Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Afghanistan xa xứ quảng bá du lịch quê hương

Những hướng dẫn viên du lịch tiếp tục giới thiệu văn hóa, lịch sử Afghanistan sau khi rời khỏi đất nước do Taliban tiếp quản.

Những năm qua, Noor Ramazan cùng hàng chục hướng dẫn viên du lịch đã giới thiệu cho du khách về các kỳ quan thiên nhiên và lịch sử của Afghanistan, đất nước được biết đến với chiến tranh và xung đột trong nhiều thập kỷ gần đây.

Nhờ đó, du khách có thể trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp của ngọn núi Pamir, Hindu Kush phủ đầy tuyết trắng, những công trình kiến trúc Islam độc đáo, các mặt hàng thủ công Ba Tư hay sự thân thiện và lòng hiếu khách của người dân Afghanistan.

Quang ba du lich noi phuong xa anh 1

Cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục của ngọn núi Pamir. Ảnh: Peakvisor.

Nhưng sau sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn và quá trình tiếp quản của Taliban, Ramazan cùng nhiều hướng dẫn viên du lịch khác nằm trong số hàng trăm nghìn người Afghanistan phải chạy trốn khỏi quê hương để đảm bảo an toàn tính mạng.

"Taliban chưa bao giờ hiểu về du lịch. Họ xem du khách là kẻ ngoại đạo và hướng dẫn viên du lịch như nô lệ của kẻ ngoại đạo. Vì vậy, những người làm trong ngành du lịch đang gặp nguy hiểm", Noor Ramazan nói.

Ngành du lịch non trẻ

Trước khi thành lập công ty lữ hành Let's Be Friends Afghanistan, Ramazan là nhân viên an ninh thuộc tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ thực hiện các dự án nông nghiệp ở miền bắc Afghanistan. Bấy giờ, anh thường thuyết phục những đồng nghiệp ngoại quốc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như Hazrat Ali Mazar (Thánh đường xanh), để họ hiểu hơn về tình hình phức tạp của Afghanistan bên ngoài văn phòng.

Đến năm 2016, Ramazan quyết định làm công việc hướng dẫn viên du lịch toàn thời gian. Ban đầu, anh chỉ nhận một hoặc hai khách hàng mỗi năm. Nhưng sau khi được sự giúp đỡ từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, số lượng khách hàng của Ramazan đã tăng lên 200 người trong năm 2020.

Quang ba du lich noi phuong xa anh 2

Dòng người cầu nguyện ở Hazrat Ali Mazar (Thánh đường xanh). Ảnh: Reddit.

Ramazan không những giới thiệu những di tích lịch sử ở các thành phố lớn như Herat và Kandahar, mà còn giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống thường nhật của nghệ nhân, giáo viên hay nhiếp ảnh gia đường phố. Ngoài ra, Ramazan còn hợp tác với một số hướng dẫn viên du lịch tự do ở Afghanistan, bao gồm vận động viên chuyên nghiệp Sajjad Husaini, để tổ chức chuyến đi trượt tuyết hoặc đạp xe.

Trước khi Ramazan giúp du lịch Afghanistan phổ biến trên mạng xã hội, Gul Hussain Baizada đã thành lập một trong những công ty du lịch đầu tiên thời hậu Taliban ở Afghanistan vào năm 2011. Kể từ đó, doanh nghiệp lữ hành mang tên Silk Road Afghanistan & Travel đã đón khoảng 3.000 du khách đến đất nước này.

Baizada tin rằng du lịch cộng đồng ở Bamyan sẽ tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Afghanistan. Thậm chí, ông còn tuyển dụng nữ hướng dẫn viên du lịch duy nhất của Afghanistan, Fatima Haidari.

"Trước đây, Bamyan là khu vực có nền văn hóa bảo thủ. Nhưng giờ đây, bạn có thể thấy cư dân vùng đất này có tư tưởng thoáng hơn. Tất cả là nhờ du lịch", Baizada tiết lộ.

