Bạn Lê Nga thì bày tỏ quan điểm: "Một học sinh lớp 12 đã nhận thức được tầm quan trọng của môn thi, đâu phải cứ ép mới chịu học. Hơn nữa, bây giờ các bậc phụ huynh cũng đều cho con học Ngoại ngữ từ nhỏ. Vì vậy cho môn học này vào tự chọn là đúng".

Giáo dục - câu chuyện không có đáp số

Trước sự lo lắng trong việc giảm số môn thi còn 4, đưa Ngoại ngữ vào môn tự chọn sẽ gây ra hiện tượng học lệch đối với học sinh.

Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT) trả lời: "Câu chuyện giáo dục không bao giờ có đáp số cuối cùng, Bộ khẳng định thi 4 môn sẽ không làm khó cho nhà trường, không gây sốc cho học sinh và sẽ tiệm cận dần từ dễ đến khó, từ nông đến sâu. Hơn nữa, năm nay trong kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ có 50% được đánh giá cả quá trình học tập lớp 12 của học sinh. Vì vậy chuyện học lệch sẽ không xảy ra".

Ông Trinh cho biết thêm, việc đưa Ngoại ngữ vào nhóm môn tự chọn dựa trên những góp ý, ý kiến của phụ huynh, học sinh và xã hội.

“Việc chúng ta đưa Ngoại ngữ vào nhóm môn tự chọn hay để là môn khuyến khích đều đánh giá đúng vị trí của Ngoại ngữ. Nhưng chúng ta sẽ đi tới lộ trình ngoại ngữ là môn thi bắt buộc” - ông chia sẻ về kế hoạch lâu dài.

Chính thức bỏ điểm sàn ĐH, thi tốt nghiệp THPT còn 4 môn

Chiều nay (24/2), Bộ Giáo dục và Đào tạo họp công bố chính thức về phương án thi tốt nghiệp năm 2014. Kỳ thi gồm 4 môn, trong đó có 2 môn do thí sinh tự chọn.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm