Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi làng vẫn dùng 'cầu tõm' ở Indonesia

Chất thải từ các nhà vệ sinh được xả thẳng xuống sông khiến nguồn nước tại ngôi làng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ramjaena sống ở làng Paku Alam, nằm trên phụ lưu của sông Martapura (Nam Kalimantan, Indonesia). Giống hầu hết người làng, nhà vệ sinh của nhà cô được xây theo dạng "cầu tõm", nằm dọc theo đường sông. Mỗi lần muốn đi vệ sinh, điều đầu tiên cô làm là xem có ai ở gần nhà mình không?

Tiếng rơi xấu hổ

Năm nay, Ramjaena đã 35 tuổi. Cô đã quen cảnh đi vệ sinh kiểu "cầu tõm" thế này. Tuy nhiên, tiếng chất thải "rơi" xuống sông vẫn khiến cô cảm thấy xấu hổ.

Trước nhà Ramjaena có một lối đi nhỏ bằng gỗ dẫn tới nhà vệ sinh diện tích khoảng 1,5 m2. Nhà vệ sinh xây theo kiểu "nhà sàn", làm từ gỗ và có một mảnh vải bao quanh để tạo sự riêng tư.

nha ve sinh cau tom anh 1

Ramjaena đứng bên cạnh nhà vệ sinh nổi của mình.

"Khi thứ đó rơi xuống sông, tôi thấy thật xấu hổ. Chúng tôi không thích nhà vệ sinh kiểu thiên nhiên như thế. Chúng tôi muốn có nhà vệ sinh bình thường", cô nói.

Không chỉ Ramjaena, nhiều người dân làng cũng có chung ý kiến như thế. Các nhà bảo vệ môi trường đã lắng nghe và kêu gọi chính phủ cần nghiêm túc xem xét vấn đề này. Tuy nhiên, việc phổ biến nhà vệ sinh bình thường cho toàn bộ người trong làng không phải chuyện đơn giản.

Thế khó

Kisworo Dwi Cahyono, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ (NGO) Walhi South Kalimantan, cho biết xuyên suốt lịch sử, Nam Kalimantan đã gắn liền với những con sông.

"Về mặt văn hóa và truyền thống, người dân chưa quen với cuộc sống xa rời sông nước. Họ giữ thói quen sinh hoạt trên sông, từ tắm, đi tiểu, đại tiện và cả đi lại (bằng thuyền)", Cahyono nói.

Hanifah Dwi Nirwana, người đứng đầu cơ quan môi trường tỉnh nói hầu hết người dân sống dọc theo các con sông ở Nam Kalimantan đã "gắn chặt" với nhà vệ sinh nổi suốt những năm qua. Chính quyền địa phương không nắm rõ số hộ còn sử dụng "cầu tõm" nhưng chắc chắn là rất nhiều.

nha ve sinh cau tom anh 2

Idop, một người địa phương, muốn có nhà vệ sinh sạch sẽ hơn nhưng kinh phí khiến ước mơ của ông chưa thể trở thành hiện thực.

Lối sống trên sông đã gắn liền với người dân ở Nam Kalimantan. Họ giặt quần áo trên sông và trò chuyện vui vẻ với những người hàng xóm. Vào buổi sáng, dân làng tắm trên sông Martapura hoặc chèo thuyền tới chợ nổi Lok Baintan - địa điểm du lịch nổi tiếng.

Tuy nhiên, không như Cahyono chia sẻ, theo một số người dân ở làng Paku Alam, việc tiếp tục sử dụng "cầu tõm" không phải do lối sống xa xưa. Đơn giản họ không đủ tiền để xây nhà vệ sinh trong nhà.

Ramjaena nói: "Tôi phải sống như thế vì chẳng đủ tiền để xây nhà vệ sinh tử tế. Để xây nhà vệ sinh trong nhà, số tiền cần chi ra là 5 triệu rupiah (333 USD)".

Con số này cao hơn thu nhập hàng tháng của dân làng (khoảng 3 triệu rupiah). Và với gia đình có vợ chồng làm nông, phải nuôi 4 đứa con như Ramjaena, điều này là không khả thi.

Idup, người cũng sống ở Paku Alam, nói với CNA anh ta chỉ có đủ khả năng để làm một nhà vệ sinh nổi.

"Tôi đợi cho đến khi xung quanh yên tĩnh mới dám sử dụng", người nông dân ngoài 70 tuổi cho biết.

Dù khó chịu, Idup và Ramjaena cũng còn sướng hơn nhiều người làng khác. Vì điều kiện thiếu thốn, nhiều gia đình còn phải góp tiền để xây chung nhà vệ sinh nổi. Điều này thực sự bất tiện khi nhiều người có nhu cầu cùng lúc.

Tác hại

Trước đây, nhà vệ sinh nổi không được xem là vấn đề vì số lượng ít. Tuy nhiên, khi dân số ở Nam Kalimantan tăng lên, số lượng "cầu tõm" cũng nhiều hơn. Với số lượng nhà vệ sinh nổi càng nhiều, mức độ ô nhiễm nước cũng ngày một nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của chính quyền tỉnh, nước sông chứa nhiều vi khuẩn như Escherichia coli (E. coli), một loại coliform trong phân thường được tìm thấy trong ruột của động vật và người. Vi khuẩn này có thể gây bệnh.

"Không chỉ sông Martapura, nước ở thượng nguồn cũng không đạt tiêu chuẩn", Nirwana nói với CNA.

nha ve sinh cau tom anh 3

Cảnh bên trong nhà vệ sinh dạng "cầu tõm".

Theo Nirwana, có nhiều thông số để đánh giá độ sạch của nước, chẳng hạn lượng oxy hòa tan. Nếu lượng oxy hòa tan thấp, cá không thể sống tốt. Trước đây, khi người dân đi câu cá trên sông, họ dễ dàng bắt được một con cá to hoặc những con tôm lớn. Tuy nhiên, hình ảnh này giờ càng ít xuất hiện.

Các nhà vệ sinh nổi đang biến dòng sông thành nơi chứa phân và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, người dân thường xuyên sử dụng nước sông trong sinh hoạt. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.

Dĩ nhiên, nhà vệ sinh nổi không phải yếu tố duy nhất bởi khu vực này còn có những điểm khai thác mỏ. Dù vậy, nó đã khiến môi trường xấu đi trông thấy.

"Hệ sinh thái đã bị xáo trộn", bà Nirwana nói.

Bà cho biết thêm cơ quan môi trường tỉnh muốn đạt các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc. Một trong số đó là nước sạch.

"Chất lượng nước của chúng tôi vẫn chưa tốt. Về chỉ số chất lượng nước, nó mới đạt 54,25 điểm - một con số trung bình", bà chia sẻ.

nha ve sinh cau tom anh 4

Cuộc sống trên sông đã gắn chặt vào suy nghĩ của người dân.

Số điểm từ 0 đến 50 có nghĩa chất lượng nước từ rất kém tới kém. Nếu điểm từ 51 đến 100, chất lượng nước ở mức trung bình đến rất tốt. Do chất lượng nước không tốt, chỉ số môi trường tổng thể của tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Hiện, chỉ số này mới đạt 71/100 điểm.

Để khắc phục điều này, vấn đề quan trọng nhất vẫn là kinh phí. Mặt khác, chính quyền cũng cần giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc giữ dòng sông sạch sẽ khi họ đã có những nhà vệ sinh mới.

Thực tế, chính quyền cũng đã xây một số nhà vệ sinh trên đất liền. Tuy nhiên, một vài người dân vẫn quyết định làm lại những nhà vệ sinh dạng "cầu tõm" vì thói quen. Vấn đề không đơn giản là loại bỏ chúng. Nhận thức của người dân cũng quan trọng không kém.

Hồ băng 'ma quái' vào top ảnh đẹp thế giới

Giải thưởng One Eyeland Photography đã tìm ra một số cái tên lọt vào vòng chung kết. Dưới đây là một số tác phẩm đáng chú ý.

Hành trình tìm kiếm dung nham xanh ở Indonesia

Trong chuyến du lịch Indonesia, Nguyễn Lan Uyên dành thời gian khám phá núi lửa Kawah Ijen - nơi nổi tiếng với dòng dung nham xanh.

Việt Nam là thị trường tiềm năng của du lịch Hàn Quốc

Seoul, thủ đô Hàn Quốc, coi thị trường Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là một trong những nhóm khách giàu tiềm năng nhất.

Hoài Anh

Theo CNA

Bạn có thể quan tâm