Trước khi đi sâu phân tích tình hình tại Việt Nam, xin thử khảo sát cơ cấu đào tạo ngành điều dưỡng viên, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, hộ lý (gọi tắt là điều dưỡng) trên thế giới.
Tại Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh muốn theo ngành điều dưỡng sẽ có 3 lựa chọn:
Học trung cấp (khoảng 3 năm), sau khi tốt nghiệp nếu thi đỗ kỳ thi quốc gia về điều dưỡng, thì có thể tham gia thị trường lao động ngay.
Học cao đẳng (khoảng 3 năm), sau khi tốt nghiệp lại có 2 hướng nhỏ: Cũng có thể tham gia kỳ thi quốc gia về điều dưỡng để đi làm hoặc chọn hướng khác học thêm khoảng 1 năm về hộ sinh, tham gia kỳ thi quốc gia về hộ sinh để làm công việc hộ sinh sau đó.
Học đại học, sau khi tốt nghiệp lại có 3 hướng nhỏ: Hai hướng đầu tương tự 2 lựa chọn trên hoặc hướng còn lại, học thêm một khoá đào tạo về y tế cộng đồng, tham gia kỳ thi quốc gia về y tế cộng đồng để làm công việc về y tế cộng đồng sau đó.
Cơ cấu đào tạo ngành điều dưỡng tại Nhật. Nguồn tổng hợp từ Japanese Nursing Association). |
Trong khi đó, tại Mỹ, sau khi tốt nghiệp THPT, sinh viên tại muốn theo ngành điều dưỡng cũng sẽ có 3 lựa chọn:
Học sơ cấp (khoảng 1 năm), sau khi tốt nghiệp lại có 3 lựa chọn: tham gia kỳ thi chuẩn nghề nghiệp NCLEX; hoặc học liên thông theo 2 lựa chọn còn lại.
Học trung cấp (khoảng 2 năm), trở thành điều dưỡng viên và sau đó nếu muốn nâng cao trình độ lại học liên thông lên đại học (lựa chọn 3).
Học đại học (4 năm), trở thành điều dưỡng viên hoặc tiếp tục học thạc sỹ (khoảng 2 năm), trở thành điều dưỡng viên trưởng/quản lý hoặc học tiếp tiến sĩ để trở thành nhà nghiên cứu về điều dưỡng/y dược.
Cơ cấu đào tạo ngành điều dưỡng tại Mỹ. Nguồn tổng hợp từ All Nursing Schools. |
Quay trở lại với quy định mới; với tính chất quan trọng của công việc điều dưỡng liên quan trực tiếp sức khoẻ con người và với thực trạng đào tạo hệ trung cấp nói chung, cũng như trung cấp điều dưỡng nói riêng, có thể khẳng định yêu cầu và mục đích của việc nâng cao chất lượng đào tạo điều dưỡng viên của Bộ Y tế là hoàn toàn chính xác, phù hợp kỳ vọng chung của toàn thể xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã lựa chọn biện pháp yêu cầu số năm đào tạo tối thiểu của điều dưỡng viên phải từ 3 năm trở lên (có bằng cao đẳng). Điều đó có nghĩa, về tiêu chuẩn lao động, Bộ này đang muốn áp dụng mô hình tương tự Nhật; nhưng về thực trạng, cơ cấu giáo dục đào tạo điều dưỡng ở Việt Nam vẫn còn hệ sơ cấp (1 năm) và trung cấp (2 năm), tức là tương tự Mỹ.
Tôi không tin số năm đào tạo là chỉ dấu đánh giá chất lượng của người học. Bằng chứng hệ cử nhân ở nhiều nước trên thế giới tại Anh, Pháp hay Australia hiện nay chỉ kéo dài 3 năm, nhưng chất lượng không thua kém tại các nước tổ chức đào tạo kéo dài 4 năm. Gần đây, tại Việt Nam, có ý kiến cho phép chương trình đại học co lại trong 3 năm thay vì 4 năm để giúp người học có khả năng học nhanh và ra trường sớm.
Tuy vậy, việc Bộ Y tế đưa ra quyết định này có lẽ cũng phải dựa trên luận cứ khoa học nào đó (có thể là đã tham khảo mô hình của Nhật). Để thuyết phục công chúng, đặc biệt là các trường trung cấp và các điều dưỡng viên trình độ trung cấp, Bộ Y tế cần sớm công bố luận cứ khoa học này.
Bên cạnh đó, một khi chính sách mới đi vào hiệu lực, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT sẽ gặp phải một vấn đề: Cơ cấu giáo dục đào tạo ngành điều dưỡng (vẫn tồn tại sơ cấp và trung cấp) không tương thích tiêu chuẩn lao động của ngành (chỉ chấp nhận cao đẳng).
Từ nay đến năm 2021, hai Bộ cần có lộ trình giải quyết vấn đề này, ví dụ như có kế hoạch về nâng cấp, sáp nhập, giải thể các trường/hệ trung cấp hiện hành.
Rõ ràng, khi tiến hành các kế hoạch đó, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho người học, hai Bộ cũng cần xét đến quyền lợi đội ngũ cán bộ, giảng viên đang làm việc tại các trường hệ trung cấp kể trên.