Đường phố New York mùa đại dịch vắng lặng không một bóng người. Tuy đang là mùa xuân, nhưng gần như không có ai ra ngoài bởi lo lắng bệnh dịch lây lan.
Con số thương vong khiến chúng ta phải giật mình: Số lượng người tử vong 1 ngày còn nhiều hơn các vụ sát hại trong 1 năm; tính đến nay, thiệt hại về người chết do dịch bệnh nhiều hơn gấp 4 lần so với vụ tấn công khủng bố vào ngày 9/11/2001 tại Mỹ.
Người chết ra đi, để lại phía sau là sự hy sinh thầm lặng đáng được gọi tên và vinh danh. Một trong số đó là ông Mohammed Jafor – một người cha đáng kính với câu chuyện đầy cảm động, theo CNN.
Con số thương vong tại Mỹ khiến người dân lo lắng hoảng sợ. Ảnh: Abcnews. |
Ông vốn là dân nhập cư Bangladesh sinh sống tại Mỹ. Với bản năng của một người cha, ông hàng ngày kiếm sống với nghề lái xe taxi, dành dụm tất cả cho con cái, mong chúng được học những nơi tốt nhất. Ông sẵn sàng làm mọi thứ để có được cuộc sống Mỹ như mơ ước. Nhưng Mohammed Jafor qua đời do Covid-19, để lại 3 đứa con mồ hôi trong căn hộ gần Gun Hill, Bronx.
Khi còn sống, Mohammed Jafor bắt đầu ngày làm việc của mình sau khi đưa con gái đến trường cấp 2 Trinity School tại Upper West Side, Manhattan. Ông chạy xe cả ngày rồi sau đó đón con tan học về nhà.
Sự nỗ lực, cố gắng của ông cuối cùng cũng được đền đáp. Sebeeha, con gái ông đã tiếp bước thành công của anh trai mình, Mahtab Shihab - đang học song song hai ngành kinh tế và sử học tại Đại học Harvard.
Mohammed Jafor và con trai Mahtab Shihab. Ảnh: CNN. |
Mahtab cho biết: “Ông ấy đã làm việc cả đời và hy sinh cho chúng tôi rất nhiều. Bố tôi không chỉ lái xe taxi, mà còn giao đồ ăn ở McDonald’s. Ông luôn lo toan cho gia đình và cả họ hàng ở quê nhà Bangladesh”.
Đây là câu chuyện quen thuộc của người nhập cư tại Mỹ. Xuất phát điểm khác nhau nhưng họ đều có chung một mục đích: muốn xây dựng cuộc sống tốt hơn, mong muốn con cái họ có nhiều cơ hội để phát triển hơn.
Mohammed Jafor bắt đầu cuộc sống Mỹ vào năm 1991. Ông sống trong căn hộ chật chội chung với rất nhiều người nhập cư khác tại Jackson Heights, Queens. Mohammed dành dụm tiền kiếm được và gửi về quê nhà cho bố mẹ. Sau đó ông trở về quê để kết hôn với Mahmuda Khatun – vợ ông và có một đứa con đầu lòng Mahbub Robin, sau đó quay lại New York.
Năm 2000, con trai thứ hai Mahtab Shihab chào đời tại bệnh viện Elmhurst – nơi hiện nay được coi là “vùng đất số không” của đại dịch Covid-19 – tâm dịch càn quét khiến nhiều người tử vong do nhiễm bệnh.
Người dân nhập cư luôn có chung mục đích, đó là mong muốn cuộc sống họ trở nên tốt đẹp hơn. Ảnh: Quartz. |
Ông Mohammed thường nói với các con rằng, gia đình ông luôn trân trọng cơ hội được đến Mỹ và thay đổi cuộc sống trở nên tốt hơn. Mahtab cho biết: “Bố tôi muốn đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, mong chúng tôi luôn tận dụng mọi cơ hội chúng tôi có để phát triển bản thân”.
Mohammed đã tìm hiểu chương trình phi lợi nhuận có tên “Prep for Prep”, cho phép những đứa trẻ có gia đình thu nhập thấp được học tại các trường tư thục bậc nhất tại New York vốn có học phí đắt đỏ. Mahtab đã bắt đầu học lớp 7 tại trường Trung học Trinity.
Yên ấm không lâu, bi kịch gõ cửa nhà Mahtab vào năm 2016, khi mẹ anh, bà Mahmuda đã qua đời vì ung thư. Cuộc sống thiếu vắng người phụ nữ đã rất chật vật, cho đến năm sau, Mahtab được nhận vào Đại học Harvard. Niềm vui kéo dài không lâu thì gia đình lại tiếp tục đón nhận bất hạnh.
Tháng 3/2020, Harvard đóng cửa do bệnh dịch và Mahtab trở về nhà. Mohammed Jafor đã tự cách ly tại nhà do ông có triệu chứng sốt nhẹ và khó thở sau khi đi làm về vài hôm trước. Các con đưa ông đến trung tâm y tế Montefiore để khám bệnh. Ông đã được điều trị và thở máy 1 tuần và sau đó qua đời ở tuổi 56.
Nhiều gia đình nhập cư lâm vào cảnh khốn khó khi dịch bệnh để lại nợ nần và lấy đi người thân yêu nhất. Ảnh: Shutterstock. |
Bạn bè Mahtab nghe tin và đến chia buồn cùng gia đình. Sau đó Will Cramer đã giúp anh kêu gọi quỹ từ thiện GoFundMe – giúp những người khó khăn về tài chính khi phải đối mặt với bệnh dịch, giống như gia đình anh đã phải trải qua.
Quỹ đã huy động được hơn 250 nghìn đô la Mỹ chỉ sau vài ngày thành lập. Điều đó đã khiến Mahtab cảm thấy được an ủi rất nhiều, khi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, những người không hề quen biết hay gặp mặt, nhưng họ vẫn chung tay giúp đỡ cộng đồng vượt qua khó khăn.
Quỹ từ thiện dần nhận được nhiều sự ủng hộ từ các mạnh thường quân. Mahtab cho biết: “Tôi nhận được trợ giúp từ chương trình học Prep for Prep từ trường Trinity và Harvard. Họ biết được chúng tôi đang vật lộn với các khó khăn về tài chính và muốn được giúp đỡ, thậm chỉ với cả những đứa trẻ mất đi cha mẹ do đại dịch”.
Cuộc sống liệu có trở lại binh thường sau bệnh dịch hay không?. Ảnh: Wired. |
Mahtab tâm sự rằng: “Tôi sẽ không còn cơ hội báo đáp công ơn của bố đã hy sinh cho gia đình, nhưng chúng tôi sẽ sống thật tốt, cố gắng gây dựng sự nghiệp mà bố đã cho chúng tôi bấy lâu nay".
Sự thật không thể chối cãi rằng, nước Mỹ, hơn nữa là các gia đình người nhập cư vẫn đang kiên cường chống chọi với virus quái ác. Kinh tế đang dần phát triển trở lại nhưng người thân yêu qua đời của họ thì sẽ mãi không quay trở về.
Nhưng người dân Mỹ, những đứa trẻ của Mohamed Jafor vẫn hy vọng bệnh dịch sớm qua đi, cuộc sống sẽ trở về quỹ đạo của nó, nước Mỹ sẽ lại tuyệt vời sau đại dịch.