Baizada cho biết Bamyan đã lấy lại vị thế như một ốc đảo du lịch vào năm 2012 khi lượng khách du lịch tăng lên với việc tăng cường an ninh dọc theo con đường từ thủ đô Kabul. Vùng đồi núi, hồ nước và làng mạc nơi đây cùng với hành lang Wakhan - phần lãnh thổ ngăn cách Afghanistan với Pakistan và Tajikistan - được coi là an toàn để thực hiện các dự án du lịch cộng đồng.

Quang ba du lich noi phuong xa anh 3

Cuộc sống của người dân Bamyan đã thay đổi rất nhiều nhờ du lịch cộng đồng. Ảnh: dreamstime.

Tuy nhiên, những bất ổn chính trị ở Afghanistan vào năm 2019 khiến lượng khách du lịch giảm đi đáng kể. Tình trạng kém an toàn đường bộ và các chuyến bay gặp nguy hiểm khiến công ty lữ hành của Baizada và Ramazan phải thực hiện nhiều biện pháp an ninh.

Niềm tin và hy vọng

Tương lai của ngành du lịch Afghanistan sẽ như thế nào?

"Còn quá sớm để nhận định. Nếu đây là Taliban trong những năm 90, tôi không có hy vọng", Ramazan chia sẻ.

Baizada và Ramazan là người dân tộc Hazara, một trong những tộc người thiểu số đông nhất tại Afghanistan. Trong lịch sử, Taliban đã đàn áp người Hazara vì những đặc điểm trên khuôn mặt Âu-Á của họ và truyền thống văn hóa chịu ảnh hưởng của Ba Tư. Quan trọng hơn, người Hazara là những tín đồ trung thành của Islam Shiite.

Cộng đồng quốc tế đang hỗ trợ Baizada và Ramazan trong việc nộp các thủ tục giấy tờ, tiến hành gây quỹ nhằm giúp các hướng dẫn viên du lịch và gia đình rời khỏi Afghanistan. Đến nay, sáu nhà điều hành du lịch mạo hiểm đã quyên góp được gần 70.000 USD.

Quang ba du lich noi phuong xa anh 4

Các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ những hướng dẫn viên du lịch có thể an toàn rời khỏi Afghanistan. Ảnh: South China Morning Post.

Trong khi đó, những hướng dẫn viên du lịch đã rời khỏi Afghanistan đang cố gắng thích nghi với cuộc sống xa quê hương. Ramazan ở Australia, còn Baizada và Haidari đang sống tại Italy.

Baizada cho biết anh hy vọng cùng những người Afghanistan tị nạn ở Italy thực hiện các chương trình du lịch đi bộ đường dài và lái xe đạp địa hình. Ramazan muốn xây dựng nhà văn hóa Afghanistan tại Australia, tổ chức triển lãm về ẩm thực, nghệ thuật, lịch sử và văn hóa Afghanistan.

"Tôi không muốn đất nước Afghanistan bị lãng quên. Tôi sẽ tiếp tục giới thiệu và quảng bá hình ảnh quê hương ngay cả khi ở phương xa", Ramazan khẳng định với ánh mắt lạc quan.

Các di sản thế giới được bảo vệ như thế nào?

Các nhà quản lý của Machu Picchu (Peru) hay Acropolis (Hy Lạp) đang thực hiện nhiều cách thức để gìn giữ di tích trước biến đổi khí hậu và thực trạng du lịch quá tải.

Di sản mới nhất của Trung Quốc được UNESCO công nhận

Tuyền Châu, thành phố từng được Marco Polo ca ngợi là “một trong hai trung tâm giao thương lớn nhất thế giới”, đã trở thành di sản thứ 56 của Trung Quốc.

Đổi tên đảo cát lớn nhất thế giới ở Australia

Fraser là hòn đảo nằm trong vườn quốc gia The Great Sandy (Australia), cũng là đảo cát lớn nhất thế giới. Đảo đã chính thức được đổi tên thành K'Gari.

Hiểu Phong

Bạn có thể quan tâm