Chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học yêu cầu thực hiện học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Nhưng ở nhiều quận, huyện TP.HCM không đủ tỷ lệ phòng học, tỷ lệ giáo viên đứng lớp để thực hiện chương trình mới.
Khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân do dân số cơ học tăng cao khiến nhiều trường không thể tổ chức học 2 buổi/ngày.
Cần 21 giáo viên, chỉ tuyển được 1
Chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học sẽ tăng lên. Hai môn học tiếng Anh và tin học chuyển từ tự chọn thành môn học bắt buộc.
Hiện nay, ở một số quận, huyện, việc bổ sung giáo viên tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục là thách thức lớn, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế và khó khăn trong tuyển dụng như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay, phòng học các trường tiểu học toàn TP đã đạt 278 phòng/10.000 dân, tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt gần 73% nhưng không đồng đều giữa các quận, huyện.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM - cho rằng ngay tại quận 1 còn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại TP.HCM. Ảnh: Người Lao Động. |
Quận 5 và quận 10 đều đạt 300 phòng/10.000 dân nhưng có những quận, huyện chỉ đạt 220 phòng/10.000 dân và tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở một số quận, huyện đạt thấp đến mức sở thấy rất khó để tiến hành chương trình giáo dục phổ thông mới.
Một trong những điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là một phòng cho một lớp học, trang thiết bị phòng học, đồ dùng để phục vụ chương trình đổi mới dạy học.
Ngoài ra, ông Hiếu khẳng định với quy định như hiện nay, giáo viên tiếng Anh ở tiểu học mà xem như giáo viên dạy nhiều môn, phải đáp ứng định mức 23 tiết/tuần là rất khó để tuyển. Có tuyển được cũng trầy trật giữ và rơi rụng dần.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Trí Dũng, chia sẻ địa phương hiện có 286 lớp 1 với tổng số học sinh là 10.418 em nhưng tỷ lệ trung bình phòng học ở các xã mới đạt 182 phòng/10.000 dân, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với tiểu học chỉ đạt 55,8%. Ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, áp lực số học sinh tăng cơ học lớn nên chỉ học được 1 buổi/ngày.
"Giáo viên tiếng Anh, âm nhạc hiện nay không thể tuyển được, nhu cầu tuyển dụng thì có nhưng không có ứng cử viên, phải đăng tuyển quanh năm", ông Dũng than thở.
Tại quận 12, dự kiến năm học 2020-2021 có khoảng 10.890 học sinh lớp 1 nhưng hiện tỷ lệ học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày mới đạt 20,2%. Để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ học sinh lớp 1 sắp tới, dự kiến phải xây bổ sung gần 190 phòng học.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12, cho biết năm nay, quận cần tuyển 11 giáo viên tiếng Anh nhưng chỉ có 3 ứng viên, trong đó một người không đến nhận nhiệm sở.
Ở quận 11, tình hình cũng không khá hơn khi nhu cầu tuyển dụng 21 giáo viên tiếng Anh mà chỉ tuyển được 1, nhận nhiệm sở vài ngày rồi cũng nghỉ luôn.
Theo ông Hùng, có 2 phương án để giải quyết, một là nơi nào đủ phòng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, nếu không đủ số phòng thì sẽ tăng số học sinh lên 45 em/lớp. Phương án 2 là không đủ phòng, không nâng số học sinh lên được thì sẽ tổ chức học 6 ngày/tuần, tức học luôn thứ bảy.
Không để giáo viên bỏ tiền tham gia tập huấn
Cuối tháng 11 đầu tháng 12 sẽ triển khai tập huấn đại trà cho tất cả giáo viên dạy lớp 1. Nhưng theo Thông tư 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, kinh phí bồi dưỡng tập huấn viên chức không được chi từ nguồn kinh phí nhà nước mà phải chi từ ngân sách của các đơn vị trường học.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND quận 1, đây là vấn đề khó khăn cho các trường và giáo viên đi tập huấn đại trà.
"Ngân sách cấp cho các trường, hiện nay theo quy định, quận, huyện chỉ cấp kinh phí đào tạo cho công chức nhưng đối tượng để chúng ta đào tạo theo chuẩn mới, chương trình mới hầu hết là viên chức, trường không thể chọn 1-2 giáo viên để đi tập huấn hay giáo viên phải tự bỏ tiền để đi tập huấn. Sở GD&ĐT cần tham mưu UBND TP hỗ trợ kinh phí để giáo viên tham gia tập huấn đại trà, TP không cần cấp hết 100%", bà Hường nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho rằng đây là vấn đề khó khăn cho đợt tập huấn đại trà sắp đến, vì viên chức không tự nguyện đi tập huấn mà đây là lệnh bồi dưỡng tập trung cả nước, bồi dưỡng đại trà, mà theo Thông tư 36, các trường phải tự bỏ tiền ra để tổ chức cho giáo viên đi tập huấn.
Sắp đến, Sở GD&ĐT sẽ đăng ký làm việc với Sở Tài chính để gỡ vướng mắc này, dù gì đi nữa, cũng là ngân sách TP chứ không thể để giáo viên tự bỏ tiền ra đi tập huấn được.
Đại diện Sở Tài chính TP HCM, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, khi trả lời vấn đề này cho rằng kinh phí, chính sách bồi dưỡng đồng loạt cho giáo viên là mới nên chưa có kế hoạch tài chính phù hợp.
Sở GD&ĐT là cơ quan chuyên môn nên đề nghị sở có kế hoạch kinh phí tương ứng. Đồng thời, các quận, huyện cũng xây dựng kế hoạch kinh phí báo cáo Sở GD&ĐT và báo cáo UBND TP để xem xét, sau đó Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND TP bố trí kinh phí để thực hiện bồi dưỡng giáo viên đại trà.
Cần cơ chế riêng cho giáo viên mỹ thuật, thể dục
Bà Nguyễn Thị Thu Hường nhận định thực tế, qua nhiều đợt tuyển dụng, không chỉ thiếu giáo viên tiếng Anh, một số môn học khác cũng khó khăn, như mỹ thuật, thể dục, tin học, theo quy định mới, trường không thể ký hợp đồng để giải quyết vấn đề tức thời đối với các giáo viên đã về hưu hay thỉnh giảng ở các đơn vị.
Đồng thời, bà Hường cũng kiến nghị các sở, ban, ngành nên đưa ra những quy định bảo đảm được giáo viên của các trường không thiếu, phải có cơ chế riêng, chế độ riêng cho những giáo viên bộ môn này.