Đình thần An Khánh là công trình được xây dựng tại vùng đất Thủ Thiêm vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, trong khoảng từ năm 1679 đến năm 1725. Đây là nơi tôn vinh công lao của người có công khai phá vùng đất này, lưu giữ những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của người dân Nam Bộ. |
Trước đây, đình có diện tích khoảng 787 m2, nằm bên sông Sài Gòn, cạnh bến phà Thủ Thiêm. Để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, năm 2014, ngôi đình được tháo dỡ, di dời và phục dựng bên cạnh vị trí cũ. Đình An Khánh sau khi hoàn thành có diện tích khoảng 1.200 m2 gồm chánh diện chính, các công trình phụ trợ nằm hai bên hông chính điện và khuôn viên được trồng cây xanh. |
Từ cổng đình được xây dựng theo lối tam quan truyền thống với hai tầng mái, mọi người có thể nhìn thấy các công trình biểu tượng của TP.HCM thấp thoáng đằng sau như tòa nhà Bitexco, công viên Bến Bạch Đằng... |
Tiến vào trong đền, bức bình phong thờ thần hổ được dựng trước chính điện. Từ đời xưa, hổ được xem là biểu tượng của sự uy linh, dũng mãnh, có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương nên thường được có mặt các công trình kiến trúc cổ ở Việt Nam. |
Chánh điện có diện tích 381,42 m2 được xây dựng ở vị trí trung tâm. |
Kiến trúc ngôi đình vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng của kiểu nhà tứ trụ với 4 cột cái, một gian hai chái, mái ngói, khung gỗ, tường gỗ. |
Mái nhà lợp ngói âm dương tráng men xếp đan xen với nhau, mang đậm kiến trúc đặc trưng của đình làng truyền thống Nam Bộ. Trên nóc đình có gắn tượng điển tích “Lưỡng long tranh châu". |
Phần tường được dựng hoàn toàn bằng gỗ. Hệ thống trụ có bệ đá đồng bộ với sàn bên ngoài chánh điện. |
Bên trong chánh điện là nơi đặt bàn thờ Thần Thành Hoàng bổn cảnh và các bàn thờ khác như Tả Ban, Hữu Ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Bạch mã thái giám, Chiến sĩ trận vong, Bạch hổ Sơn thần... Các gian thờ được trang trí cầu kỳ với câu đối sơn son thếp vàng, những tượng hạc cưỡi rùa, ngựa được phục chế và bài trí lại. |
Hoa văn trên các cột, kèo, mái đình được chạm khắc tinh xảo. |
Các công trình phụ như nhà bếp, nhà hậu được xây dựng dọc theo chánh điện, giữa khuôn viên được trồng nhiều cây xanh, tạo không gian xanh mát, rộng rãi. Ngoài lễ kỳ yên đình An Khánh được tổ chức vào ngày 15-16/11 âm lịch hàng năm, tại đây còn diễn ra nhiều lễ cầu an, cầu mùa, nhớ ơn Thành Hoàng... |
Công trình phục dựng được khởi công từ 17/5/2022 với kinh phí hơn 129 tỷ đồng. Sau gần một năm phục dựng, đình thần An Khánh đã được khánh thành vào dịp 30/4. Đây là công trình lưu giữ được nét truyền thống pha lẫn hiện đại ngay tại đô thị Thủ Thiêm. |
63 tỉnh thành trong nước chứa đựng vô số điểm đến đa dạng về văn hóa, độc đáo về lịch sử. Zing giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về hành trình khám phá Việt Nam.