Một nữ nhân viên bình thường ở Hàn Quốc, đã kết hôn và có một con trai.
Một ngày nọ, cô thiết kế áp phích quảng cáo cho một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất xứ kim chi.
Ngay hôm sau, cô bị gắn mác là một “nhà nữ quyền ghét đàn ông” trên những diễn đàn trực tuyến của nam giới Hàn Quốc, một “sinh vật như tế bào ung thư” trong “nhóm nữ quyền cực đoan chống lại xã hội”, theo New York Times.
Một emoji "nhạy cảm"
Sự thù địch tập trung vào quảng cáo mà người phụ nữ này đã thiết kế cho các sản phẩm cắm trại.
Tấm áp phích mô tả một chiếc lều, một khu rừng, một bếp lửa trại bập bùng và hai ngón tay sắp nắm lấy chiếc xúc xích.
Áp phích quảng cáo khiến đàn ông Hàn Quốc cảm thấy bị xúc phạm. Ảnh: Kim Hong-Ji/Reuters. |
Nhiều người đàn ông tỏ ra rất tức giận, cho rằng hình ảnh này đã chế nhạo kích thước bộ phận sinh dục của họ. Họ đe dọa tẩy chay GS25 - công ty trị giá hàng tỷ USD đã phát hành quảng cáo này.
Người phụ nữ được công ty giữ kín danh tính vì sự an toàn của bản thân. Cô cố gắng xoa dịu tình hình một cách tuyệt vọng.
“Tôi không ủng hộ bất kỳ hệ tư tưởng nào”, người phụ nữ nói trong một tuyên bố trực tuyến vào tháng 5.
Cô phủ nhận rằng thiết kế của mình là “một biểu hiện của sự căm ghét đàn ông”. Thế nhưng, GS25 vẫn kỷ luật nữ nhân viên và đưa lời xin lỗi công khai.
Những gì xảy ra với người phụ nữ này là vụ nổ súng mới nhất trong cuộc chiến chống lại các nhà nữ quyền Hàn Quốc
Tại xứ kim chi, có vẻ như chỉ cần đàn ông thể hiện nỗi khó chịu xuất phát từ sự nhạy cảm quá mức của mình, các doanh nghiệp sẽ cúi đầu xin lỗi để xoa dịu họ.
Trong những tháng gần đây, nam giới Hàn Quốc đã lùng sục nhiều quảng cáo và tuyên bố chúng mang nội dung “ghét bỏ đàn ông”, dù thực tế không phải vậy. Chúng chứa hình ảnh vô hại, chẳng hạn hai ngón tay kẹp thẻ tín dụng, lon cà phê espresso, thậm chí là vaccine Covid-19.
Trong nhiều trường hợp, bị can, bao gồm cả cơ quan cảnh sát và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, phải gỡ bỏ áp phích tuyên truyền và gửi lời xin lỗi vì đã làm tổn thương cảm xúc của đàn ông.
Làn sóng MeToo ở Hàn Quốc bị đe dọa bởi sự thù ghét nữ quyền của nam giới xứ kim chi. Ảnh: Jean Chung. |
Từng có tiền lệ khiến đàn ông Hàn Quốc trở nên nhạy cảm, dẫn đến lối hành xử hiện nay.
Vào năm 2015, một nhóm nữ quyền Hàn Quốc, hiện đã tan rã, cố tình sử dụng biểu tượng cảm xúc bàn tay chụm lại làm ảnh đại diện của họ. Biểu tượng này thực sự mang ý nghĩa chế giễu đàn ông, thể hiện sự phản đối mà phụ nữ Hàn Quốc phải chịu đựng.
Sự thù hận làn sóng nữ quyền
Gần đây, sự thù hận ngày càng dâng cao sau khi đàn ông Hàn Quốc phải đối mặt với làn sóng nữ quyền mới kể từ 6 năm trước. Phản ứng dữ dội, cùng với sự lên ngôi của đảng chính trị bảo thủ, đã gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, theo New York Times.
Trong mắt bạn bè quốc tế, Hàn Quốc được coi là một cường quốc về kinh tế, công nghệ và văn hóa. Song, danh tiếng đó phần nào bị che khuất bởi phụ nữ nước này chỉ được trao rất ít quyền.
