Nidhi Paliwal (30 tuổi) và Sumeet Kher (32 tuổi) sẽ kết hôn vào ngày 13/12 tới và chắc chắn không muốn mọi thứ diễn ra một cách sang trọng hay đắt đỏ.
Hai chuyên gia phân tích hệ thống máy tính sống tại Delhi cho biết đang cố gắng để đảm bảo lượng khí carbon trong đám cưới thải ra ít nhất có thể, theo South China Morning Post.
"Đại dịch khiến hành tinh của chúng ta được tôn trọng hơn. Vì vậy, chúng tôi cũng muốn chọn các vật dụng trang trí thân thiện với môi trường như giỏ mây, đèn mây, cây, hoa và chậu đất thay vì đồ trang trí lãng phí, có giá hàng nghìn USD rồi lại bị dỡ bỏ sau bữa tiệc".
Cặp đôi cũng chọn địa điểm tổ chức tiệc cưới ngay tại địa phương để khách tham dự không phải di chuyển bằng máy bay cũng như chỉ tổ chức trong ngày nhằm cắt giảm điện năng tiêu thụ.
"Tôi sẽ mặc lại chiếc váy cưới truyền thống của mẹ trong ngày trọng đại thay vì mua váy mới. Chúng tôi cũng gửi thiệp mời online cho khách thay vì thiệp giấy thông thường. Ngoài ra, các món đồ dùng trong tiệc cưới cũng sẽ được chúng tôi tái sử dụng cho tổ ấm mới của mình", cô dâu nói.
Nhiều cô dâu, chú rể tại Ấn Độ không còn muốn tổ chức hôn lễ hoành tráng. Ảnh: AFP. |
Ngành công nghiệp đám cưới trị giá 50 tỷ USD của Ấn Độ đang dần hồi sinh sau thời gian dịch bệnh hỗn loạn. Thời gian qua, nhiều cặp uyên ương phải hủy tiệc cưới hoặc lựa chọn tổ chức các buổi lễ nhỏ tại nhà, không còn sự hào nhoáng thường thấy trong các hôn lễ ở Ấn Độ.
Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng và các ca mắc Covid-19 giảm, chính phủ nới lỏng các quy định tụ tập xã hội, mùa cưới hỏi - thường bắt đầu từ 15/11 đến tháng 3 năm sau - đã có sự khởi đầu thuận lợi.
Theo Liên minh Thương nhân Ấn Độ, có khoảng 2,5 triệu đám cưới sẽ diễn ra trong khoảng thời gian này. Các nhà tổ chức sự kiện, đơn vị tổ chức hôn lễ và khách sạn cho biết ngành công nghiệp này đang chứng kiến một sự thay đổi đáng kinh ngạc sau thời gian ảm đạm vì Covid-19.
"Chúng tôi đang tuyển thêm nhân viên và làm việc liên tục để xử lý lượng đơn hàng tăng đột biến. Dường như ở đâu cũng thấy có người kết hôn", Palak Srivastava, nhà thiết kế thời trang ở Delhi, cho biết.
Ngành cưới Ấn Độ đang dần hồi sinh sau thời gian dài ảm đạm vì đại dịch. Ảnh: Handout. |
Các đơn vị tổ chức đám cưới cũng cho hay công việc kinh doanh vốn giảm xuống còn 10-20% trong đại dịch hiện đã quay trở lại 100%.
"Lịch làm việc của tôi đã kín đến tháng 3/2022. Chúng tôi đang tổ chức khoảng 10 đám cưới mỗi tháng, trong đó một số là hoãn lại từ năm ngoái do dịch bệnh", Shradha Kudaisya, nhà tổ chức đám cưới tại Delhi, nói.
Đám cưới xanh
Nhiều người trong ngành đồng tình rằng các đám cưới theo xu hướng xanh ngày càng phổ biến ở Ấn Độ.
Vikaas Gutgutia, người sáng lập và giám đốc điều hành tại Ferns N Petals, một trong những đơn vị tổ chức sự kiện lớn nhất Ấn Độ, cho biết: “Những tháng đại dịch ảm đạm đã khiến chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc giảm lượng khí thải carbon. Đám cưới của người Ấn Độ nổi tiếng là xa hoa song cũng đồng nghĩa với việc có thể gây nguy hại đến môi trường. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cặp đôi đang lựa chọn 'đám cưới xanh'".
Công ty của Gutgutia đang tổ chức nhiều đám cưới như vậy, trong đó mọi thứ từ đồ ăn đến đồ trang trí, trang phục cô dâu hay thậm chí cả đồ trang sức đều hướng tới thân thiện với môi trường. Chủ nhân các đám cưới này cũng lựa chọn gửi thiệp mời online hay thiệp làm từ giấy tái chế.
"Chúng tôi cũng khuyên mọi người nên chọn tổ chức đám cưới trong vườn hoặc trang trại để tận dụng ánh sáng tự nhiên, vừa thân thiện với môi trường vừa tiết kiệm chi phí".
Những đám cưới xanh, thân thiện với môi trường đang được nhiều cặp đôi Ấn Độ lựa chọn. Ảnh: Ảnh: Handout. |
Đối với những cô dâu thuộc thế hệ Millennials lựa chọn trang sức bằng hoa thay vì vàng như truyền thống, công ty sẽ cung cấp các sản phẩm được làm thủ công từ hoa tươi như hoa hồng hay hoa lan.
Ngoài ra, tiệc buffet, một trong những nguyên nhân gây lãng phí lớn nhất trong các đám cưới ở Ấn Độ, sẽ được chế biến từ các sản phẩm hữu cơ trồng tại địa phương để hạn chế việc phải vận chuyển thực phẩm quá xa.
Gutgutia cho biết thêm các loại dao kéo có thể phân hủy sinh học được làm từ chuối và tre, hay việc bố trí các thùng rác thông minh để phân loại rác ướt và khô cũng sẽ giúp giảm thiểu suy thoái môi trường.
Megha Kakkar, chuyên gia tổ chức đám cưới ở Mumbai, cho biết có hơn 10 triệu đám cưới diễn ra ở Ấn Độ mỗi năm và thường để lại "hàng núi rác, dao kéo nhựa cũng như hoa đã qua sử dụng, thực phẩm lãng phí".
"Tôi đang lên kế hoạch tổ chức cho ít nhất 6 đám cưới xanh trong mùa này, nơi các cô dâu chú rể đặc biệt yêu cầu giải quyết vấn đề rác thải hoa và thực phẩm. Những bông hoa sẽ được đem đi ủ phân, thức ăn thừa sẽ được gửi đến các mái ấm dành cho người già và trẻ mồ côi ở địa phương".