Người béo phì nên ăn Tết thế nào?
Người Việt mình nói ăn Tết, ít ai nói chơi Tết. Vậy, “ăn” sao cho không quá đà, sao cho vẫn “khỏe re” sau những ngày Tết?
Dưới đây là bài viết của ThS.BS Trần Quốc Cường - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:
Trong thời đại ngày nay, khi thức ăn đầy đủ thì mọi người lại có nhiều nguy cơ bệnh tật liên quan đến ăn uống. Do đó, chúng ta cần thay đổi một số thói quen liên quan đến ăn uống để giữ gìn sức khỏe cho mình, nhất là trong những ngày Tết.
Người béo phì: chỉ cần không tăng cân
Người béo phì, dư cân cũng có nhu cầu thưởng thức Tết như mọi người. Do đó không cần đặt mục tiêu giảm cân trong dịp Tết, chỉ cần không tăng cân là được.
- Không nhịn ăn đến mức quá đói, bởi cảm giác đói có xu hướng làm người bệnh ăn mất kiểm soát. Khi đường trong máu hạ đến mức thấp nhất sẽ kích thích cơ thể tiết ra nội tiết tố tăng glucose máu là glucagon…làm cho cơ thể có xu hướng phải ăn nhiều vào để giúp tăng đường huyết cân bằng trở lại. Do đó nếu ăn ít trong bữa chính, có thể ăn thêm bữa phụ chứ đừng nhịn đói.
- Tăng cường rau trong thực đơn: trong ngày tết có rất nhiều món rau hấp dẫn như khổ qua, măng hầm, bánh tráng cuốn, củ kiệu…
- Không ăn no hoàn toàn, ăn no đến khoảng 80% là vừa.
- Nên ăn uống trước khi đi đến thăm nhà họ hàng, bạn bè, do trong các ngày Tết, mọi người thường có xu hướng dọn nhiều món ăn ngon để đãi bạn bè, họ hàng, rất dễ khiến bạn nạp nhiều năng lượng hơn mức cần thiết.
- Hạn chế uống nước giải khát có đường, không chỉ nước ngọt mà cả các loại trà có đường, nước yến, tăng lực… Nên ưu tiên dùng nước suối, trà xanh không đường, trà gừng không đường, soda không đường, nước ngọt dạng diet, zero calori; nếu có uống bia, nước ngọt thì nhớ thêm đá vào cho loãng bớt ra và uống chậm.
- Ăn vặt các món ít năng lượng, tốn nhiều thời gian ăn như trái cây, rau câu, hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương… vừa tốt cho sức khỏe vừa ít năng lượng.
- Không để bị xiêu lòng trước lời mời mọc, khích tướng, chọc ghẹo của bạn bè, cũng đừng tỏ ra kiêng cử quá mức mà ăn uống hòa đồng với mọi người nhưng biết kiểm soát tổng lượng ăn vào của từng món.
Các món đề xuất trong ngày tết cho bệnh nhân béo phì: bánh tráng cuốn thịt nạc luộc, trứng luộc, măng hầm; mì trứng xào tôm, nấm, và rau cù; cá hấp hay nướng cuốn bánh tráng; tôm hấp…
Ăn nhiều rau xanh rất tốt cho sức khỏe, nhất là với những người bị béo phì và đái tháo đường - Ảnh: Thanh Đạm. |
Ăn uống ngày tết cho người bệnh đái tháo đường
Bài toán đặt ra ở người bệnh đái tháo đường là kiểm soát được đường huyết. Để kiểm soát tốt đường huyết, cần kiểm soát sức tải đường huyết chứ không nhất thiết là chỉ số đường huyết.
Sức tải đường huyết được tính bằng cách lấy chỉ số đường huyết nhân cho trọng lượng thức ăn. Nếu thức ăn có chỉ số đường huyết cao mà ăn ít thì cũng gây tăng đường huyết bằng với thức ăn có chỉ số đường huyết thấp mà ăn với lượng nhiều.
