Ngôn ngữ ‘lai căng’: Dễ nhiễm, khó bỏ?
Đệm tiếng Anh giờ như một phần tất yếu trong giao tiếp hàng ngày của các bạn trẻ cho dù đôi lúc, việc đó dễ gây hiểu lầm và khó chịu cho nguời nghe.
"Con đang ở trường mà, đang làm nốt assignment, con send xong sẽ về. Đợi con chút, con check rồi phone lại cho ba ngay"… Ở đầu dây bên kia, vị phụ huynh đang toát mồ hôi hột không kịp hiểu con gái cưng nói gì.
![]() |
Môi trường làm việc, học tập, sinh hoạt ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen sử dụng ngôn ngữ của các bạn trẻ. (Ảnh minh họa: Getty Images) |
Loạn "song ngữ" Anh - Việt
"Mày ok hay không ok cũng phải call lại cho nó chứ. Chẳng pro chút nào cả" là một đoạn đối thoại tiêu biểu của giới trẻ - chỉ với câu nói ngắn gọn đó mà có đủ cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Môi trường học tập, sinh hoạt đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự “lộn xộn” trong cách dùng ngôn ngữ của các bạn trẻ.
"Hôm qua ông bà bô moral cho một hồi" (hôm qua ông bà bô giảng đạo đức cho một hồi) - đó là cách nói thông thường của Minh Cường, sinh viên ĐH Ngoại ngữ. Hễ mở miệng ra là Cường xưng you, me, yes, ok. Thậm chí khi bực bội, Cường luôn miệng phun ra những câu chửi thề tiếng Anh khiến người nghe tối tăm mặt mũi… vì không hiểu.
Cường viện cớ do môi trường học tập nên thành thói quen đệm tiếng Anh khi nói chuyện. Việc đó khiến những người bạn mới quen, bạn cũ lâu ngày gặp đều lắc đầu ngán ngẩm trước chuỗi dài câu chuyện song ngữ của Cường.
Còn cô nàng Minh Thu, sinh viên RMIT, thổ lộ: Đôi khi không thể hòa nhập được với bố mẹ, bởi đã quen sử dụng những từ như check, send, download thay cho kiểm tra, gửi đi, tải trên mạng xuống…nên thường khiến các bậc phụ huynh không hiểu “ất giáp” gì. Thế là Thu liên tục bị nhắc nhở, cằn nhằn vì thói dùng từ đệm vô tội vạ.
Do học trong môi trường hiện đại, sử dụng tiếng Anh là chủ yếu Thu nhiễm nặng việc đệm tiếng Anh vào câu nói. Kể cả khi gặp bạn khác nghành, khác trường ít hiểu về tiếng Anh chuyên dụng, Thu vẫn tra tấn người nghe như: Tuần này tớ bận làm case study cho môn OE. Đang thi Micro muốn die luôn đây, chưa kể leader cứ nhắc nhở mãi về present cho môn bà giáo Nancy.
Và chuyện nói chêm tiếng Anh thấy được nhiều nhất qua ngôn ngữ mạng, Cường cho biết: Mỗi ngày chat với rất nhiều người, tham gia nhiều diễn đàn nên không chêm tiếng Anh vào thì mất thời gian lắm, thay vì nói Bản tóm tắt quá trình làm việc bạn chỉ phải tốn 3 giây để gõ chữ Resume. Thậm chí khi giận nhau với người bạn gái, Cường cũng gọn lỏn gõ vài dòng chữ "Ok chia tay đi", khiến cô bạn gái bực bội quyết cắt đứt hẳn với anh chàng chuộng tiếng Tây đến mức vô lối.
Những hạt sạn khó nuốt
Việt Hùng - nhân viên khối văn phòng của công ty Dầu khí thổ lộ: "Khi mới vào nghề, nghe sếp nói chuyện với khách hàng mà bình quân câu mười chữ thì có năm chữ tiếng Anh, mình khó chịu lắm vì người Việt đàng hoàng, sao lại dùng ngôn ngữ pha tạp lai căng ấy và tự hứa sẽ không bao giờ dùng ngôn ngữ đó.
Nhưng sau này làm quen với công việc, nhận ra rằng có một số từ chuyên môn mà dùng tiếng Anh thì đúng nghĩa hơn, và đôi khi khách hàng họ đánh giá sự chuyên nghiệp của mình qua cách dùng từ đó. Tùy theo thói quen làm việc và tiếp xúc của mỗi người, trong một công ty nước ngoài mà cứ nói rặt tiếng Việt kể cả từ chuyên môn và thông dụng thì e là hơi lập dị quá chăng?"
![]() |
Khi đã quen kiểu nói "đệm tiếng Anh", nhiều bạn thấy khó mà nói chuyện hoàn toàn chỉ bằng tiếng Việt. (Ảnh minh họa: henantrua.vn) |
Hùng bày tỏ quan điểm: không phản đối việc nói chuyện đệm thêm từ nước ngoài nhưng khuyên nên biết dùng đúng lúc, đúng người, đúng chỗ thì mới không bị cho là "chảnh", là "khác người" (nếu không muốn bị gọi là "khác loài"), và không làm người "bị" nghe phải bực bội, cũng như bị "phản tác dụng".
Ngọc Anh - cô sinh viên ĐH Sư phạm ngoại ngữ kể lại câu chuyện về hạt sạn song ngữ của mình: tháng trước nhận làm tư vấn viên của một trung tâm ngoại ngữ, mình gặp khách hàng vừa nói chuyện tiếng Việt vừa kết hợp tiếng Anh mà mình quen dùng để thuyết phục họ đăng ký học.
Họ đã nói thẳng vào mặt mình: "Cô khiến tôi thấy bực bội, vì tôi dốt tiếng Anh nên mới nhờ cô tư vấn để đi học, cô nói toàn tiếng Anh khuyên tôi chọn lớp basic, nhưng tôi hoàn toàn không hiểu Basic là lớp gì thì ai mà dám đi học. Và đó là thất bại cũng như kinh nghiệm của mình về những hạt sạn khó nhằn khi chêm tiếng Anh vào câu nói hàng ngày.
Bạn Sa - Sinh viên ĐH RMIT – đã có một câu chuyện khá thú vị về nỗ lực loại bỏ tiếng Anh đệm ra khỏi câu nói của mình: "Hôm VTC đến khu học xá Hà Nội có phỏng vấn một vài sinh viên RMIT. Trước khi phỏng vấn Sa thì có hỏi một anh khác. Anh này nói đệm rất nhiều tiếng Anh nên đến lượt Sa, chị phóng viên phải nhắc trước là hạn chế triệt để chuyện đệm tiếng Anh.
Đoạn phỏng vấn hôm đấy Sa quyết tâm nói thuần Việt, không một chút tiếng nước ngoài nào. Kết quả là Sa trả lời một cách rất ngập ngừng và khó khăn do quen sử dụng một số từ khóa quá quen thuộc rồi như: Theo em những buổi... (case study) thế này mang lại rất nhiều... (benefit). Nó cho sinh viên một cái nhìn... (practical) hơn về những kiến thức mình học…).
Tuy hơi khó khăn, nhưng Sa thấy hài lòng vì mình đã không dùng một chút tiếng Anh nào. Theo Sa, tính chất "quốc tế" nên được thể hiện bằng nội dung mình đề cập (hiện đại và súc tích) chứ không phải là dùng tiếng Anh vô tội vạ, không quan tâm đến đối tượng người nghe của mình là ai."
Theo VTC News