Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người bắn phát B40 đầu tiên trận cầu Rạch Chiếc

Trung úy Nguyễn Đức Thọ, người bắn phát B40 mở màn trận cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giờ đây sống giản dị với công việc giữ xe ở gần nhà.

Dù qua lại hàng ngày nhưng ít người biết Nguyễn Đức Thọ - người trông xe của UBND phường 4 (quận 8, TP HCM), là người nổ phát súng B40 đầu tiên trong trận đánh cầu Rạch Chiếc của Lữ đoàn đặc công - Biệt động 316, mở đường cho đại quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn. 
Gần 40 năm qua đi, người trung úy đang có một cuộc sống bình yên. Hàng ngày ông đạp xe từ nhà đến UBND cách chưa đầy một cây số để làm việc.
Ông Thọ thuê lại bãi xe của UBND để cùng vợ (Đỗ Thị Cư, 54 tuổi) trông giữ cho khách, trang trải cuộc sống hàng ngày. Vợ chồng ông sống cùng 4 người con đã có công ăn việc làm. Riêng cô con gái út sức khỏe không tốt nên gia đình có phần vất vả.
Cán bộ làm việc tại UBND và người dân đến liên hệ công tác đều quen thuộc với hình ảnh người giữ xe thân thiện, nhiệt tình. Chị Hoa - Phó bí thư phường 4 vui vẻ: "Mọi người đều quý mến anh vì sự tận tụy trong công việc".
Thời gian rảnh rỗi ông Thọ xem lại những tư liệu về cuộc chiến ngày xưa để ôn lại nhiều kỷ niệm vui buồn cùng đồng đội. Người cựu chiến binh vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử tháng 4/1975. Đúng giờ G, người lính này đã bắn quả B40 đầu tiên. Sau đó, các mũi tiến công đồng loạt tấn công vào lô cốt... 
Được vinh danh vào sử sách là điều thiêng liêng nhất với ông. Trung úy tự hào chia sẻ, cầu Rạch Chiếc là trận đánh mở đường, tạo bàn đạp cho cánh quân phía  Đông của Chiến dịch hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn.
Ông vẫn thường kể về các trận đánh năm xưa với các bạn trẻ trong xóm hoặc trong những buổi được mời đi trò chuyện.
Niềm vui lớn của ông là họp mặt cùng đồng đội cũ của Lữ đoàn đặc công 316.  
Một trong những hoạt động ý nghĩa lớn mà ông vẫn tham gia hàng chục năm qua là đi kêu gọi và hỗ trợ tìm lại hài cốt các đồng đội hy sinh trong cuộc chiến. Trong trận đánh, đội của ông hy sinh 52 người nhưng đến nay mới tìm được 9, trong đó chỉ 2 người đã biết chính xác danh tính.
Tìm lại đồng đội cũng là ước nguyện lớn trong cuộc đời của ông.
Bên cạnh những công việc thường ngày, với tài khéo léo ăn nói ông còn thường xuyên làm người dẫn chương trình cho các sự kiện họp mặt, các hoạt động của hội.
Ngày 4/4 vừa qua ông làm người dẫn chương trình chính cho sự kiện họp mặt các chiến sĩ, cựu binh lữ đoàn đặc công 316 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

5 ngày thần tốc thống nhất đất nước

11h30 ngày 30/4/1975, chiến dịch ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam kết thúc. Sau 21 năm chia cắt, đất nước hoàn toàn thống nhất.

Hải An

Bạn có thể quan tâm