Sống cùng người chết
Đến nghĩa trang Long Hương (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bất cứ ngày thường hay ngày rằm hoặc lễ, tết, gia chủ đều gặp một người đàn bà trạc tuổi 60 nói đặc giọng miền quê Nam Trung bộ cần mẫn lau chùi từng ngôi mộ cho những người đã khuất. Bà tên Nguyễn Thị Lan, quê ở tỉnh Phú Khánh cũ (nay là tỉnh Khánh Hòa).
Bà Nguyễn Thị Lan với công việc hằng ngày của mình. |
Ở nghĩa trang này, ai cũng gọi là Gì Hai chứ ít ai biết tên thật của bà. 56 tuổi đời, 20 năm làm bạn với người âm, bà không nhớ mình thắp lên mộ bao nhiêu nén hương, lau chùi sạch sẽ bao nhiêu phần mộ, chứng kiến bao cảnh đau lòng của gia chủ, song những ai cho bà nải chuối sau khi thắp hương cho người quá cố hoặc cho vài chục ngàn lấy thảo thì bà không thể quên.
Một ngày làm việc của bà bắt đầu từ 7h30 sáng. Hông bà giắt cái liềm chấu, một tay xách xô nước, tay còn lại bà cầm cái chổi, rồi nhanh nhẹn đến từng ngôi mộ. Trước khi lau dọn “nhà” cho người chết, đứng trước mộ, bà “xin phép cho tui dọn nhà cho ông (bà, anh, chị)”.
Cầm chiếc khăn sạch đã vắt kiệt nước, bà Lan lần lượt lau lên di ảnh, bát hương, ống hoa rồi toàn phần mộ. Đôi mắt mờ đục vì khói hương, nhìn di ảnh người chết, bà nói: “Tui lau mặt cho cụ mát mẻ, mong cụ phù hộ độ trì cho tui khỏe mạnh”. Sau “lau mặt, dọn nhà”, bà cặm cụi “dọn vườn” cho người âm. Bàn tay chai sần nhăn nhúm nhổ từng cây cỏ, tưới từng khóm hoa.
“Dường như ở đấy có ai gọi mình rất thắm thiết” - bà Lan chia sẽ. |
“Tui được phân công lau chùi 13 dãy, chừng 450 phần mộ. Công việc không nặng nhọc nhưng nhiều người không muốn làm vì ngại tiếp xúc với mồ mả”.
Lương họ trả cho nghề này bao nhiêu, thưa bà? “Một triệu rưỡi. Tuy không nhiều nhưng giúp tôi sống qua ngày. Trước ông nhà còn sống thì thiếu trước hụt sau, giờ còn mình tui coi như tạm đủ. Làm nghề này phải chấp nhận rủi ro như thường xuyên hít phải khí độc, nhất là lúc lau chùi mộ mới, mùi bốc lên độc hại khó chịu lắm”.
Bà Lan kể: “Ngày mới vào làm, tui ốm một trận thập tử nhất sinh, đó là sau lần lau chùi 3 ngôi mộ mới được chôn cất sau một trận mưa. Tui nằm liệt giường gần ba tháng và hứa với chồng sẽ bỏ nghề, song khi khỏe lại, tôi lại muốn đến nghĩa trang. Dường như ở đấy có ai gọi mình rất thắm thiết. Từ đó tui biết số mình đã gắn liền với người chết rồi nên chấp nhận theo nghề”.
Đêm đêm mơ thấy người âm
20 năm làm bạn với người âm, bà Lan chứng kiến hàng nghìn lần cảnh tang thương bi thảm, tận mắt hàng trăm lần bốc mộ. Những cảnh tượng ấy đã hằn sâu trong tâm trí bà đến nỗi đêm nào bà cũng mơ thấy đi với người chết:
“Ngày mới vào nghề, đêm về tui không hề chợp mắt, đầu óc lúc nào cũng quay cuồng cảnh đưa tang, khóc lóc. Nhất là sau lần chứng kiến cảnh bốc mộ, về không ăn được cơm. Những ống xương chân tay, xương sọ của người chết cứ ám ảnh, lợm giọng. Chồng tui chửi “Việc gì không làm, đi làm bạn với ma, bà không bỏ việc, tui bỏ bà”.
Tui phải nhiều lần thuyết phục “Việc gì cũng quý, chưa quen rồi sẽ quen dần. Tui làm việc này âu cũng là cái duyên cái nghiệp, ông đừng cản tui nữa. Rồi ổng cũng nghe ra và để tui tiếp tục đi làm” - bà Lan chia sẻ.
Theo bà Lan, ở nghĩa trang Long Hương thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ngoài bà Lan còn có 3 người khác cùng làm việc như bà. Mỗi người phụ trách lau chùi một khu. Bà phụ trách lau chùi khu mộ này vì người bạn gái thân nhất của bà chôn cất ở đây sau một vụ tai nạn giao thông, mà theo bà đó cũng chính là lý do bà chọn nghề này.
Ngoài 1,5 triệu đồng tiền công hằng tháng, những ngày lễ, tết, bà được nhiều người cho trái cây hoa quả sau khi họ cúng cho người thân. Có người thương bà cho vài chục ngàn để bà mua gạo.
“Làm nghề này như một nghĩa cử đối với người đã khuất, lấy tình nhân ái làm trọng chứ không nghĩ nhiều đến tiền công. Tui không có con, nhưng công việc tui làm cũng để phúc cho đời. Đời người ai cũng chết một lần, rồi cũng có lúc đến mình nằm xuống” - bà Lan chia sẻ.
Ngước nhìn ngôi mộ mới lau chùi sạch sẽ rồi lại nhìn ra phía ngôi mộ khác bên cạnh, đó là ngôi mộ của một em bé 9 tuổi bị tai nạn giao thông, do bố mẹ nghèo quá không có tiền xây cất, chỉ cắm tấm bia tạm, bà Lan ngậm ngùi: “Ngày mới làm ở đây, tui cũng ước mơ có một đứa con, nhưng trời không cho, ổng chết rồi, bây giờ ở một mình làm bạn với người âm”.
Chiều rằm tháng tám, nhiều người khắp nơi đổ về Nghĩa trang Long Hương thắp hương tưởng nhớ người thân quá cố. Họ đem đến nghĩa trang nào hoa quả, vàng hương, quần áo giấy. Sau nghi thức cúng bái, họ đem quần áo, vàng mã đốt ngay cạnh phần mộ, bụi khói khắp nơi rồi ra về. Bà Lan lại cặm cụi cầm chổi quét dọn “lau nhà, lau mặt” cho người đã khuất.