15 năm kêu oan cho con
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Thuận, từ tháng 6/1997 đến tháng 4/1998, Huỳnh Văn Nén (SN 1962, làm thuê và ngụ tại thôn 2 xã Tân Minh, trình độ văn hóa lớp 5/12) đã trộm chiếc xe đạp, đồng hồ đeo tay đem thế chấp để uống rượu và tiêu xài; đốt nhà của 2 người vì thù tức cá nhân.
Đặc biệt, lúc 22h ngày 23/4/1998, sau khi uống rượu, Nén nảy sinh ý định đến nhà bà Lê Thị Bông (ngụ cùng xã Tân Minh) để trộm tài sản.
Khi vào được trong nhà, Nén định giết bà Bông để lấy tài sản nên đã choàng dây dù qua cổ bà Bông, siết mạnh. Bà Bông ngã ngửa xuống đất. Nén tiếp tục siết cho đến khi bà Bông không còn phản ứng rồi lột chiếc nhẫn vàng 1 chỉ 24K ở ngón tay nạn nhân.
Sau đó, Nén kéo mền đắp phủ từ ngực lên đầu bà Bông, tiếp tục lục soát tài sản nhưng không tìm được gì. Hôm sau, Nén kiểm tra lại chiếc nhẫn thì đã rơi đâu mất.
Ông Nguyễn Thận (trái) và ông Huỳnh Văn Truyện trên đường ra Hà Nội (Ảnh chụp tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). |
Năm 2000 TAND tỉnh Bình Thuận quyết định xử phạt bị cáo Huỳnh Văn Nén 2 năm tù về tội Cố ý hủy hoại tài sản của công dân, 3 năm tù về tội Cướp tài sản công dân và tù chung thân về tội Giết người. Tính đến nay, Nén đã thụ án hơn 15 năm.
Nhiều tình tiết bị bỏ qua
Vào thời điểm cơ quan điều tra thực nghiệm hiện trường, ông Nguyễn Thận cho biết rất đông người dân đến xem và cán bộ xã cũng được mời tham dự, mọi người đều chứng kiến nên biết rất rõ nhiều nội dung đã không được cơ quan điều tra và tòa án lưu ý khi buộc tội Huỳnh Văn Nén.
Ngay cả trong cáo trạng cũng ghi rất rõ “Phía hiên nhà (hiện trường vụ án - PV) phát hiện một dấu bàn chân không dép in hằn dưới cát, từ dấu chân này đến nhà chính 1,5 m. Dấu chân này do bàn chân phải để lại, có kích thước 23 x 9 cm, gót rộng 4,5 cm... Phía trong nhà phát hiện trên mặt ghế salon bọc da có 3 dấu chân không dép, in đất lên mặt ghế kích thước 22 x 8,5 cm, gót rộng 4 cm”.
Như vậy là có đến 2 dấu chân của 2 người khác nhau. Hơn nữa, CQĐT đã không so sánh trực tiếp dấu vết ở hiện trường với dấu chân của Nén nên khó để nói rằng đấy là vết chân của Nén và chỉ mình Nén giết bà Bông.
Đặc biệt hơn cả chính là việc trước phiên tòa xét xử Huỳnh Văn Nén vài ngày, từ trại giam Sông Cái (tỉnh Ninh Thuận), một phạm nhân tên là Nguyễn Phúc Thành (chuẩn bị hết thời gian thụ án ở một vụ án khác) là người cư ngụ tại xã Tân Minh đã báo cáo với cán bộ trại giam một thông tin rất quan trọng. Đó là bản thân Thành có tham gia vào việc đưa 2 người (là bạn thân của Thành) đi bán vàng lấy được từ vụ giết bà Lê Thị Bông. Nay mẹ Thành vào thăm, cho biết Nén chuẩn bị phải ra tòa vì tội giết bà Bông và có thể lãnh án tử hình nên Thành thấy áy náy, buộc phải báo cho cán bộ biết sự thật.
Nghe tin, mẹ của phạm nhân Thành liền về báo ngay cho chính quyền xã và ông Nguyễn Thận. Ông Thận liền có văn bản gửi cho lãnh đạo các cơ quan chức năng, như: Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an... nhưng suốt 13 năm qua, chưa có cơ quan chức năng nào, cả trung ương lẫn địa phương, về Bình Thuận để xác minh, làm rõ.
Không thể im lặng
Ông Nguyễn Thận cho biết sở dĩ ông dẫn ông Truyện đi vì ngoài những chứng cứ mà ông Truyện thu thập được thì chính thời gian làm chủ tịch UBND, ông cũng đã rất nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại vụ án này. Ông Thận cho biết để một nông dân 84 tuổi phải lặn lội kêu oan cho con là điều mà một cán bộ như ông rất cần phải suy nghĩ và không thể im lặng.