Dưới đây là nguyên tắc ăn uống trong ngày Tết ở người mắc đái tháo đường:
- Có thể ăn tất cả các món có chỉ số đường huyết cao trong ngày Tết như bánh, mứt, nước ngọt, bánh tét, bánh chưng… nhưng ăn với lượng ít, hoặc ăn chung với rau, trái cây để các thực phẩm này được hấp thu hoàn toàn hoặc giảm bớt lượng tinh bột khác và có thể giảm bớt tinh bột trong bữa ăn chính để đảm bảo giữ tổng lượng tinh bột tiêu thụ mỗi ngày.
- Nên ăn bữa chính nhỏ và ăn thêm bữa phụ. Chia nhỏ bữa ăn không chỉ giúp ổn định đường huyết mà còn giúp dễ tiêu hóa bữa ăn, tránh đầy bụng, khó tiêu.
- Nên ăn nhiều bưởi, quít, táo, các loại rau có độ nhớt cao ví dụ như đậu bắp, mồng tơi…để cung cấp đủ chất xơ hòa tan. Chất này giúp tạo một lớp gel bao bọc thức ăn trong dạ dày và ruột non, giúp làm chậm quá trình di chuyển, tiêu hóa và hấp thu thực phẩm tại ruột non, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Chất xơ hòa tan cũng giúp đào thải cholesterol nội sinh thông qua cơ chế ngăn tái hấp thu acid mật theo chu trình gan ruột.
- Nên chủ động ăn đúng bữa để ổn định đường huyết đặc biệt là đối tượng dùng thuốc hạ đường huyết và tiêm insulin để tránh tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết. Do đó nên ăn uống trước khi đi thăm bạn bè họ hàng, đặc biệt là những người tiêm insulin.
Bảng ví dụ lượng thực phẩm cho một bữa chính và bữa phụ cho người béo phì và đái tháo đường: Tính cho thực đơn 1.200 Kcal, bữa chính nên chiếm 30% tức khoảng 360 Kcal, bữa phụ nên chiếm 5% tức khoảng 60 Kcal.
Món |
Trọng lượng |
Năng lượng |
Dùng cho bữa |
Bánh chưng, bánh tét |
100 gram (khoảng 1 lát bánh tét hoặc 1/10) cái bánh chưng) |
360 Kcal |
Bữa chính |
Cuốn bánh tráng |
120 gram (khoảng 3-4 cuốn trung bình) |
360 Kcal |
Bữa chính |
Cơm với thịt kho trứng |
1 chén cơm lưng 1 miếng thịt kho và ½ quả trứng |
360 Kcal |
Bữa chính |
Cơm với canh khồ qua dồn thịt |
Cơm 1 chén lưng 1 trái khổ qua dồn thịt. |
360 Kcal |
Bữa chính |
Cơm với lạp xưởng chiên |
1 chén cơm lưng 2/3 cây lạp xưởng |
360 Kcal |
Bữa chính |
Mứt bí đỏ |
30 gram |
59 Kcal |
Bữa phụ |
Mứt cam có vỏ |
30 gram |
65 Kcal |
Bữa phụ |
Mứt chuối |
30 gram |
65 Kcal |
Bữa phụ |
Mứt dứa |
30 gram |
62 Kcal |
Bữa phụ |
Mứt đu đủ |
30 gra |
53 Kcal |
Bữa phụ |
Bưởi |
200 gram (7 múi) |
60 kcal |
Bữa phụ |
Dưa hấu |
400 gram (3 miếng) |
64 kcal |
Bữa phụ |
Quít |
150 gram (2 trái) |
57 kcal |
Bữa phụ |
Bánh bông lan cuốn |
15 gram (1/2 khoanh) |
80 Kcal |
Bữa phụ |
Nước ngọt lon Coca |
½ lon |
60 Kcal |
Bữa phụ |
Bia |
½ lon |
60 Kcal |
Bữa phụ |
Theo Tuổi trẻ