Vào cuối năm 2014, trong lúc chơi đùa, em Võ Đức Nhật (lớp 7 Trường THCS Hòa Sơn, Đắk Lắk) đã dí súng cồn tự chế vào đầu em Trần Quốc Vương (lớp 6 cùng trường) và bóp cò, khiến nạn nhân tử vong.
Từ đó đến nay, mỗi năm đều có những vụ tương tự liên quan đến súng cồn, nhưng dường như hậu quả của nó vẫn chưa khiến mọi người rùng mình, khiếp sợ.
Súng cồn là vũ khí nguy hiểm
Được cho là "chuyên gia chế tạo súng cồn" ở Ninh Thuận, nhưng Phong đã tuyên bố "giã từ" thứ vũ khí này sau khi nhận ra sự nguy hiểm trong một lần bất cẩn.
Súng cồn có thể gây chết người nên không thể coi là đồ chơi bắn chim cò. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
“Hôm đó mình đưa cây súng đã để cả tháng trong nhà ra bắn thử và nó phát nổ, đạn chợt qua người, xuyên thủng mái tôn”, Phong rùng mình nhớ lại. Anh cho biết vì ngỡ trong súng không có cồn nên đã chủ quan và bóp cò.
Theo anh Phong, một chiếc súng cồn sẽ có buồng chứa nhiên liệu là cồn và hệ thống đánh lửa được tạo từ IC điện. Khi đã nạp nhiên liệu, "xạ thủ" bóp cò làm IC đánh lửa khiến cồn đốt cháy nhanh chóng tạo áp lực đẩy đạn ở nòng súng bay đi với tốc độ cao.
Súng cồn do người dân tự chế tạo và làm theo kiểu thô sơ nên không thể an toàn, trong khi súng có độ sát thương rất cao, nguy hiểm cho người chơi.
Năm 2015, ông Hà Văn Quê (56 tuổi) và ông Hà Văn Ót (45 tuổi, cùng ngụ tại Thanh Hóa) rủ nhau mang súng cồn tự chế vào rừng săn bắn. Trong lúc đi, ông Quê cầm súng không may bị ngã và cướp cò, viên đạn găm vào vùng nách ông Ót làm nạn nhân tử vong.
Buồng đốt súng cồn chỉ chế tạo từ ống nhựa PCV đơn giản nhưng lực bắn ra có thể gây chết người ở cự ly gần. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
“Thấy các thanh niên rầm rộ rủ nhau mua linh kiện về chế tạo súng cồn chơi mà sợ. Con gà chỉ một phát đạn là chết. Nếu bắn trúng người thì quá nguy hiểm. Cần phải cấm ngay loại súng mà ai cũng chế tạo được này”, anh Trần Duy, công chức tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, nói.
Có thể lãnh 5 năm tù
Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, cho biết đây là loại vũ khí nguy hiểm cần phải ngăn chặn, dẹp bỏ. Công an tỉnh Ninh Thuận đã mở chuyên đề phát động phong trào vận động, tuyên truyền, tự động giao nộp súng cồn tự chế đến từng địa phương.
“Chúng tôi đã phát hiện thu giữ rất nhiều súng cồn. Công an đã tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt 20 triệu đồng mỗi trường hợp nhưng tình trạng sử dụng súng cồn vẫn còn nhiều”, đại tá Ngọc nói.
Công an tỉnh Ninh Thuận đã mở chuyên đề để ngăn chặn việc mua bán, chế tạo, sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Luật sư Phan Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói rằng hành vi chế tạo, sử dụng súng cồn được quy định tại Điều 233 Bộ luật Hình sự (BLHS) về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.
Theo đó, người đủ 16 tuổi trở lên nếu vi phạm lần đầu sẽ bị phạt hành chính từ 20-40 triệu đồng theo Khoản 6, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép.
Nếu người từng phạm tội này, bị phạt hành chính hoặc bị kết án nhưng chưa xóa án tích mà tái phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo Khoản 1, Điều 233 BLHS.
Trong khi đó, theo luật sư, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1-5 năm nếu phạm tội có tổ chức, vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm theo Khoản 2, Điều 233 BLHS.