Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người bị mỡ máu cao nên ăn gì ngày Tết?

Chế độ ăn uống cân đối, hợp lý có thể giúp người mỡ máu cao ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Những bữa cơm, tiệc tùng ngày Tết với rất nhiều đồ ăn giàu năng lượng, chất béo, chất đạm, tinh bột, ít chất xơ dẫn đến tăng nguy cơ mắc thừa cân, béo phì và đặc biệt bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu hay còn gọi là “tăng mỡ máu”.

TS.BS Ngô Thị Phượng, khoa Nội tiết (A14), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid máu cần có chế độ ăn phù hợp, cân đối về thành phần dinh dưỡng là rất quan trọng, giúp làm giảm lipid máu. Việc này có thể ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Dưới đây là một số nguyên tắc về việc lựa chọn thực phẩm và cách chế biến thức ăn cho những bệnh nhân rối loạn lipid máu.

Giảm lượng chất béo (lipid) ăn vào

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Ở người bình thường khỏe mạnh, lượng chất béo khẩu phần ăn vào chiếm từ 22-25%/tổng năng lượng. Đối với bệnh nhân rối loạn lipid máu, tỷ lệ này nên chỉ chiếm 15-20%. Chất béo trong thực phẩm được chia thành 2 dạng là chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa.

TS.BS Ngô Thị Phượng cho hay chất béo bão hòa hay còn gọi là “chất béo xấu” làm tăng cholesterol toàn phần, tryglycerid máu, LDL - cholesterol. Loại chất béo này thường có nhiều trong một số thực phẩm như: Thịt ba chỉ, mỡ động vật (mỡ lợn, mỡ bò…), thịt các loại gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng), chế phẩm từ sữa (bơ, phô mát, kem, bánh kẹo, mứt…).

Ngược lại, chất béo chưa bão hòa hay “chất béo tốt” giúp làm giảm cholesterol, tryglycerid, ngăn ngừa mảng xơ vữa. Hai dạng điển hình của “chất béo tốt” mà chúng ta nghe nhiều nhất đó là omega 3 và omega 6. Các loại hải sản như: Cá trích, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá chép, cá trắm… là những thực phẩm giàu omega 3.

Các cây họ đậu là nguồn giàu omega 6: Đậu đen, đậu đỗ, đậu đỏ, đậu nành…. Ngoài ra, một số loại dầu thực vật cũng giàu omega 6 là dầu mè, dầu vừng, dầu hướng dương…).

Trong mâm cỗ ngày Tết thường có nhiều món chứa chất béo xấu như: Móng giò nấu măng, giò xào, thịt mỡ nấu đông, thịt lợn ba chỉ luộc, thịt dăm bông… Vì vậy, người dân cần hạn chế tiêu thụ những thực phẩm này.

Giảm lượng cholesterol trong khẩu phần

Ở người bình thường, lượng cholesterol ăn vào khuyến cáo 500-600 mg/ngày. Đối với bệnh nhân rối loạn lipid máu, lượng cholesterol nên sử dụng là <300 mg/ngày. Người bệnh nên hạn chế ăn những thực phẩm giàu cholesterol như: Phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, chiên, rán.

"Nhiều bệnh nhân quan niệm rối loạn lipid máu không nên ăn trứng, dẫn đến việc kiêng hoặc thậm chí không bao giờ ăn trứng. Quan điểm này hoàn toàn sai. Lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol nhưng cũng có chất lecethin giúp hấp thu và chuyển hóa đến 60-70% lượng cholesterol này. Vì vậy, bệnh nhân rối loạn lipid máu vẫn có thể ăn được trứng. Khuyến cáo của các Viện Dinh dưỡng nên ăn từ 3-4 quả/tuần", TS Phượng nói.

Dưới đây là hàm lượng cholesterol trong một số thực phẩm:

Tên thực phẩm Lượng cholesterol (mg/100 g)
Óc bò 3.010
Óc lợn 2.200
Lòng đỏ trứng 2.000
Bầu dục bò 411
Bầu dục lợn 320
Gan gà 345
Gan lợn 300
Dạ dày 233
Tim lợn 150

Tăng cường chất xơ

Chất xơ trong rau củ, trái cây giúp làm chậm hấp thu lipid vào máu và giảm lipid máu. Ngoài ra, chất xơ khi vào dạ dày sẽ cùng với thức ăn được chuyển hóa sẽ làm tăng khối lượng phân chống táo bón.

Tăng cường thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất chống oxy hóa

Một số thực phẩm giàu vitamin A (các loại rau, hoa quả màu đỏ, xanh đậm: Cà chua, cà rốt, ớt chuông đỏ, bí đỏ, rau dền, cải thảo, rau ngót, đu đủ, xoài, chuối…). Vitamin C có nhiều trong các cây họ có múi (bưởi, cam, quýt), cần tây, rau mùi, dưa hấu.

Mo mau cao anh 1

Những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid máu cần có chế độ ăn phù hợp, cân đối về thành phần dinh dưỡng là rất quan trọng, giúp làm giảm lipid máu. Ảnh: The Independent.

Uống đủ nước

Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo mỗi người nên uống 40 ml nước/kg/ngày. Ví dụ, người 50 kg nên uống khoảng 2 lít nước/ngày.

Hạn chế rượu bia, nước ngọt, thuốc lá

Ngày Tết, chúng ta khó tránh được bia, rượu. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế bia rượu góp phần giảm nguy cơ gia tăng biến chứng với bệnh nhân rối loạn lipid máu: Bệnh mạch vành, đột quỵ…

Cách chế biến thực phẩm

TS Phượng cho hay bạn nên lựa chọn những thực phẩm hấp, luộc, tránh những thực phẩm đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ.

Bệnh nhân rối loạn lipid máu cần tuân thủ nghiêm chế độ ăn, đặc biệt là vào những ngày Tết có nhiều cuộc liên hoan, nhiều đồ ăn không tốt cho sức khỏe. Việc tuân thủ chế độ ăn và biết cách chọn món ăn góp phần giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các chỉ số như cholesterol, tryglicerid máu, hạn chế biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

Căn bệnh khiến bé trai đột ngột liệt tứ chi sau 3 ngày

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc bệnh viêm tủy cắt ngang tương đối hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 1/1.000.000. Đây là ca đầu tiên được thay huyết tương tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm