Zing trích dịch bài đăng trên The Japan Times, đề cập đến xu hướng sắp xếp chỗ ngủ của các cặp vợ chồng tại xứ sở hoa anh đào. Nhiều người thích ngủ cách xa vợ hoặc chồng của mình vì giờ giấc nghỉ ngơi và sở thích khác nhau.
Cứ đến nửa đêm, Shoko Ohara (39 tuổi), nhân viên của một công ty xây dựng, đều lái xe đến nhà ga để đón chồng mình - Takeshi (kỹ sư).
Từ nhà ga về đến khu nhà của 2 vợ chồng ở vùng ngoại ô mất khoảng 10 phút. Trong khi Takeshi đi tắm, Shoko làm nóng bữa tối trong bếp. Sau đó, cô đi lên phòng ngủ chung - một căn phòng khá rộng rãi có thể đặt chiếc giường đôi cỡ lớn - rồi yên giấc một mình cả đêm.
Shoko và Takeshi đã kết hôn được 13 năm nhưng họ hiếm khi ngủ chung một phòng, ngoại trừ vài tháng đầu khi 2 vợ chồng chuyển đến một ngôi nhà thượng lưu ở thành phố Okegawa và đặc biệt mua chiếc giường đôi cho phòng ngủ.
Khá nhiều cặp vợ chồng chọn ngủ riêng sau một thời gian kết hôn. Ảnh: TheAsiaparent. |
2 năm trước, họ thay phiên nhau ngủ trên chiếc giường đơn và tấm nệm được đặt trong phòng khách. Tuy chiếc giường đôi mới rộng rãi và thoải mái hơn, chỉ được một thời gian, Takeshi bắt đầu tách ra ngủ riêng. Anh chuyển sang phòng làm việc bên cạnh hoặc phòng khách ở tầng dưới.
Lúc đầu, Shoko hơi ngạc nhiên khi cô thức dậy vào buổi sáng và không thấy chồng mình ngủ cùng. “Nhưng tôi cũng không nghĩ nhiều. Tôi chỉ nghĩ anh ấy ngủ thiếp đi khi xem video”, Shoko nói.
10 năm trôi qua, việc ngủ riêng đã trở thành một phần trong cuộc sống hôn nhân của cặp vợ chồng này. “Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình may mắn khi có thể nằm thoải mái trên chiếc giường lớn. Nó tốt cho sức khỏe của tôi và giúp tôi có những giấc ngủ ngon”, người vợ chia sẻ.
Xu hướng không ngủ cùng giường, đắp chung chăn
Ngoài Shoko và Takeshi, nhiều cặp vợ chồng tại Nhật Bản cũng đang ngủ phòng riêng. Theo một cuộc khảo sát của Asahi Chemical Industry Co. với 1.500 người - cả nam lẫn nữ - cho thấy 15% số người được hỏi không ngủ chung với vợ hoặc chồng của họ.
Ngay cả những người ngủ chung với bạn đời, 40% trong số đó cho biết họ đã ước tại một số thời điểm nào đó, họ sẽ có phòng ngủ riêng.
Theo cuộc khảo sát này, lý do của việc ngủ riêng rất đa dạng. Một số người không muốn bị đánh thức bởi người bên cạnh có thói quen đạp, ngáy khi ngủ. Nhiều cặp vợ chồng khác có thời gian đi ngủ khác nhau.
Nhiều người chọn ngủ riêng để không làm phiền bạn đời của mình. |
Ngoài ra, chỉ đơn giản là họ muốn đọc sách và xem video khi ở trên giường mà không lo quấy rầy bạn đời của mình. Nhiều trường hợp còn chỉ ra lý do về sự không đồng thuận với nhiệt độ trong phòng ngủ.
Một phụ nữ 26 tuổi mới kết hôn chia sẻ: “Ban đầu, tôi và chồng ngủ chung với nhau nhưng sau đó, tôi đã chuyển sang phòng khách để thoát khỏi tiếng ngáy của anh ấy. Vì là một y tá, tôi cần có một giấc ngủ ngon”.
Đối với các cặp vợ chồng đã có con, ngủ riêng là một thực trạng khá phổ biến. Tại xứ sở hoa anh đào, sự gắn kết giữa người mẹ và con cái được xem là điều rất quan trọng. Đa số các bà mẹ đều ngủ với con nhỏ, còn các ông bố thì có 2 sự lựa chọn: ngủ cùng cả nhà hoặc ngủ trong phòng khác.
Yoshiyuki Hirano (35 tuổi), một nhân viên công ty gas, đã chọn cách sau. Hai năm trước, sau khi vợ anh hạ sinh một bé gái, cả 2 vẫn ngủ cùng nhau như thường lệ, còn con gái thì ngủ bên cạnh. Nhưng sau đó, họ thấy cách sắp xếp này khá bất tiện.
“Phòng ngủ của chúng tôi quá chật chội với chiếc giường trẻ em. Còn con gái thì khóc 2 tiếng một lần. Điều đó thực sự khó khăn với tôi”, Hirano nói.
Xu hướng này cũng khá phổ biến ở các nước phương Tây. |
Theo đuổi lối sống riêng
Theo The Japan Times, ngủ riêng không nhất thiết là dấu hiệu của sự lục đục trong hôn nhân. Ohara và chồng rất hợp nhau. Tuy họ không nồng nhiệt như hồi mới cưới nhưng cả hai vẫn rất yêu nhau.
Ohara cho biết cô với chồng vẫn quan hệ tình dục bình thường mặc dù ngủ khác phòng. “Bạn có thể nghĩ điều này thật kỳ quặc khi anh ấy ghé thăm phòng tôi vài lần trong một tháng, sau đó lại quay về phòng riêng của mình”, Ohara cho hay.
Một số cặp vợ chồng còn tiến xa hơn một bước bằng cách dành phần lớn thời gian ở trong không gian riêng của mình. Cả gia đình sống theo kiểu ký túc xá với mỗi người một phòng.
Không phải cặp vợ chồng nào ngủ riêng đều thể hiện sự trục trặc trong hôn nhân. |
Noritaka Sano (62 tuổi), nhân viên văn phòng, đã sống theo cách này suốt 15 năm qua. Trong căn hộ của gia đình ông ở thành phố Yokohama, Sano và vợ ngủ 2 phòng riêng cạnh nhau. Đôi vợ chồng già thường trò chuyện với nhau trong phòng ăn vào buổi tối.
“Lần đầu tiên khi nói muốn có phòng riêng, vợ tôi có vẻ hơi buồn. Bà ấy nghi ngờ tôi đang ngoại tình. Nhưng vợ tôi đã phẫu thuật ung thư ruột kết nên tôi nghĩ ngủ chung không tốt cho sức khỏe của bà ấy. Chúng tôi cùng nhau nuôi dạy con cái, nhưng đến một lúc nào đó tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta nên theo đuổi lối sống của riêng mình”.
Mặc dù việc ngủ riêng giúp các cặp vợ chồng tránh những xung đột không cần thiết và tạo cho nhau không gian riêng, Yuko Shinohara, giảng viên tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản, người đã nghiên cứu nếp ngủ của các cặp vợ chồng tại nước này, cho rằng điều này dễ dẫn đến sự xa cách trong hôn nhân.
Trong một cuộc khảo sát với 1.800 độc giả nữ của tạp chí Fujin-Koron, Shinohara đã phát hiện ra rằng hơn 30% phụ nữ ngủ riêng với chồng từng cân nhắc nghiêm túc về việc ly hôn, trong khi con số này chỉ ở mức 13% đối với những phụ nữ ngủ chung với chồng.
Cô cũng chỉ ra rằng những phụ nữ ngủ riêng thường không hài lòng với cách chồng tham gia nuôi dạy con cái. Lâu dần, họ có xu hướng coi chồng là bạn cùng phòng thay vì bạn đời.
“Có thể thấy việc ngủ riêng giúp các cặp vợ chồng sống hòa thuận với nhau, nhưng nó chỉ đang che đậy vấn đề thực sự. Càng có nhiều không gian cá nhân trong ngôi nhà chung, bạn càng ít ưu tiên cho mối quan hệ với vợ hoặc chồng của mình”, Shinohara cho biết.