Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người bắn pháo sáng làm cổ động viên nhập viện có thể bị xử lý hình sự

Các luật sư nhận định cổ động viên bắn pháo sáng trên sân vận động có thể bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự nếu làm người khác bị thương.

Liên quan vụ cổ động viên bắn pháo sáng trên sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) làm một fan nữ phải nhập viện và một cảnh sát bị thương, Công an quận Đống Đa đang truy tìm người đốt pháo để xử lý.

Bệnh viện Xanh Pôn cho hay nữ nạn nhân tổn thương đùi trái, bị bỏng nặng và vết bỏng vào tới xương. Nhiều khả năng bệnh nhân phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật để xử lý vết thương.

Bị phạt tối đa 2 triệu

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết theo Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP quy định, pháo sáng không được phép sử dụng vì tính chất khó dập tắt, gây bỏng cấp độ 4.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, thì cổ động viên sử dụng pháo sáng đốt hay bắn trên sân khi xem bóng đá sẽ bị xử phạt.

Dot phao sang tren san van dong anh 1
Pháo sáng xuất hiện khiến trận đấu bị gián đoạn. Ảnh: Kiệt Trần.

Theo đó, hành vi sử dụng các loại pháo không được phép thì bị phạt hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.

Ông Thơm cho hay pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng pháo sáng bắn vào người khác là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe của người khác. Hậu quả xảy ra đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó.

Cổ động viên bắn pháo sáng từ khán đài B sang khán đài A làm một cô gái bị bỏng. Một cảnh sát khi vào dập tắt pháo cũng bị thương. Việc làm này của người bắn pháo đã gây mất trật tự nơi sân vận động và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác.

Hành vi của người bắn pháo trên đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt gồm cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù chung thân.

"Tỷ lệ thương tích của người bị hại là căn cứ xử lý người gây ra hậu quả, tương ứng với định khung hình phạt", ông Thơm nhấn mạnh.

Bị xử lý nhiều tội

Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Thạch (Giám đốc Công ty luật Hà Dương) chỉ ra rằng pháo sáng mà cổ động viên hay sử dụng khi cổ vũ trận đấu là một loại pháo nổ.

Đây là một loại hàng cấm buôn bán, tàng trữ và sử dụng theo Chỉ thị số 406-TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo và Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý buôn bán, sử dụng pháo.

Theo Điều 191 Bộ luật Hình sự, người nào tàng trữ từ 6 kg pháo nổ trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Hình phạt áp dụng gồm phạt tiền từ 50 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 10 năm.

Nếu xác định chỉ đốt pháo sáng trong sân vận động thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, theo Điều 318 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt gồm phạt tiền từ 2 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

Dot phao sang tren san van dong anh 2
Nữ cổ động viên bị bỏng, phải nhập viện do trúng pháo sáng. Ảnh: Kiệt Trần.

Trường hợp đốt pháo sáng gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác, tùy vào hậu quả để lại, có thể bị xử lý thêm tội Cố ý gây thương tích.

Ngoài ra, nếu đốt pháo trên sân mà gây thiệt hại về tài sản thì có thể bị xử lý thêm tội Cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản, theo Điều 178 Bộ luật Hình sự. Đi kèm chế tài hình sự, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại gây ra.

Về trách nhiệm của đơn vị tổ chức trận đấu, ban tổ chức để xảy ra tình trạng đốt pháo thì sẽ bị phạt tiền 20-70 triệu đồng theo quy chế của VFF.

Công an truy tìm người bắn pháo sáng trúng cổ động viên nữ

Công an Hà Nội đã yêu cầu lực lượng chức năng truy tìm người bắn pháo sáng trên sân Hàng Đẫy trúng một cổ động viên nữ khiến nạn nhân nhập viện.

Hồng Đăng - Đỗ Hải

Bạn có thể quan tâm