Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi làng ăn chung, tiêu tiền chung ở Thái Nguyên

Làng sinh thái Thái Hải có khoảng 200 người dân cùng sinh sống. Ở đây, dân làng ăn chung, dùng đồ chung, nhà ai kiếm được tiền cũng góp chung vào quỹ làng.

Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) là phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia, blogger du lịch có tiếng tại Việt Nam. Anh đã đi qua 63 tỉnh thành trên cả nước và tới hơn 40 quốc gia khắp thế giới để ghi lại và lan tỏa những bức hình, trải nghiệm hấp dẫn.

Dưới đây là chia sẻ thú vị của Ngô Trần Hải An về Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên).

Với tôi, Thái Hải là bản làng kỳ lạ bậc nhất Việt Nam.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022". Nơi đây cách Hà Nội khoảng 70 km và trung tâm TP Thái Nguyên 10 km, nằm trong trục tham quan khu du lịch Hồ Núi Cốc, không gian văn hóa chè Tân Cương…

Ở làng Thái Hải (thuộc xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức) có khoảng 200 người dân cùng sinh sống. Dân làng ăn chung, dùng đồ chung, nhà ai kiếm được tiền cũng góp chung vào quỹ làng, không ai giàu có hơn ai, không ai tị nạnh ai. Tất cả cùng đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau mỗi ngày.

Tôi không thể tin có một ngôi làng như thế tồn tại giữa thế kỷ XXI cho tới khi trực tiếp ghé thăm, được đi tham quan và nghe những câu chuyện thú vị về nơi này.

Lang sinh thai Thai Hai anh 1

Người dân làng Thái Hải tham gia lễ hội truyền thống. Ảnh: Quỷ Cốc Tử.

Thái Hải là khu du lịch tư nhân đầu tiên của Thái Nguyên được công nhận là điểm du lịch địa phương.

Hơn 15 năm về trước, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một người yêu văn hóa Tày, mong muốn xây dựng khu bảo tồn văn hóa dân tộc này. Bà đã gom góp tất cả tiền bạc để mua được 30 căn nhà sàn nguyên bản của đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ Định Hóa đưa về Mỹ Hào, trong đó có nhiều ngôi nhà tuổi đời ngót nghét trăm năm.

Bà cũng cất công vận động những gia đình người Tày, Nùng về đây sinh sống cùng nhau. Họ sống quây quần bên nhau như gia đình. Công việc hàng ngày của họ là trồng cây rừng, trồng rau, trồng chè, tăng gia sản xuất và tham gia hoạt động du lịch, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bà Hải là trưởng làng và đặt ra "luật lệ" cực kỳ thú vị: Mỗi người chỉ làm một việc mà thôi, ai giỏi chăn nuôi thì chỉ chăn nuôi, ai giỏi làm kinh tế thì làm kinh tế, ai giỏi giao tiếp thì đối ngoại tiếp khách, người có kinh nghiệm làm thuốc thì lo việc chữa bệnh cho cả làng, thậm chí ai giỏi làm rượu thì làm rượu cho cả làng uống.

Lang sinh thai Thai Hai anh 2

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - trưởng làng. Ảnh: Quỷ Cốc Tử.

Mỗi ngày, từ 5h, mõ làng gõ vang gọi cả làng thức giấc làm việc, đàn ông cời bếp, thổi lửa, mài dao, phụ nữ ra giếng làng lấy nước, đun nước pha trà. Sau khi cùng nhau ăn sáng, mọi người tỏa đi làm công việc của mình. Có người đi lấy củi, trồng rau, chăn nuôi gà heo, người đánh bắt cá, người đón tiếp khách tham quan, trẻ nhỏ đến lớp học.

Điều độc đáo khiến du khách bất ngờ là toàn bộ số tiền bất cứ ai trong làng kiếm được đều nộp vào quỹ chung của bản làng. Các chi tiêu, nhu cầu sinh hoạt từ riêng tư đến thiết yếu của mỗi gia đình, từ ăn uống sinh hoạt, đến chữa bệnh, vui chơi, đi học đều có trưởng làng lo liệu.

Thậm chí, dân làng đi lại cũng là xe chung luôn. Ai cần xe thì đăng ký, sẽ có bộ phận thu xếp lấy xe trong kho ra giao ngay.

Trưởng làng sẽ là người quyết định mọi công việc quan trọng của làng Thái Hải. Tất cả đều nghe theo sự sắp xếp của trưởng làng mà không bao giờ so đo tị nạnh nhau.

Tới đây, du khách có thể cùng bà con trồng rau, hái chè, làm nhà sàn, thả lưới bắt cá, múa chày giã cốm… để hiểu hơn về đời sống của người dân bản địa, sau đó thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng như khâu nhục, lợn quay, ốc xào măng chua, canh gà nấu mẻ… hay những món ăn lạ miệng chế biến từ mầm lạc, sâu chít, châu chấu…

Điều khiến du khách đặc biệt ấn tượng về Thái Hải nằm ở việc bảo tồn, phát huy giá trị những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày Thái Nguyên. Trẻ em trong làng được ông bà, cha mẹ dạy giao tiếp bằng tiếng Tày. Lên 6 tuổi, các em được học hát Then, đàn tính, chơi ném còn.

Các nghi lễ như cúng tổ tiên, xuống đồng, mừng cơm mới... vẫn được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Tôi may mắn được tham dự lễ Biết ơn trời đất của ngôi làng. Bà con tất bật chuẩn bị lễ vật như bánh kẹo, hoa quả, rượu, bánh gai, lợn quay... để dâng cúng tổ tiên và thần linh. Đây là lễ nghi để tạ ơn trời, đất, các vị thần và tất cả đã sinh ra, gặp gỡ, sống tốt với nhau, cùng nhau làm những điều tốt đẹp.

Tôi từng tham dự rất nhiều lễ hội nhưng đây có lẽ là lễ hội đậm đà bản sắc và ấm áp nhất. Những điều giản dị, tình người ở Thái Hải thôi thúc tôi sớm trở lại đây. Làng Thái Hải thực sự là điểm đến đáng trải nghiệm.

Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'

Loạt điểm vui chơi ở TP.HCM tạm ngưng hoạt động vào 2 ngày quốc tang

Thảo Cầm Viên, rạp xiếc với vở diễn Vùng đất kỳ bí nổi tiếng, rạp phim, phòng trà... là một số điểm vui chơi tạm ngừng hoạt động vui chơi trong 2 ngày quốc tang.

Cảnh trớ trêu của du lịch Mỹ

Mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump công bố hôm 2/4 dự kiến khiến lượng khách du lịch đến Mỹ giảm mạnh, chi tiêu ít hơn trong năm nay.

https://vietnamnet.vn/ve-ngoi-lang-an-chung-dung-do-chung-tien-kiem-duoc-cho-vao-quy-chung-2372733.html?gidzl=yMC8AVjCtrNoV0We-L7MLl1x1YZXKjXGk7XRUUPVZ0VWSbD-xrsDKkTrMYdk3Oi2j2PRVJK_7kPA_4tMLG

Linh Trang/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm