Chia sẻ với Zing.vn tối 12/8, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó giám đốc Công ty luật Hòa Lợi – người được ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, ở Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh) ủy quyền cho biết, vừa soạn thảo xong đơn đề nghị bồi thường cho người mang án tử 46 năm để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, mức bồi thường được ông Hòa đưa ra là hơn 12 tỷ đồng.
Theo tính toán của ông Hòa, việc bồi thường cho ông Thêm được tính thành 2 giai đoạn. Giai đoạn bị giam giữ, ở tù tính từ ngày 23/7/1970 đến ngày 30/2/1976 là 2.010 ngày, ông Hòa yêu cầu được bồi thường hơn 1,1 tỷ đồng (bao gồm các khoản tổn thất tinh thần, mất thu nhập thực tế).
Giai đoạn tại ngoại từ 1/2/1976 đến 10/8/2016, người được ủy quyền yêu cầu bồi thường số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa (trái) chụp ảnh cùng cụ Thêm và người thân. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ngoài ra, ông Hòa còn đưa ra một khoản bồi thường khác gồm chi phí đi kêu oan, chữa bệnh khoảng 800 triệu đồng. Như vậy, tổng mức bồi thường oan sai của ông Thêm là hơn 12,1 tỷ đồng.
“Con số này đã được chúng tôi tính toán cụ thể trên thực tế căn cứ theo Quyết định 11/C44-P3 ngày 8/8/2016 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Văn Thêm và công thư của Liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương công khai xin lỗi cụ ngày 11/8 vừa qua; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…”, người đại diện ủy quyền cho biết.
Được biết sau buổi công khai xin lỗi diễn ra ngày 11/8 tại Hội trường trung tâm hành chính huyện Yên Phong, sức khỏe người bị oan sai khá hơn rất nhiều. Gương mặt cụ luôn rạng rỡ, tươi cười.
Chị Trần Thị Xuân (59 tuổi, con gái cụ Thêm) cho biết: “Vấn đề bồi thường thì tôi không rõ, anh Hòa là người được gia đình tin tưởng, ủy quyền, anh ấy tính như nào chúng tôi nghe như vậy”.
Tiếp lời chị Xuân bảo: “Trước hôm bố được minh oan, công khai xin lỗi, mọi người trong nhà ai cũng không ngủ được. Cuối cùng bố tôi cũng trút được nỗi hàm oan đeo bám mấy chục năm nay. Giờ đi ngủ ông cũng không phải dung tay vuốt đầu cho bớt đau nữa. Điều gia đình tôi hi vọng lúc này là hàn gắn được tình cảm với gia đình chú Văn.”.
Theo hồ sơ tố tụng, đêm 23/6/1970, hai anh em ông Thêm mua hàng về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên họ vào chòi cắt tóc ven đường để ngủ. Khoảng 1h ngày hôm sau, khi đang lơ mơ ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập nhát búa vào đầu ông.
Linh tính bị cướp, ông kêu lên, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu người em tên Văn nằm cạnh đó. Nghe tiếng kêu cứu trong đêm, người dân đưa anh em ông Thêm vào trạm xá xã Đông Tĩnh rồi sau đó chuyển lên bệnh viện huyện Tam Dương. Khi chuyển tiếp đến Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phú thì người em đã chết.
Các cơ quan tố tụng ở Vĩnh Phú sau đó cho rằng ông là hung thủ giết người. Tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8/1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản.
Sau nhiều năm kêu oan, đêm 30 Tết năm 1976, ông Thêm được bác sĩ ở Bộ Công an cấp một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. Khi đó, tổng thời gian ông ở trại tạm giam là 5 năm 6 tháng 7 ngày.