Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi làng 'sợ' đi dép và nữ thần bí ẩn dưới đền thờ khổng lồ

Làng Andaman, Ấn Độ, là một nơi mang nhiều màu sắc tâm linh và được ví như ngôi đền khổng lồ. Người dân ở đây không dám đi giày, dép vì sợ xúc phạm đến nữ thần ẩn sâu dưới đất.

Ngay từ nhỏ, người Ấn Độ đã được dạy rằng giày dép là thứ tuyệt đối không được mang vào nhà. Theo họ, chúng có thể đem theo nhiều thứ xấu xa, bệnh tật khi bước vào trong. Đặc biệt, ở những nơi tôn nghiêm như đền thờ, quy tắc này phải được thực hiện một cách tuyệt đối.

Suy cho cùng, không phải lúc nào bạn cũng có thể thấy người Ấn Độ với đôi chân trần, ngoại trừ một nơi...

Vị thần dưới lòng đất

Nằm về phía nam bang Tamil Nadu, cách thủ phủ Chennai khoảng 450 km, có một ngôi làng nhỏ tên Andaman với chỉ 130 gia đình sinh sống. Họ chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Vì một lý do nào đó, hầu như không, hoặc rất hiếm ai có dịp được chứng kiến người làng Andaman đi giày hoặc dép.

Mukhan Arumugam, một người đàn ông 70 tuổi đang thực hiện nghi lễ cầu nguyện bên gốc cây sầu đâu khổng lồ ngay lối vào làng. Ông mặc chiếc áo sơ mi trắng, người quấn lungi, khuôn mặt hướng về phía bầu trời xanh. Khí hậu thật kỳ lạ. Đã cuối tháng một rồi mà Mặt Trời giữa trưa vẫn gay gắt như những ngày hè.

"Ở dưới gốc cây này", ông Mukhan Arumugam tiết lộ lý do người làng Andaman không bao giờ đi dép. Phải, có một thứ gì đó ẩn sâu dưới lòng đất, ôm lấy ngôi làng. Nó khiến tất cả những ai trước khi bước qua cây sầu đâu ngoài cổng làng đều kính cẩn tháo giày, dép xách lên tay để đi tiếp vào trong.

Nếu dùng nghĩa tuyệt đối thì có lẽ hơi sai. Ở làng Andaman, người giàu, kẻ nghèo đều đi chân trần hết. Tuy nhiên, những người già cả hoặc ốm yếu lại được phép mang dép hoặc giày.

Arumugam ở cái tuổi thất tuần hoàn toàn có thể đi giày, dép nếu ông muốn. Nhưng không, ông vẫn muốn được đi chân trần đến ngày nào đó còn có thể - dù cho, trong những ngày hè oi ả sắp tới, ông cũng đã tính chuyện kiếm đôi dép mang vào chân.

du lich an do anh 1
Hình ảnh những đứa trẻ chân trần đạp xe không phải điều gì quá lạ lẫm với người làng Andaman. Ảnh: Kamala Thiaganrajan.

Dạo một vòng quanh làng Andaman, hẳn bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng kỳ cục. Lũ trẻ nhỏ tung tăng với chiếc balo trên vai, các cặp vợ chồng đang cùng nhau đi dạo, ai cũng cầm trên tay đôi giày (dép), cảm tưởng như giày dép ở làng này chẳng khác gì những chiếc túi xách thời thượng của chị em phụ nữ vậy.

Nhóc Anbu Nithi, 10 tuổi, đang đạp xe với một đôi chân trần. Cậu bé học ở một trường trên thị trấn, cách làng Andaman khoảng 5 km. Khi được hỏi cậu có muốn phá lệ đi chân trần của làng không, Anbu Nithi chỉ lắc đầu cười toe toét.

"Chẳng ai cấm chúng cháu mang giày dép đâu", cậu bé 10 tuổi cho hay. "Nhưng từ bé, mẹ đã kể cháu nghe về nữ thần Muthyalamma. Bằng quyền năng của mình, bà đã che chở cho cả ngôi làng này. Mọi người ở đây không phải vì sợ mà đi chân trần. Họ không mang giày, dép để bày tỏ lòng thành kính với nữ thần Muthyalamma. Nếu muốn, cháu có thể đi thôi. Nhưng như vậy chẳng khác gì mình đang xúc phạm một người mà tất cả đều tôn thờ".

Hóa ra, đó là lý do ông lão Arumugam cứ liên tục chỉ tay xuống đất khi được hỏi về tập tục kỳ lạ ở làng Andaman. Chẳng phải luật lệ, cũng không có hình phạt, chỉ đơn giản là thứ niềm tin vô hình vào vị nữ thần ẩn sâu dưới lòng đất đã kết nối cả ngôi làng lại với nhau.

Thứ luật lệ vô hình

Karuppiah Pandey, một họa sĩ 53 tuổi, vẫn quyết định mang giày. Nhưng vợ ông, Pechiamma, 40 tuổi, ngày ngày tất bật trên những cánh đồng lại chọn cách đi chân trần như đa số những người dân khác. Bà nói rằng chỉ đụng đến giày dép những hôm phải đi ra ngoài làng. Còn ngày nào vẫn sống ở Andaman, bà sẽ luôn bày tỏ lòng thành kính với nữ thần bằng cách đi chân trần.

