Người dân ở các làng lân cận đưa con đến xem bức tường “Sinh viên giỏi" của làng An Trang. Ảnh: People.cn. |
Bức tường “Sinh viên giỏi" nằm trong khuôn viên Vườn học tử của công viên văn hóa làng An Trang thuộc thị trấn Hoài, huyện Hiến, thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Trên bức tường là thông tin về tên, trường đang theo học của những sinh viên giỏi trong làng, theo Sina.
Gần đây, nơi này đã trở thành địa điểm check-in nổi tiếng trên mạng, nhiều gia đình đích thân đưa con em đến đây tham quan.
“Làng chúng tôi không thi đua kinh tế mà thi đua xem nhà ai coi trọng việc giáo dục hơn", ông Zhao Song Li, một người dân trong làng, chỉ vào những cái tên trên bức tường “Sinh viên giỏi", tự hào nói.
Nhờ vậy, dù dân số chưa đến 2.000 người, cả làng có đến 8 tiến sĩ và 20 thạc sĩ.
Trong số những gia đình có con cái học cao, nhà ông An Ze Hu là gia đình được nhắc đến nhiều nhất. Nhà ông An có 4 người con, con trai cả là tiến sĩ tại Đại học Nam Khai, là tấm gương để các em trai, em gái tiếp tục nỗ lực. Những người con sau của ông An cũng lần lượt thi đỗ Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Bắc, Đại học Khoa học Hoa Trung, Học viện Kinh tế Thạch Gia Trang.
Còn nhà ông An Ze Yue có đến hai thạc sĩ. Con trai lớn tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, con trai thứ tốt nghiệp Viện Đại học Paris (Pháp). Bức tường vinh danh sinh viên giỏi này không thiếu tên những ngôi trường danh giá ở trong và ngoài Trung Quốc.
Năm 2009, ông Liu Wan Min, Bí thư chi bộ của làng, đã đi đầu trong việc phát tiền trợ cấp học tập và học bổng cho học sinh, tuyên dương những giáo viên xuất sắc trong làng và luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học. Năm 2015, làng An Trang đã thành lập quỹ khuyến học, tổ chức quyên góp hỗ trợ học sinh sinh viên nghèo.
Năm 2022, cùng với phong trào xây dựng nông thôn sạch đẹp, làng An Trang đã xây dựng Vườn học tử, ghi danh những sinh viên xuất sắc lên bức tường “Sinh viên giỏi".
Gần đây, làng An Trang đã đưa ra một chính sách giáo dục mới là trao phần thưởng từ 3.000-10.000 nhân dân tệ (tương đương 430-1.400 USD) cho những người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ và những sinh viên được nhận vào các trường đại học "đôi hạng nhất" (trường đại học trọng điểm Trung Quốc và đẳng cấp quốc tế).
Bằng cách này, “tôn sư trọng đạo” đã trở thành một thông lệ trong làng. Các gia đình trong làng đều cố gắng làm mọi cách để cho con ăn học. Trẻ con không so đo chuyện ăn mặc, chỉ thi đua học hành.
"Chính vì tinh thần này, làng của chúng tôi đã trở thành làng hiếu học", thầy Liu Wan Nian, giáo viên công tác ở trường tiểu học An Trang hơn 20 năm, cho biết.
"Chúng tôi hy vọng sẽ khích lệ nhiều trẻ em nỗ lực thành tài hơn. Các sinh viên đại học xuất thân từ làng chúng tôi là động lực quan trọng trong việc giúp thúc đẩy sự phát triển của làng An Trang. Các cháu được nhận vào trường đại học tốt và tìm được một công việc tốt, sau đó có thể trở về quê, giúp quê hương phát triển hơn”, Bí thư chi bộ Liu Wan Min nói.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên