Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô

Du ngoạn xứ “gạo trắng nước trong” Cần Thơ, ngoài những địa danh quen thuộc du khách không quên ghé thăm ngôi nhà Bình Thủy công trình kiến trúc cổ nhất phương Nam.

Nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, thuộc quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 10 km, nhà cổ Bình Thủy có sự kết hợp độc đáo của kiến trúc phương Tây và phương Đông với tuổi đời 145 năm.

Nhà cổ Bình Thủy.
Nhà cổ Bình Thủy.

Bước qua cánh cổng sắt lớn theo kiểu dinh thự Pháp, bạn đến một cổng phụ xây dựng theo kiến trúc Á Đông với bốn trụ cột tròn, phía trên lợp mái ngói dạng ống, gờ mái ngói làm bằng men màu xanh rêu, trang trí bông hoa tinh xảo. Trên mái ngói có khắc những hình tượng như kỳ lân, trâu, rùa, chiếc bình… với màu sắc rất nổi bật. Thuở xưa, cánh cổng này là cổng chính của khu nhà thờ gia tộc họ Dương. Ngôi nhà cổ được gia đình họ Dương xây dựng vào năm 1870.

Đứng ở khoảng sân rộng trước nhà, bạn sẽ cảm thấy thư thái khi ngắm nhìn nhiều loại cây cảnh như tùng, cau, sứ, bát tiên, thiết mộc lan. Giữa sân là hòn non bộ cao 4 m và một hồ nước lớn, vừa trang trí cho ngôi nhà thêm sinh động, vừa làm bức bình phong bởi theo quan niệm của người xưa, trục thần đạo chỉ dành cho thần thánh và tổ tiên. Nền nhà xây cao hơn mặt đường để tránh thủy triều và lũ quét lúc bấy giờ.

Nhà cổ Bình Thủy có hai cầu thang hình cánh cung dẫn vào gian nhà giữa, và hai cầu thang ở hai bên dẫn thẳng lên hai gian ngoài cùng. Các cánh cửa ra vào và cửa sổ được làm bằng gỗ lá sách theo phong cách châu Âu thịnh hành đầu thế kỷ 20.

Vòm cửa hình vòng cung, đắp nổi hoa văn trang trí bằng xi măng cùng những khung cửa sổ bằng sắt với hoa văn uốn lượn tinh tế. Nét độc đáo vẫn giữ được cho đến ngày nay là những thanh gỗ dài (gọi là cây dõi) bắc ngang trên gờ cửa có tác dụng như ổ khóa, thậm chí chúng còn kiên cố hơn những ổ khóa hiện đại. Những khung cửa sẽ mang lại cho bạn những tấm ảnh theo phong cách cổ điển tuyệt đẹp mà khi ở thành phố bạn không dễ tìm gặp.

Cửa ra vào và cửa sổ được làm bằng gỗ lá sách thịnh hành vào đầu thế kỷ 20.
Cửa ra vào và cửa sổ được làm bằng gỗ lá sách thịnh hành vào đầu thế kỷ 20.

Giữa trưa nắng, bước vào nhà, bạn sẽ thấy mát mẻ vì ngôi nhà có nhiều cửa chính và cửa sổ. Thêm vào đó, sàn nhà được lát gạch bông trắng với hoa văn đỏ đen nhập từ Pháp mà theo kinh nghiệm dân gian, loại gạch này có tác dụng chống quá trình hấp thụ hơi nước có hại cho sức khỏe.

Không gian tiếp khách được thiết kế theo lối kiến trúc phương Tây, họa tiết hoa lá trên trần nhà vẽ lại theo mẫu cũ - Hy Lạp, La Mã cổ đại, mang tính tư duy khái quát và trừu tượng hóa. Kiến trúc phương Đông thể hiện rõ nét qua gian thờ của ngôi nhà - nơi có bàn hương án thờ tổ tiên được sơn son thếp vàng, cùng với tủ gỗ ốp kính, bàn ghế cẩn xà cừ.

Để ứng phó với khí hậu nóng ẩm phương Nam, mái ngói nối liền gian nhà tiếp khách với gian thờ gồm có ba lớp. Lớp mái thứ nhất hấp thụ nhiệt, tỏa nhiệt cho lớp mái thứ hai rồi đến lớp mái thứ ba, vì lẽ đó, căn nhà không còn bị nóng vào giữa trưa hay vào những ngày hè oi bức. Đồng thời, ba lớp mái còn phản xạ nhiệt tốt do được phủ vôi trắng.

Càng tiến về phương Nam, bệ đá xuất hiện càng nhiều trong những ngôi nhà, đình làng xưa. Kiếm một cây cao trong rừng rất khó nên việc dùng bệ đá rất hữu ích để gia tăng chiều cao cây cột chống đỡ ngôi nhà. Đây là sự giao thoa văn hóa và biểu tượng âm dương hòa hợp.

Kiến trúc Đông Tây hài hòa giữa không gian tiếp khách và gian thờ ở bên trong nhà cổ.
Kiến trúc Đông Tây hài hòa giữa không gian tiếp khách và gian thờ ở bên trong nhà cổ.

Mỗi bệ đá được chạm trổ hình dạng khác nhau, song chúng có điểm chung là hình bát giác, bởi theo quan niệm của người xưa, cây cột gỗ có hình dáng giống con số 1 đặt trên bệ đá hình bát giác (từ “bát” nghĩa là 8) thành số 9 tượng trưng cho sự trường cửu.

Ngước nhìn lên các bức bao lam bằng gỗ, bạn có thể hình dung được cuộc sống của gia tộc họ Dương lúc bấy giờ, được thể hiện sinh động qua cách chạm trổ công phu với những hình ảnh con cua, con gà, chim phượng… mang tính nghệ thuật ước lệ. Hai cuốn thư khắc chữ “Tích vạn thiện”, “Ngọc bảo đường” mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu trong dòng họ phải sống có đức, có tâm và làm những điều thiện.

Ngôi nhà sở hữu một kho đồ cổ hơn 100 năm như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc) có mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh; bộ ghế sa-lông kiểu Pháp đời Louis thứ XV có mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh; chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18…

Với kiến trúc Đông - Tây hòa hợp và lâu đời, nhà cổ Bình Thủy nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Nơi đây đã thu hút các đoàn làm phim đến ghi hình cho những bối cảnh cổ điển trong các bộ phim Việt Nam nổi tiếng như Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa… và gần đây là phim Người tình của Pháp.

3 ngày trải nghiệm sông nước miền Tây

Thăm chợ nổi Cái Răng, ghé miệt vườn trù phú, tới miếu Bà Chúa Xứ, đi thuyền trong rừng tràm Trà Sư... là những trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua ở Châu Đốc và Cần Thơ.

Hạnh Phan

Bạn có thể quan tâm