"Nếu có khách phương xa tới làng, chúng tôi sẽ giải thích cho họ. Nhưng nghe hay không thì là việc của mỗi người. Chúng tôi không ép buộc ai phải làm theo mình. Quyết định của mọi người đều đáng được tôn trọng", bà nói.

du lich an do anh 2
Không luật lệ, không bắt buộc, việc đi giày, dép hay không là ở mỗi cá nhân và nó đều được tôn trọng. Ảnh: Kamala Thiaganrajan.

Hai ông bà có với nhau bốn người con. Từ khi chúng còn bé, bà Pechiamma chưa từng bắt chúng phải làm theo phong tục của làng. Giờ đây, cả bốn người con của họ đều đã lớn và đi làm ở những thành phố xa. Nhưng mỗi lần trở về, họ đều cởi giày từ ngoài đầu làng, chỗ cây sầu đâu mà ông lão Arumugam thường cầu nguyện trước khi bước vào trong như một cách để bày tỏ sự tôn trọng đến vị nữ thần Muthyalamma.

Dù đa số người làng Andaman đều khẳng định việc đi hay không đi giày dép là quyền cá nhân, có một số chuyện vẫn khiến ai nghe xong cũng phải rùng mình. 

"Truyền thuyết kể rằng những ai không tuân thủ luật lệ sẽ bị trừng phạt bằng một cơn sốt kỳ lạ", Subramaniam Piramban, 43 tuổi, một thợ sơn đã gắn bò cả đời ở làng Andaman tiết lộ. "Chúng tôi không sống trong nỗi sợ. Nhưng ngôi làng này thực sự là một chốn linh thiêng. Đối với tôi, Andaman giống như một ngôi đền khổng lồ vậy".

du lich an do anh 3
Có một vị nữ thần ẩn sâu dưới lòng đất, che chở và bảo vệ cho những con dân Andaman. Ảnh: Kamala Thiaganrajan.

Để hiểu rõ hơn về những truyền thuyết, hay đơn giản chỉ là vài câu chuyện "liêu trai chí dị", chẳng gì tốt hơn bằng việc tìm đến những nhà sử học. Ở Andaman, không có ai hành nghề tương tự. Tuy nhiên, Lakshmanan Veerabadra, 62 tuổi có thể coi là một "pho sử sống" - không chính thức của ngôi làng "không đi dép".

Theo những gì Veerabadra được biết, khoảng 70 năm trước, dân làng đã đặt một bức tượng đất sét đầu tiên của nữ thần Muthyalamma bên cạnh gốc cây sầu đâu ở đầu làng để thờ phụng. Khi vị linh mục và mọi người đều đang bày tỏ lòng thành kính đến nữ thần, một chàng trai trẻ chân đi giày từ đâu xuất hiện.

Chẳng rõ, cậu ta đã làm gì xúc phạm đến nữ thần. Tôi chỉ nghe kể rằng, đang đi giữa đường thì cậu trai trẻ lăn đùng ra ngã. Tối đó về đến nhà, cậu bất ngờ lên cơn sốt, khám mãi cũng không biết bệnh gì. Phải mãi vài tháng sau, cậu ta mới bình phục trở lại. 

"Kể từ đó, mọi người trong làng không còn dám đi giày dép nữa", Veerabadra kết luận. "Dần dà, nó phát triển và ngày càng ăn sâu vào nếp sống của mỗi người nơi đây".

"Chúng tôi là một gia đình"

Cứ khoảng từ 5-8 năm, vào độ tháng ba hay tháng tư, làng Andaman lại tổ chức lễ hội linh đình để tưởng nhớ công ơn của nữ thần Muthyalamma. Trong 3 ngày lễ hội, người dân sẽ cùng nhau ca hát, nhảy múa, cầu nguyện mong vị thần ẩn mình dưới lòng đất sẽ tiếp tục dang cánh tay bảo vệ lấy ngôi làng.

Vào dịp này, họ sẽ đập nát một bức tượng đất sét của thần Muthyalamma. Bạn đừng vội nhầm rằng đó là một hành động bất kính. Theo người dân ở Andaman, việc đập vỡ tượng sẽ giúp nữ thần trở về những nguyên tố khởi thủy để tiếp tục che chở, phù hộ cho con dân của người.

Tuy vậy, do kinh phí khá lớn nên lễ hội này không được tổ chức thường niên. Lần gần nhất lễ hội được tổ chức cũng đã từ năm 2011. Còn lần tới, đó hẳn là một câu chuyện dài, mọi thứ còn phụ thuộc vào những khoản tài trợ nữa.

Dù hiểu theo nghĩa không bắt buộc hay bắt buộc thì việc không đi dép ở làng Andaman cũng giống như một hình thức tâm linh như bao cách thờ phụng thần thánh nhiều nơi khác. Tuy nhiên, theo Ramesh Sevagan, một lái xe 40 tuổi, nếu nghĩ đơn giản như vậy có nghĩa là bạn chưa hiểu hết được sự gắn kết giữa những người làng Andaman.

"Điều đó đưa chúng tôi lại gần nhau, cảm tưởng như mọi người trong ngôi làng này chính là một đại gia đình. Khi một người làng mất, dù giàu hay nghèo, mọi người đều tặng cho tang quyến một khoản nhỏ, tầm 20 rupee. Dù hoạn nạn khó khăn hay những lúc hạnh phúc nhất, chúng tôi đều muốn ở bên nhau. Chỉ từ một hành động nhỏ như không đi giày dép thôi đã tạo cho mọi người cảm giác bình đẳng khi sống ở đây", Sevagan chia sẻ.




Hoài Anh

Theo BBC

Bạn có thể quan tâm