Khoảng cách chênh lệch lương theo giới tại Hàn Quốc ở mức 35% - cao nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến, đồng thời tình trạng phân biệt giới tính xảy ra rất nhiều trong khâu tuyển dụng.
Hơn 65% các công ty niêm yết trên Sàn giao dịch Hàn Quốc không có lãnh đạo nào là nữ. Xứ kim chi cũng liên tục được The Economist xếp hạng là quốc gia có môi trường làm việc tồi tệ nhất đối với nữ giới trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Phụ nữ Hàn Quốc cố gắng đẩy lùi thực trạng này, phong trào MeToo ở đây cũng được coi là thành công nhất châu Á.
Thế nhưng, xã hội lại rơi vào tình trạng căng thẳng cao độ. Theo khảo sát của Ipsos năm 2021, Hàn Quốc đứng đầu trong số 28 quốc gia trên bảng xếp hạng về xung đột giới.
Ông Lee Jun-seok không công nhận tình trạng bất bình đẳng giởi hiện nay ở Hàn Quốc. Ảnh: Kim Min-hee/Pool. |
Tháng 6, Lee Jun-seok, một người ủng hộ nam quyền, góp phần nâng cao sự căm thù của mọi người với GS25, đã được bầu làm lãnh đạo của Đảng Quyền lực Nhân dân. Ông được cho là sẽ gây ảnh hưởng đáng kể và tạo được sự ủng hộ lớn cho ứng cử viên tổng thống trong đảng.
Ông Lee đã khai thác niềm căm phẫn sâu sắc của các nam thanh niên trẻ tuổi - những người cho rằng họ là nạn nhân của chủ nghĩa nữ quyền. Tuyên bố tiêu biểu của ông Lee bao gồm “sự chênh lệch giữa hai giới bị phóng đại” và “phụ nữ được đối xử quá đặc biệt”.
Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân cho rằng những phụ nữ tham gia phong trào MeToo có “tâm lý nạn nhân vô căn cứ”, đồng thời muốn bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc..
Phong trào MeToo quyết không lùi bước
Khi sự phản đối phụ nữ ngày càng gia tăng, nỗi phấn khích mà những người ủng hộ nữ quyền thuộc thế hệ Millennials bị thay thế bằng sự sợ hãi và tuyệt vọng. Nhiều phụ nữ cảm thấy ngột ngạt, lo lắng, sợ vô tình làm cho dân mạng phẫn nộ.
Nói với New York Times, một nhà thiết kế đồ họa thương mại khác cho biết cô đang cân nhắc việc sử dụng hình đũa trong áp phích, thay vì biểu tượng bàn tay chụm lại. Một nhà văn tự do cũng loại bỏ tất cả tác phẩm liên quan đến nữ quyền khỏi danh mục nghề nghiệp của mình.
Một cảnh sát và tình nguyện viên Hàn Quốc dò soát camera ẩn đặt trong nhà vệ sinh nữ công cộng. Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP. |
Tuy nhiên, một số khác vẫn quyết tâm vượt lên nghịch cảnh. Trong tháng này, một nhóm các nhà nữ quyền đã tố cáo “những kẻ ghét phụ nữ đã tấn công nhiều công dân vô tội” trong một bản kiến nghị và thu hút hơn 1.000 chữ ký.
Trong bản kiến nghị, họ cũng đưa ra danh sách mong muốn, bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn các diễn đàn trực tuyến do nam giới thống trị - vốn là “nơi sản sinh” mối đe dọa bạo lực chống lại các nhà nữ quyền, và các biện pháp hạn chế hành vi thù ghét nữ giới trên mạng xã hội và YouTube.
Đồng thời, họ đề xuất một dự luật cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, bản dạng giới hoặc dân tộc, dù sự phản đối nữ quyền hiện nay sẽ khiến nó mất nhiều thời gian để được thông qua.
Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ chối quay lại với những quan niệm cổ hủ về thiên chức làm mẹ và chăm sóc gia đình vô điều kiện.
“Hiện chúng ta không thể quay lại quá khứ nữa. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này dù làn sóng thù địch gia tăng thế nào và bất kể những kẻ phân biệt giới tính thảm hại kia nói gì”, Lee Hyo-rin, người bắt đầu chống lại hành vi đặt camera quay lén vào năm 2016, cho biết.