Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người bị tuyên tử hình trong vụ Dương Chí Dũng kháng cáo

Là bị cáo bị tuyên án tử hình – cùng mức án với Dương Chí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc tiếp tục kêu oan trong đơn kháng cáo.

"Mong muốn tìm ra sự thật giúp minh oan"

Trong lá đơn kháng cáo, Mai Văn Phúc (56 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Vinalines) – người bị HĐXX ở phiên sơ thẩm tuyên tử hình về tội Cố ý làm trái gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và Tham ô tài sản khẩn thiết đề nghị cấp tòa phúc thẩm xem xét chỉ đạo làm rõ để tìm ra sự thật, bản chất của vụ án.

"Tội danh tham ô tài sản, đại diện VKS tại tòa sơ thẩm đưa ra 2 căn cứ để buộc tội tôi là đã gặp ông Goh Hoen Seou– công ty AP Singapore một lần; theo lời khai của Trần Hải Sơn là đã đưa cho tôi 10 tỷ bằng ba lần. Cả hai điều trên tôi giải trình là không đúng, không có thật, hoàn toàn là sự man trá của Trần Hải Sơn, bởi mọi thỏa thuận ăn chia về khoản tiền 1,66 triệu USD theo kết quả của cơ quan CSĐT được nêu tại trang 16 và 18 của cáo trạng được thực hiện từ trước khi tôi về nhậm chức Tổng giám đốc", lá đơn kêu oan có đoạn.

Ngoài ra, nguyên chủ tịch Vinalines cũng kêu oan tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước.

Ông Phúc trình bày, việc làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về địa điểm xây dựng dự án nhà máy, chưa được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể ở thời điểm ông về nhậm chức Tổng giám đốc Vinalines. "Tôi không chỉ đạo việc hợp thức hóa hồ sơ. Việc này trước tòa sơ thẩm, Trần Hữu Chiều và các bị cáo khác cũng đã thừa nhận", ông Phúc viết.

Kết thúc đơn, ông Phúc khẳng định “không liên quan và không biết gì về khoản tiền 1,66 triệu đồng tham ô”. 

Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm.

"Mức án quá nặng"

Cả ba lá đơn chống án của Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) cùng bị tuyên án 8 năm tù Cố ý làm trái quy định Nhà nước và Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines, bị tuyên 19 năm tù Cố ý làm trái và tham ô tài sản) đều cho rằng mức án sơ thẩm là quá nặng, đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và mức bồi thường thiệt hại.

“Bị cáo không có động cơ vụ lợi cá nhân trong vụ án này. Trong quá trình công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu các cấp trao tặng, có anh trai là thương binh hạng ¾, bản thân đang mắc phải bệnh thoát vị đĩa đệm đi lại rất khó khăn”, ông Triện trình bày trong đơn.

Trong lá đơn kêu oan phủ kín 18 trang giấy A4, với lối viết kể lể, Trần Hữu Chiều đã liệt kê hàng loạt các văn bản, trình bày từ thời gian bắt đầu được bổ nhiệm chức phó Tổng giám đốc Vinalines, Trưởng ban quản lý dự án đến khi hoàn thành dự án mua ụ nổi 83M.

“Qua sự việc thực hiện Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam và Dự án đầu tư mua ụ nổi, bị cáo đã nhận thấy những sai phạm của mình, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện khắc phục hậu quả… Bị cáo thấy mức án 9 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nặng quá. Mong tòa xem xét để bị cáo có cơ hội trở về với gia đình, hòa nhập với xã hội”, ông này viết trong đơn.

Cuối đơn, ông này trình bày hoàn cảnh gia đình bố mẹ hiện đang ốm yếu do không chịu được dè bỉu của hàng xóm, phải vào TP.HCM sinh sống với con thứ. “Bị cáo là con lớn nên trách nhiệm phải phụng dưỡng bố mẹ là rất lớn, bây giờ phải chịu mức án cao và oan ức, bị cáo thấy bất hiếu với bố mẹ quá”, ông Chiều viết.

Ông này còn đưa ra lý do người vợ không có công ăn việc làm, con cái còn nhỏ, bản thân sức khỏe yếu, hết tuổi lao động nên không có nguồn thu nhập lớn, số tiền 39 tỷ đồng phải đền bù là "quá lớn, không thể thực hiện được".

Trước đó, một số người có liên quan đến vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô xảy ra tại Tổng công ty Vinalines cũng đã làm đơn kháng cáo.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm