Mệt như mất ngủ
“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, những ai từng bị mất ngủ mới nhận thấy giấc ngủ quả là khó chiều, đỏng đảnh như thời tiết mưa nắng bất chợt. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: căng thẳng, lo lắng, buồn phiền… Những nguyên nhân này chỉ cần được khắc phục là giấc ngủ dễ dàng quay trở lại. Nguyên nhân khó nhất là tự mình “gài bẫy” rồi “sập bẫy”. Cụ thể: Chỉ một lần thức giấc vào lúc ba giờ sáng, sau đó ngày nào cũng “đến hẹn lại lên”, cứ ba giờ sáng là bị tỉnh giấc dù mắt và cơ thể mệt nhừ. Đó là do lần thức đầu tiên ”lỡ” nằm nghĩ vẩn vơ, càng nghĩ càng tỉnh, thế là tiếc thời gian, bèn “bò dậy” hì hụi viết lách, đọc truyện, dọn dẹp nhà cửa, lục đục tới sáng… Người cao tuổi thường rảnh rỗi nên đi ngủ sớm lúc 9 giờ thì tới 12 giờ đêm sẽ bị thức giấc.
Chính việc ra khỏi giường vô tình này hình thành một “vệt nhớ” trong não. Chỉnh lại thói quen rất khó. Bác sĩ (BS) Đặng Văn Mon - Khoa Giấc ngủ - Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic TP.HCM hướng dẫn: “Ở tuổi trung niên, chu kỳ thức - ngủ là 4-5 tiếng, còn ở người cao tuổi là 3-3,5 tiếng. Vì vậy, nếu thức giấc nửa đêm trong khi chu kỳ thứ hai chưa đến, nên nằm trên giường để “gầy” lại chu kỳ dễ dàng hơn và không hình thành thói quen thức dậy nửa đêm...”.
Được gọi là mất ngủ mạn tính khi không ngủ được đủ giấc trên sáu tháng. Tuy nhiên, khi mất ngủ mạn tính, cơ thể sẽ không mệt như mất ngủ cấp tính, vì đã quen dần. Khi không ngủ được, người ta thường cầu cứu thuốc ngủ. Các BS luôn khuyên không được tự ý dùng thuốc ngủ, đối đế lắm mới dùng, nhưng phải dùng theo chỉ định của BS và ngưng thuốc càng sớm càng tốt. Bởi, thuốc ngủ gây nghiện, gây lờn thuốc, lệ thuộc thuốc.
Khi mất ngủ, nên tìm đến các thảo dược có công dụng đem lại giấc ngủ ngon như: tim sen, nhãn, cháo kê… Nếu vẫn không thể “mơ hoa”, nên tìm đến khoa giấc ngủ của bệnh viện để điều trị ngay.
Nhiều người cho rằng ngủ nhiều sẽ khỏe, sẽ trẻ lâu nên cố gắng ngủ. Thật ra, khi ngủ quá nhiều, các cơ quan ở trạng thái tĩnh quá lâu nên khi hoạt động sẽ gây khó cho hệ thần kinh, dễ dẫn tới bị các bệnh tim mạch.
Ngủ đêm, ngủ ngày
Hiện nay, trên mạng có thông tin cho rằng ban đêm là khoảng thời gian hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại. Còn đối với trẻ em, việc ngủ sâu vào ban đêm giúp phát triển chiều cao.
Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi, cơ thể tái tạo và phát triển xương trong lúc ngủ, ngủ ngày hay đêm đều giá trị như nhau. Đi ngủ lúc chín giờ tối, thức dậy lúc năm giờ sáng là phù hợp với người Việt Nam. Điều quan trọng là ngủ đủ, khi thức dậy thấy sảng khoái, nhẹ nhõm, tinh thần phấn chấn. Vì thế, nếu phải trực đêm, làm ca kíp hoặc ngủ không đủ vào ban đêm, chỉ cần ngủ bù, ngủ đủ.
Nhu cầu ngủ tùy vào lứa tuổi, trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn. Với người lớn, thông thường ngủ bảy tiếng là đủ, ngủ chín tiếng trở lên là nhiều.
“Cột chân” giấc ngủ
Theo BS Đặng Văn Mon, bí quyết ngủ ngon là thuận theo tự nhiên, ví dụ, khi thấy cơ thể mệt mỏi muốn ngủ, thì làm việc cũng không hiệu quả, nên sắp xếp để ngủ. Không nên quá sức vì có thể chuốc lấy bệnh mất ngủ và ảnh hưởng đến năng suất lao động, thậm chí gây tai nạn. Khi có chuyện buồn, mất mát, hãy cứ khóc, cứ buồn vì chống lại chỉ làm kiệt quệ sức lực, dẫn tới mất ngủ.
Tập thể dục, buổi sáng 30 phút, chiều 30 phút. Không tập ngay trước khi đi ngủ mà tập sau bữa ăn từ 30 phút. Người cao tuổi nên đi ngủ lúc 10 giờ, đến 4 giờ sáng dậy là vừa. Ăn uống đủ dưỡng chất, dễ tiêu hóa.