Trường Việt Nam - Phần Lan (VFIS) tọa lạc tại khu đô thị Him Lam, quận 7 (TP.HCM) với diện tích lên đến 5 ha, 3 mặt giáp sông, kết nối với trung tâm thành phố bằng trục đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Linh. VFIS là trường học chuẩn Phần Lan được thành lập theo quyết định số 5834/QĐ-HCMC ngày 7/11/2016 của UBND TP.HCM. |
Nhìn từ trên cao có thể nhận thấy trường gồm 10 tòa nhà chụm lại thành hình con rùa. Linh vật của trường cũng là Rùa Speedy. Đây là thông điệp mà nhà trường gửi tới học sinh và phụ huynh: Mỗi đứa trẻ đều có một điều đặc biệt và không em nào bị bỏ lại phía sau. Rùa chậm nhưng nếu có mục tiêu, cố gắng, sẽ tiến lên theo đúng tốc độ, hành trình của mình, không cần hơn thua, cạnh tranh với thỏ. Rùa cũng là biểu tượng của sự thông thái. |
Đại diện nhà trường cho biết khi xây dựng, các kiến trúc sư Phần Lan rất chú trọng không gian chung, mang nhiều tiện ích. Trong ảnh là sảnh chờ, nơi diễn ra hoạt động biểu diễn, đồng thời học sinh đợi phụ huynh đến đón. Khu vực này cũng là bậc thang kết nối với thư viện ở tầng trên. |
Trường có đường chạy trên sân thượng và một đường chạy khác bằng cỏ nhân tạo phục vụ các tiết học thể dục, hoạt động thể thao ngoài trời. |
Phòng học này được gọi là xưởng thủ công của môn Kỹ nghệ. Nơi đây gồm nhiều máy móc để cắt, mài gỗ, đinh, ốc, vít, thiết kế riêng cho học tập, được nhập khẩu từ Phần Lan. Học sinh được dạy cách tái chế hoặc tự sản xuất vật dụng hàng ngày trong gia đình. |
Một góc của phòng học môn Kinh tế Gia đình. Học sinh được dạy cách lên thực đơn, thống kê dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày, học cách nấu những món ăn từ đơn giản đến phức tạp. Đồng thời, các em cũng được học cách sử dụng bếp ga, lò vi sóng, cách rửa chén bát. |
Giặt, phân loại, gấp, ủi quần áo cũng là môn học của trường Việt Nam - Phần Lan. Đây được xem như kỹ năng sống cơ bản mà học sinh cần được dạy một cách bài bản ở trường học. |
Hiệu trưởng nhà trường cho biết các môn đều được giáo viên Phần Lan và nước khác dạy bằng tiếng Anh, theo phương pháp của Phần Lan. Học sinh người Việt được học bổ sung các môn Tiếng Việt, Việt Nam học (tích hợp Lịch sử, Địa lý và Đạo đức, Văn hoá) bằng tiếng Việt theo quy định của Bộ GD&ĐT. |
Phòng học môn Hội họa và May vá của trường. Học sinh từ lớp 5 sẽ được học môn May vá để có thể tự khâu, đính cúc áo. Giáo viên có thể đánh giá, chấm điểm học sinh thông qua thái độ, hành vi của học sinh, không nhất thiết là điểm số qua các bài kiểm tra. |
Các phòng học thiết kế chụm vào nhau như hình lục giác, mỗi cạnh là một phòng, phòng giáo viên hoặc học nhóm. Điều này giúp thầy cô dễ dàng trao đổi, giúp đỡ, hợp tác với nhau khi giảng dạy. Đồng thời, học sinh cũng có thể tương tác với các bạn cùng khối nhiều hơn thông qua không gian chung ở mỗi cụm lớp. |
Lớp học tiêu chuẩn của trường sĩ số không vượt quá 25 em. Một ngày học tập bắt đầu lúc 8h và kết thúc lúc 15h15. Một năm học kéo dài từ tháng 8 đến tháng 6 năm sau. Học sinh có 4 kỳ nghỉ: Nghỉ thu, nghỉ đông, nghỉ Tết Nguyên đán, nghỉ xuân với từ 4 đến 45 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, không kể những ngày nghỉ lễ chung của cả nước. |
Mỗi phòng học ở trường đều có bồn rửa tay đặt trong lớp. Đây là quy tắc trong các lớp học tại Phần Lan. Rửa tay cũng được xem là kỹ năng cần thiết để bảo vệ sức khỏe và học sinh được dạy từ khi còn rất nhỏ. |
Khi ăn trưa, học sinh tự chọn món mình thích. Nhà trường cung cấp cả món ăn Âu và Á trong thực đơn. |
Học sinh được nêu ý kiến của mình về chất lượng bữa ăn hoặc thể hiện sự biết ơn đối với đầu bếp thông qua tấm bảng đặt trong phòng. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Việt Nam - Phần Lan là một trong số những trường có yếu tố nước ngoài của TP.HCM. Để con có thể học tập tại môi trường như Phần Lan tại Việt Nam, phụ huynh phải đóng khoản học phí 435,8 triệu đồng/năm đối với hệ quốc tế và 235,4 triệu đồng/năm đối với hệ song ngữ. Đây chỉ là mức học phí cấp tiểu học. |