- Anh từng nghe nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung và anh nhận xét gì về thể loại âm nhạc của nhạc sĩ này?
- Trước đây tôi không biết Quốc Trung là ai và không nghe nhạc của anh ấy nên không bình phẩm hay có ý kiến gì. Thế nhưng, từ khi tôi có dịp xem The Voice, tôi thấy anh ấy có những nhận xét về các em thí sinh thú vị, từ đó, tôi thích và quý anh ấy.
- Gần đây, trong một bài báo, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ quan điểm "Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường", vốn được gọi là "ông hoàng nhạc sến", anh cảm thấy thế nào trước lời nhận xét của đồng nghiệp?
- Tôi không có ý kiến gì về phát biểu đó vì mỗi người có một nhận định, ý kiến khác nhau. Họ có quyền thích cái này, chê bai cái khác. Tôi là người yêu nhạc sến và nặng nợ với nhân dân thời đạp xe đi hát từ năm 1987. Người đưa tôi vào nghề hát đầu tiên là nhạc sĩ Quốc Dũng và Nguyễn Ngọc Thiện. Sau đó, tôi sáng tác ca khúc Lòng mẹ được rất nhiều người yêu mến như những người bán hàng rong, đạp xích lô đến những người tri thức, điều này khiến tôi càng nặng lòng với nhạc sến hơn. Tôi là người sến nghĩa sến tình, ai thích nghe thì nghe, muốn chê bai thì chê bai vì họ có quyền làm điều đó.
Tôi nghĩ vài lời chê bai không thể làm ảnh hưởng đến cả một dòng nhạc. Một cánh én không thể nào làm nên mùa xuân, vì vậy, khi nào có nhiều người nói hay tẩy chay nhạc sến tôi mới sợ, còn ít người chê cũng chẳng thấm thía vào đâu. Tôi không quan trọng việc ca sĩ hát nhạc sến có bất bình thường hay không, hãy để câu trả lời đó cho khán giả nhận xét. Nếu như ca sĩ hát nhạc sến bất thường, khán giả xem và yêu mến tiếng hát của tôi đến giờ phút này cũng không bình thường ư?
Ca sĩ - nhạc sĩ Ngọc Sơn. |
- Từ trước đến giờ tôi không làm mất lòng một ai và cũng chẳng bao giờ làm đau ai. Vì vậy, Quốc Trung muốn nói, phát biểu gì mặc kệ, tôi không quan tâm cũng chẳng đánh giá.
Tôi không tủi thân, trong cuộc sống nếu ai chê bai tôi sinh ra để mua vui cho đời, tôi cũng cảm thấy vui. Với tôi, thà làm ngọn cỏ cô đơn để vươn lên trời cao còn hơn vây quanh là ong bướm. Tôi thích mình nhỏ bé và bình dân nhất, những cái nhỏ bé của tôi là đóng góp cho đời, ai muốn nói hay chê bai gì cũng chẳng sao. Thế nhưng, tôi nghĩ, nếu họ chê mà đụng chạm đến người lớn sẽ tự hiểu, còn chê một mình tôi mà làm cho người khác vui, tôi cũng cảm thấy hãnh diện. Cuộc đời là để mua vui mà! Ai nói tôi sến tôi mừng lắm vì tôi là Ngọc Sơn sến.
Tôi nghĩ, mỗi dòng nhạc chiếm một thị phần riêng không dòng nhạc nào lấn át dòng nhạc nào được vì thị hiếu của khán giả rất đa dạng và phong phú như ngôn ngữ Việt. Tôi luôn ghi nhớ khi mình ăn một miếng ngon, đi xe hơi đẹp hay ở nhà lầu tất cả đó là tình yêu mến của khán giả dành cho mình. Chính sự yêu mến ấy được thể hiện qua các lịch diễn ở các tụ điểm sân khấu, phòng trà đã thay cho câu trả lời cho bạn rồi.
Nhạc sĩ Quốc Trung. |
- Có nhiều quan điểm cho rằng, ca sĩ chọn dòng nhạc sến sẽ không có độ bền với nghề nghiệp. Anh nghĩ sao?
- Có người hỏi tôi tại sao thường nghe nhạc tình, thường ca nhạc sến? Tôi xin trả lời, ở trong tim tôi luôn chất chứa những nỗi niềm riêng từ thuở còn nhỏ đó là tiếng mẹ ầu ơ, hình ảnh cha tôi ngày nào cũng gian khổ nhưng đêm về vẫn nghe vài câu vọng cổ. Nhiều người khác cũng tìm được niềm vui trong điệu hò, câu nhạc sến nên tôi nghĩ nhạc sến là sự mộc mạc và đậm đà nét riêng của Việt Nam.
Tôi không biết là dòng nhạc sến hay ca sĩ theo đuổi dòng nhạc sến có bền hay không, vì đó là do công chúng nhận định. Xã hội muôn màu muôn vẻ, cũng như trên bàn ăn có người thích ăn món này, có người thích ăn món khác. Nếu ai nói nhạc sến không bền và họ cảm thấy vui cứ để họ vui, riêng tôi chẳng biết ghét một ai. Tôi sợ làm đau người khác nên không muốn làm mất lòng một ai.
Tôi nghĩ đôi khi người ta phát ngôn và gây scandal là do họ lỡ miệng, còn cái tâm họ tốt thì sao. Tôi là người hát lâu năm trong dòng nhạc này, tình cảm công chúng dành cho tôi hơn 25 năm qua đã minh chứng một điều dòng nhạc sến có bền hay không. Tôi sẽ cố gắng giữ mãi chữ sến trong lòng đến khi không còn được hát nữa thì thôi.
- Nhiều ca sĩ loay hoay với các dòng nhạc khác nhau vẫn không thành công, nhưng khi họ chuyển qua dòng nhạc sến lại tạo được tiếng vang. Anh nghĩ sao nếu nhạc sến chiếm đa phần trong đời sống âm nhạc?
- Tôi hỏi bạn cải lương chiếm đa số ở các tỉnh miền Tây và Nam Bộ có trở thành mối lo ngại cho âm nhạc và xã hội không? Nếu ai đã nhận xét như vậy, hãy để cho công chúng phán xét, còn tôi thì không. Tôi là người chỉ biết yêu nhạc sến, còn ai nói nguy hiểm hay độc hại cứ để cho khán giả và thời gian minh chứng. Tôi nghĩ nếu nhạc sến nguy hiểm và độc hại, chúng đã bị đào thải từ rất lâu. Ai thích nhạc sến thì nghe, còn không thì bịt lỗ tai lại là xong.
"Ai không thích nghe nhạc sến thì bịt lỗ tai lại là xong". |
- Có nhận định nếu dòng nhạc xưa, nhạc sến phát triển mạnh sẽ vô tình giết chết dòng nhạc đương đại, anh nghĩ điều này đúng hay sai?
- Không có dòng nhạc nào giết chết dòng nhạc nào cả. Nhạc xưa có cái hay của nó, chúng ta nên gìn giữ vì nó là truyền thống, đặc thù riêng. Có ai nói dân ca Nam Bộ hay cải lương là xưa đâu?
Nhận xét nhạc xưa càng phát triển, giết chết dòng nhạc đương đại là không công bằng. Dòng nhạc đương đại chỉ tự giết chết mình thôi. Tôi còn nhớ để cho ra đời được những ca khúc nhạc xưa hay trữ tình, người nhạc sĩ phải mất nhiều năm mới sáng tác xong, còn dòng nhạc đương đại bây giờ, một ca khúc mới ra lò chỉ vọn vẹn trong vòng 15 phút, làm sao chất lượng bằng những ca khúc bất hủ trước kia.
- Anh nghĩ gì về dòng nhạc trẻ đương đại?
- Tôi ủng hộ nhiều ca sĩ trẻ và vẫn thích nghe họ hát. Người ta bảo nhạc thị trường nhảm nhí và nhố nhăng nhưng tôi vẫn thích thế, như vậy mới tạo nên một xã hội muôn màu muôn vẻ. "Người nghệ sĩ có tội tình chi, mà sao lắm kẻ khinh khi chê cười. Người nghệ sĩ tô đẹp cho đời, làm sao nỡ nặng lời vô ơn". Tôi chỉ khuyên các anh em nghệ sĩ đừng nặng lời với nhau chi cho tội nghiệp.
- Nhiều ca sĩ trẻ hát nhạc sến được cho là ăn theo, lười sáng tạo, chộp giật... Anh có nghĩ vậy?
- Không nên nói như vậy, mỗi người có một khả năng riêng, họ có thể phát triển thêm dòng nhạc nào phải mừng cho họ, không thể trách họ được. Hơn nữa, tùy theo thị hiếu của khán giả, mình đáp ứng yêu cầu thôi. Các em sau này được công nghệ lăng xê dẫn đến chủ quan, đôi khi lười lao động. Ngày xưa công nghệ thông tin chưa phát triển, ca sĩ buộc phải sống bằng nội lực và lao động nghệ thuật nhiều. Mỗi một thời điểm đều có giá trị riêng của nó và cần cố gắng phát huy sự nghiệp hơn.
- Anh sáng tác rất nhiều ca khúc nhạc sến, vậy để cho ra đời một ca khúc nhạc sến, người nhạc sĩ cần có những điều gì?
- Sáng tác nhạc sến bây giờ rất khó bởi nhiều nhạc sĩ lão làng đã mất. Thế nhưng, từ khi tôi bắt đầu sáng tác nhạc sến như Lỡ yêu, Thề, Sến... tôi thấy mình viết nhạc bằng cả nỗi lòng lẫn trải nghiệm trong cuộc sống. Có những ca khúc tôi phải viết đi viết lại rất nhiều lần mới hoàn thành và tôi rất buồn khi nhiều nhạc sĩ viết nhạc sến đã dần mai một đi. Thế nhưng, cái hay của nhạc sến không bao giờ mất đi trong lòng khán giả vì nó gắn liền với máu thịt của mỗi con người.
- Theo anh để duy trì dòng nhạc sến người nghệ sĩ yêu thích dòng nhạc này cần làm gì?
- Đó là làm rung động khán giả bằng giọng hát và điệu nhạc, cụ thể khi viết ra những nốt nhạc bằng trái tim và cất lên bằng giọng hát chân tình, ngọt ngào sẽ làm người nghe xúc động, nhớ mãi.
- Bí quyết giúp "ông hoàng nhạc sến" giữ vững vị trí từ năm 1987 đến nay là gì?
- Tôi không dám nhận mình là "ông hoàng nhạc sến", đây là báo chí và khán giả phong tặng. Tôi chỉ dám nhận mình là ca sĩ bình dân, Hai Lúa. Thế nhưng, việc mọi người phong tặng cho tôi danh hiệu này kia là do sự xúc cảm của người nghe, điều đó tiếp thêm cho tôi động lực để tôi tiếp tục cống hiến và cho ra đời các ca khúc mới phục vụ khán giả.