Hiểu đúng về chuyển giới
Bác sĩ Trịnh Văn Du - Chuyên gia Nam Học & Hiếm Muộn cho hay, hầu hết mọi người chỉ biết chuyển giới là việc biến đổi một người nam thành nữ và ngược lại. Tuy nhiên đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề này.
Chuyển giới là thuật ngữ chung cho những người có bản sắc giới tính, biểu hiện giới tính hoặc hành vi không phù hợp với giới tính sinh học mà họ có khi sinh ra. Đây là thuật ngữ rất rộng, bao gồm rất nhiều vấn đề từ khoa học hành vi, sức khỏe sinh sản, tâm lý học và xã hội học.
Theo bác sĩ Du, giới tính của con người được quyết định bởi nhiễm sắc thể ngay trong thời kỳ phôi thai và có sự phân biệt cơ bản về mặt xã hội sau khi ra đời. Sau thời kỳ dậy thì, do hormone trong cơ thể có sự khác nhau nên ở hai giới xuất hiện đặc trưng giới tính và tâm lý giới tính khác nhau. Lúc này người ta xác định giới tính bao gồm 5 khía cạnh: bộ nhiễm sắc thể, tuyến sinh dục, cơ quan sinh dục, hormone giới tính, tâm lý giới tính. Ở một cá thể bình thường, 5 khía cạnh này phải thống nhất. Lưỡng giới tính là trường hợp 5 khía cạnh trên không có sự thống nhất. Thông thường, lưỡng giới tính được chia thành hai loại: lưỡng giới tính thật và lưỡng giới tính giả.
Lưỡng giới tính thật là những người cơ thể đồng thời có cả hai tuyến sinh dục là buồng trứng và tinh hoàn.
Lưỡng giới tính giả gồm những người tuyến sinh dục và nhiễm sắc thể là nữ tính, nhưng cơ quan sinh dục và các đặc trưng giới tính là nam giới (lưỡng giới tính giả nam); hoặc tuyến sinh dục và nhiễm sắc thể là nam tính, nhưng cơ quan sinh dục và các đặc trưng giới tính lại là nữ giới (lưỡng giới tính giả nữ).
Có nhiều phân loại khác nhau nhưng đây là quan điểm được nhiều nhà khoa học thống nhất. Nó được thừa nhận bởi Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) và Hiệp hội Sức khỏe Chuyển giới Thế giới (WPATH).
Trong thực tế lâm sàng, bác sĩ thường gặp người lưỡng giới giả nhiều hơn lưỡng giới thật. Họ sống với kiểu hình nữ nhưng bộ nhiễm sắc thể là nam hay ngược lại. Có người như một người nữ bình thường, vẫn lấy chồng tuy nhiên không có kinh nguyệt, đến khi đi khám mới phát hiện ra mình có tinh hoàn nằm trong ổ bụng và có bộ nhiễm sắc thể của nam giới.
Xuất phát từ nhu cầu xác định lại giới tính cho nhóm đối tượng này mà ngành khoa học chuyển giới ra đời. Tuy nhiên ở nhiều nước trong đó có Việt Nam thì việc xác định lại giới tính thường do các nhà phẫu thuật nhi, các nhà niệu khoa, các nhà sản phụ khoa thực hiện.
Sau này do nhiều khía cạnh xã hội học khác xuất hiện những người mang hoàn toàn giới tính nam thật nhưng có xu hướng thích làm vợ hoặc thích đàn ông và ngược lại. Họ có thể cũng nằm trong nhóm người lưỡng giới hoặc không nằm trong những người lưỡng giới. Đây là khía cạnh xã hội học và tâm lý học. Tuy nhiên vì những người này có nguyện vọng được xác định lại giới tính về mặt xã hội nên họ đã đến với các nhà khoa học chuyển giới để thực hiện điều mong ước được làm giới tính xã hội thật của mình.
Có một số trường hợp thực hiện việc chuyển giới cho công việc của mình như điệp viên (Spy)... Một số nữa vì một lý do nào đó chuyển giới để thực hiện thiên chức của mình. Tại Thái Lan hay Nhật Bản từng ghi nhận nhiều trường hợp đàn ông góa vợ chuyển giới thành nữ để làm mẹ các con mình.
Người chuyển giới có sinh con được không?
Về vấn đề này, bác sĩ Du cho biết, vấn đề sinh sản của người chuyển giới cần phải phân ra nhiều tình huống khác nhau, tùy từng trường hợp.
- Trường hợp người chuyển biểu hiện giới tính được phẫu thuật và điều trị nội khoa. Họ chỉ có thể chuyển được kiểu hình khuôn mặt, bộ ngực, âm hộ, âm đạo, dương vật, làn da... chứ không thể cấy ghép được các bộ phận đặc thù để xác định giới tính.
“Một người đang từ nam chuyển sang nữ không thể có tử cung, buồng trứng hai bên, các hormone sinh dục nữ và bộ nhiễm sắc thể vẫn là của nam giới. Như vậy việc chuyển giới từ nam sang nữ hay ngược lại chỉ làm thay đổi kiểu hình bên ngoài và tâm lý giới tính nhưng không thể thay đổi được đặc tính về sinh sản và duy trì nòi giống”, bác sĩ Du phân tích.
- Trường hợp người chuyển biểu hiện giới tính được phẫu thuật một phần hoặc không thay đổi tâm lý giới tính. Họ chỉ thể hiện qua các biểu hiện như quần áo, hành vi, giọng nói hay các đặc điểm cơ thể. Nhóm này khá gần hoặc trùng lặp với nhóm người gay hay lesbian. Đơn cử như trường hợp một người gay mặc quần áo của nữ giới, trang điểm... để mình giống nữ. Những người này vẫn có bộ phận sinh dục nam bình thường. Trong trường hợp họ mong muốn có con thì vẫn quan hệ tình dục với nữ hay lesbian bình thường, vẫn làm người bố sinh học của con mình.
Sáng 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có quy định về chuyển đổi giới tính và các quyền, nghĩa vụ liên quan. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ đầu 2017.
Điều 37, Bộ luật này quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".