Giải Ngoại hạng đứng đầu về doanh thu từ bản quyền truyền hình, sân bóng đẹp, CĐV tuyệt vời, các trận đấu đầy hấp dẫn… Nhưng tất cả những điều đó dường như chẳng giúp ích gì cho đội tuyển Anh. Tệ hơn, các ngôi sao nước ngoài mới là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ giải đấu này.
Premier League là giải đấu đóng góp số lượng cầu thủ nhiều nhất cho ngày hội bóng đá năm 2014, con số chính xác là 110 cái tên. Hầu hết những người trên đều là trụ cột ở các đội tuyển quốc gia của họ. Nếu tính cả những cầu thủ đã từng chơi ở giải Ngoại hạng, con số sẽ lớn hơn rất nhiều. Chỉ 3 quốc gia không có thành viên nào đang chơi bóng ở nước Anh là Italy, Nga, Thụy Sỹ. Trong đó tuyển Nga "bế quan tỏa cảng" với nước ngoài, Italy xưa nay vẫn ưa dùng “hàng nội”. Thụy Sỹ lâu vốn chuộng Bundesliga.
Premier League không phải là cái nôi nuôi dưỡng tài năng người Anh. Ảnh: Getty Images. |
Sự xâm lấn này cho thấy chất lượng của giải Ngoại hạng, nhưng mấy người Anh vui vì điều đó. Khi hàng tuần họ bỏ tiền để nuôi dưỡng, chiêm ngưỡng những ngôi sao ngoại quốc tỏa sáng. Giá mà không có Euro hay World Cup có lẽ người Anh hoàn toàn có quyền tự hào vỗ ngực về sức mạnh của họ. Có lẽ giờ họ phải chấp nhận một thực tế chua chát: Premier League là nơi nuôi dưỡng và nâng tầm các ngôi sao nước ngoài.
Ronaldo là một “siêu nhân”, nhưng trước khi hoàn thiện ở Bernabeu, anh đã được dạy những kỹ năng cần thiết ở Premier League. Không quá khi nói rằng, M.U không chỉ nâng tầm trình độ CR7, mà còn góp phần đưa thương hiệu của siêu sao này lên đẳng cấp mới. Hà Lan bay cao chủ yếu dựa trên đôi cánh Persie - Robben. Cả hai đều đang và đã thi đấu ở Anh. Tính cạnh tranh ở môi trường Premier League đã đưa họ từ dạng tiềm năng lên ngôi sao.
Balotelli người đánh gục Joe Hart trong ngày ra quân bằng một sản phẩm chất lượng cao chỉ có ở Premier League: đánh đầu. Không mấy người Anh ưa Balotelli, nhưng đâu có hề chi, anh mang 3 điểm về cho đội tuyển quê hương bằng vũ khí được người Anh đào tạo.
Hôm qua, tới lượt Suarez trừng phạt nơi anh tỏa sáng hàng tuần. Màn trình diễn của Vua phá lưới Premier League hoàn toàn thuyết phục và ở 1 đẳng cấp rất cao. Ngoài ra, cầu thủ đang khoác áo Fulham Bryan Luiz cũng là người đặt dấu mốc cho đội tuyển Anh bị loại sớm với pha đánh đầu trong trận Costa Rica thắng Italy 1-0. Nói Premier League là nơi ươm mầm tài năng cũng đúng mà bảo rằng người Anh "nuôi ong tay áo" cũng không sai.
Suarez dùng chính những kỹ năng của người Anh để Tam sư. Ảnh: Getty Images. |
Nếu như 4 năm trước, Forlan (cũng từng chơi bóng ở Premier League) gần như một mình đưa Uruguay đến bán kết. Thì năm nay đến lượt Suarez, 1 Suarez hoàn thiện ở mọi kỹ năng. Trước khi đến Liverpool, anh đã nổi tiếng nhưng ở một tầm thấp hơn trong màu áo Ajax. Ba năm ở Liverpool, anh tiến bộ vượt bậc, và trở thành sát thủ toàn năng. Suarez có được như ngày hôm nay hoàn toàn nhờ Premier League, do anh chưa từng đá Champions League.
Nghịch lý ở chỗ chỉ Premier League mới có sự phát triển bất tương đồng với đội tuyển quốc gia. Nhìn sang La Liga, Bundesliga, Serie A, thậm chí Ligue 1 mà thấy buồn cho Tam sư. Đế chế Tây Ban Nha được tạo dựng từ chính cơ sở La Liga, Italy tuy không còn mạnh nhưng luôn nằm trong Top những ứng cử viên nặng ký. Bóng đá Đức đồng nhất từ CLB đến đội tuyển. Pháp cũng luôn có những ngôi sao cạnh tranh Bóng vàng.
Sự phát triển của Premier League mang lại nhiều niềm vui cho hàng tỷ người trên thế giới hàng tuần. Đó là nơi tụ hội những tài năng xuất sắc, những QBV của hiện tại và tương lai. Song chính những người con quê hương đảo quốc sương mù lại không nhận được ân huệ đó. Nếu Tam sư tiếp tục gieo sầu cho người hâm mộ quê nhà như thế này, chưa biết chừng 1 thời gian nữa sẽ chẳng có người Anh nào xem World Cup hay Euro. Đơn giản vì họ chẳng biết sẽ cổ vũ cho ai.