Zing.vn trích dịch bài viết trên AFP, South China Morning Post đề cập việc nhiều người trẻ tại một số nước châu Á đánh cược tính mạng khi tự phẫu thuật chuyển giới, sử dụng thuốc bất hợp pháp vì thiếu hiểu biết và bị kỳ thị.
Đau đớn. Sợ hãi. Suýt chết.
Đó là tất cả những gì Alice nhớ về lần tự phẫu thuật chuyển giới vào năm 16 tuổi.
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn phía đông Trung Quốc, nơi người chuyển giới từng bị xem là bệnh nhân tâm thần, Alice không dám nói với gia đình về ý định này.
9X đã tự phẫu thuật bằng một con dao mổ dựa vào những hướng dẫn xem được trên mạng. Nhưng mọi chuyện kết thúc ngay sau vết cắt đầu tiên. Cậu bé 16 tuổi quá đau và không thể tiếp tục.
Alice không đến bệnh viện và giấu kín mọi chuyện sau đó.
“Tôi quá tuyệt vọng, sợ hãi”, 9X nhớ lại.
Alice không phải trường hợp duy nhất đánh cược tính mạng để tự phẫu thuật. Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế vào đầu năm cho thấy tình trạng thiếu kiến thức “đáng báo động” và sự kỳ thị của xã hội đang khiến nhiều người chuyển giới trở nên liều lĩnh hơn.
Alice, người chuyển giới 23 tuổi, trên một chuyến tàu điện ngầm ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
"Công dân hạng hai"
Khi đã trở thành một nhà vận động chính sách ở tuổi 23, Alice thừa nhận việc mình từng làm quá dại dột và nguy hiểm.
Tuy nhiên, 9X nói ở thời điểm đó mình gần như không có lựa chọn khác.
"Xã hội rất bảo thủ với nhóm LGBT, đặc biệt là người chuyển giới", Alice nói.
Tuy vậy, đất nước tỷ dân không phải nơi duy nhất tồn tại cái nhìn cực đoan, sự phân biệt đối xử với những người như Alice.
Tại Nhật Bản, những người chuyển giới muốn thay đổi giới tính hợp pháp phải kháng cáo lên tòa án gia đình theo Đạo luật GID, được đưa ra vào năm 2004.
Thủ tục này bị cho mang tính phân biệt đối xử khi yêu cầu người nộp đơn phải độc thân, không có con dưới 20 tuổi. Đặc biệt, họ phải trải qua đánh giá tâm thần và được kết luận không rối loạn nhận dạng giới.
Nhiều người phàn nàn rằng các thủ tục y tế này quá tốn kém thời gian và tiền bạc.
Alice từng cố gắng tự phẫu thuật chuyển giới vào năm 16 tuổi. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, kể từ năm 2003, đồng tính luyến ái không còn bị xem là điều “có hại và tục tĩu”. Người chuyển giới có thể thay đổi giới tính một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử không hoàn toàn biến mất.
Những người thuộc giới tính thứ 3, người chuyển giới thường bị miệt thị với các tên "i-ban-in" hay "công dân hạng hai". Muốn có việc làm, giữ được các mối quan hệ, không ít người chọn cách che giấu giới tính thật.
"Quá khó để tìm việc làm vì công việc nào cũng có những tiêu chuẩn chỉ dành riêng cho nam hoặc nữ", một người chuyển giới ngoài 30 tuổi nói.
Trong một cuộc thăm dò năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc, 92,6% người thuộc LGBT được khảo sát cho biết họ lo lắng trở thành mục tiêu của tội phạm trả thù.
Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Gallup Korea cùng năm cho thấy 58% người Hàn Quốc chống lại hôn nhân đồng giới, trong khi 34% ủng hộ và 8% không có ý kiến.
Học hỏi từ những "anh chị em" trực tuyến
Không được gia đình, bạn bè ủng hộ, Jiatu, một người chuyển giới, cho biết anh nhận được sự trợ giúp từ "anh chị em" trực tuyến - những người chuyên chia sẻ kinh nghiệm trong các hội nhóm chuyển giới.
Thông qua họ, 9X đã mua testosterone bất hợp pháp từ nước ngoài và tự điều trị trong suốt 3 năm qua.
Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày càng nhiều người trẻ tìm đến các dịch vụ tương tự trên Internet hoặc chợ đen vì thiếu kiến thức và không được giúp đỡ.
Joy Kang, giám đốc điều hành của dịch vụ hướng dẫn y tế Eunogo, cho biết dù được mệnh danh là "thánh địa" của phẫu thuật thẩm mỹ, Hàn Quốc không có nhiều ca phẫu thuật chuyển giới.
"Tôi không nghĩ phẫu thuật xác định lại giới tính là thứ mà chính phủ muốn thúc đẩy", ông Kang nói.
Những cuộc biểu tình chống lại các định kiến giới bảo thủ của cộng đồng LGBT Hàn Quốc. Ảnh: AP, AFP. |
Ở Trung Quốc, nơi không có bất kỳ thống kê chính thức nào về số người chuyển giới, có rất ít cơ sở y tế cung cấp phẫu thuật chuyển giới và thông tin chuyên môn về điều trị hormone.
Một người phẫu thuật chuyển giới phải có sự đồng ý từ gia đình. Tuy nhiên, hầu hết không muốn thảo luận vấn đề này vì sợ bị tẩy chay hoặc từ chối.
Ngay cả với những người đủ can đảm để công khai giới tính thật, mọi chuyện vẫn không hề dễ dàng. Chi phí thuốc nội tiết tố khá đắt đỏ, thường bằng 10% mức lương trung bình hàng tháng ở Trung Quốc.
Doriane Lau, nhà nghiên cứu Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng luật và chính sách mang tính phân biệt khiến nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài mạo hiểm mạng sống, tự phẫu thuật trên cơ thể mình và dùng các hormone thiếu an toàn từ chợ đen.
Alice, người từng liều mạng tự phẫu thuật vào năm 16 tuổi, đã sang Thái Lan chuyển giới vào năm ngoái.
Không được gia đình chấp nhận, 9X phải làm thủ tục ở nước ngoài. Chi phí cuộc phẫu thuật lên đến 12.000 USD.
Bất chấp những khó khăn, Alice vẫn cảm thấy tốt hơn bao giờ hết.
"Giới tính không phải lúc nào cũng chỉ là đen hoặc trắng. Điều đó thực sự tuyệt vời", 9X nói.