Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người 3 lần bị tuyên tử hình ở Bắc Giang: VKS đề nghị điều tra lại

VKS Cấp cao tại Hà Nội lập luận vụ án từng được xét xử nhiều lần, bị cáo Vi Văn Phượng có lời khai thay đổi theo thời gian, lúc nhận tội lúc không.

Sau một ngày xét hỏi, chiều 23/5, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị tòa phúc thẩm hủy án, điều tra lại vụ Vi Văn Phượng (55 tuổi, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) bị cáo buộc giết mẹ vì 1,5 chỉ vàng.

Theo lập luận của VKS, án mạng xảy ra ngày 5/10/2012 khiến bà Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1926, mẹ đẻ của Phượng) tử vong. Trong hồ sơ, nhân chứng Lăng Đức Mạnh (đồng nghiệp của Phượng) khai sáng hôm đó, ông Phượng mặc áo trắng. Tuy nhiên, ông Mạnh từng có lời khai ban đầu nói mình không biết hoặc khai bị cáo không mặc áo này.

Tòa sơ thẩm quy kết Vi Văn Phượng sát hại bà Vui dựa trên 2 chứng cứ gồm chiếc áo trắng dính máu và con dao quắm là hung khí. Song, VKS cho rằng thời điểm xảy ra vụ án, thời tiết oi bức, nên việc bị cáo mặc 2 chiếc áo có cổ đi làm là không có căn cứ.

Vi Van Phuong anh 1

Vi Văn Phượng tại phiên xử ngày 23/5. Ảnh: N.T.

Đối với con dao quắm, đại diện VKS phân tích nếu hung thủ dùng vật này chém cụ Vui khi nạn nhân nằm trên giường, thì sẽ để lại dấu vết trên giường, chiếu. Trong khi đó, hồ sơ vụ án không thể hiện, một số nhân chứng cũng khai không thấy vết máu trên người Phượng khi họ đến hiện trường.

Tòa sơ thẩm kết luận bị cáo vay mẹ đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng để lo cho vợ, con đi xuất khẩu lao động. Khi bà Vui nhiều lần thúc giục trả vàng, Phượng chưa thể trả nợ, nên sát hại mẹ đẻ. Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS Cấp cao đánh giá thời điểm bà Vui tử vong, gia đình bị cáo kinh tế đã ổn định. Hàng xóm và người thân cũng bày tỏ ông Phượng là người con có hiếu, chăm sóc mẹ nhiều năm. Do đó, VKS cho rằng động cơ gây án chưa rõ ràng.

Về thời gian nạn nhân tử vong, kết luận giám định cho thấy cụ Vui chết vào khoảng hơn 3 giờ sau khi ăn mỳ tôm buổi sáng (lúc 6h30). Bị cáo từng có lời khai ông ta sát hại mẹ vào 9h rồi mới đi làm. Còn nhân chứng khai hôm xảy ra án, ông Phượng về nhà lúc 11h14 và trên đường đã mua 2 gói mỳ tôm cho mẹ. VKS xác định thời gian nạn nhân tử vong có mâu thuẫn, nên cần làm rõ.

Ngoài những quan điểm nêu trên, đại diện VKS Cấp cao nhấn mạnh vụ án từng được xét xử nhiều lần, bị cáo có lời khai thay đổi theo thời gian, lúc nhận tội lúc không. Với việc ông Phượng khai báo không nhất quán, VKS đề nghị HĐXX tuyên hủy án tử hình Vi Văn Phượng để điều tra lại.

Theo cáo buộc, năm 2009, bị cáo vay mẹ đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng để lo cho vợ, con đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, người con phải về nước trước thời hạn, nên Phượng chưa thể trả nợ cho mẹ. Khi bà Vui nhiều lần thúc giục trả vàng, Phượng bức xúc rồi nảy ý định sát hại mẹ đẻ. Đầu tháng 10/2012, bị cáo ra tiệm mua 1,5 chỉ vàng rồi đưa cho con trai mang cho mẹ. Tuy nhiên, bà cụ phản ứng vì cho rằng đó là vàng giả.

Tranh cãi xảy ra, trưa 5/10/2012, Vi Văn Phượng thấy mẹ đang ngủ ở nhà một mình, nên dùng dao quắm chém nạn nhân tử vong. Sau ít phút, Phượng loan báo mẹ đẻ đã bị người khác sát hại.

Đầu năm 2013, TAND tỉnh Bắc Giang lần đầu xét xử sơ thẩm Vi Văn Phượng. Suốt phiên tòa, bị cáo kêu oan. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ và tuyên bị cáo án tử hình. Tháng 8/2013, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm. Lần đó, ông Phượng tiếp tục tố bị bức cung trong quá trình điều tra, nhưng HĐXX thấy không có căn cứ. Từ đó, cấp phúc thẩm tuyên y án.

Cuối năm 2016, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại vụ án, thấy có nhiều điểm chưa được làm rõ. Ngoài ra, hội đồng đánh giá quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều thiếu sót, mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ, nên ra quyết định hủy 2 bản án.

Đến năm 2019, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm lần 2, tái khẳng định Vi Văn Phượng là hung thủ, nên tuyên án tử hình người này. Ông Phượng tiếp tục kêu oan cho đến nay.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Đề nghị buộc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bồi thường hơn 100 tỷ đồng

VKS đề nghị tòa buộc cựu Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bồi thường hơn 100 tỷ đồng, 2 cựu Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga mỗi người 15 tỷ đồng.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn làm phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai

Bộ trưởng Công an vừa điều động, bổ nhiệm trưởng phòng An ninh tài chính, đầu tư, Cục An ninh kinh tế làm phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Hồng Đăng

Bạn có thể quan tâm