Khi vừa tròn 18 tuổi, Gillian lập tức đặt lịch phẫu thuật chuyển giới tại bệnh viện.
Đó là năm 2017, thời điểm Trung Quốc bắt đầu cho phép người dân từ 18 tuổi được chẩn đoán giới tính - bước đầu tiên để phẫu thuật xác nhận giới.
Nhưng khi đến bệnh viện, Gillian nhận thấy mọi chuyện không dễ dàng. Là người trưởng thành hợp pháp, cô vẫn đối mặt nhiều rào cản để được hỗ trợ sức khỏe giới tính. Theo đó, bác sĩ yêu cầu cô phải trên 20 tuổi, có thể chứng minh mình không mắc bệnh tâm thần và đặc biệt, cô cần sự đồng thuận của ít nhất một người thân trực tiếp.
"Bác sĩ sẽ hỏi bạn: ‘Muốn uống thuốc hay phẫu thuật?’. Nếu bạn muốn phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu cha mẹ của bạn có mặt để đảm bảo rằng họ biết bạn đồng tính và chấp thuận việc này", người phụ nữ chuyển giới kể lại trên SCMP.
Khi đó, vì chưa công khai giới tính với gia đình, Gillian đã phải từ bỏ ý định phẫu thuật.
Cũng như cô, rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBT tại Trung Quốc thừa nhận sự đồng thuận của cha mẹ chính là vấn đề lớn nhất ngăn cản họ thực hiện phẫu thuật chuyển giới.
Nhiều năm qua, cộng đồng LGBT Trung Quốc vẫn đấu tranh giành quyền bình đẳng. Ảnh: China File. |
Tháng 4 vừa qua, Ủy ban Y tế Trung Quốc công bố quy định giảm độ tuổi yêu cầu phẫu thuật chuyển giới từ 20 xuống 18 tuổi, ngoài ra chỉ yêu cầu chữ ký của người mong muốn phẫu thuật thay vì một loạt hồ sơ như trước đây.
Tuy nhiên, quy định vẫn yêu cầu người chuyển giới phải thông báo với người thân trực tiếp trước khi can thiệp y tế.
Mặc dù quy định chỉ yêu cầu "thông báo" thay vì "đồng ý", nhưng theo SCMP, các bệnh viện hiện nay vẫn bắt buộc người chuyển giới phải có sự xác nhận đồng thuận của cha mẹ. Họ lo sợ bị các gia đình tìm cách trả thù.
Chen, một thành viên của cộng đồng LGBT, cho biết: "Quy định mới tưởng chừng hỗ trợ hơn cho người chuyển giới, nhưng thực tế vẫn vô ích. Chúng tôi đã 20-30 tuổi, thật kỳ cục khi vẫn cần xin phép cha mẹ".
Đấu tranh
Quay trở lại với Gillian, cô cho biết dù nhà nước nới lỏng quy định về phẫu thuật chuyển giới, nhưng cha mẹ cô chưa khi nào thôi định kiến.
Vào năm 2020, khi Gillian công khai giới tính với gia đình, cha cô tỏ ra rất đau khổ. Năm 2021, họ còn không mong muốn cô quay lại Mỹ du học.
"Mẹ nói giới tính của tôi là không thể chấp nhận được. Bà cảm thấy mình thất bại trong việc giúp bố tôi duy trì nòi giống", cô kể.
Người chuyển giới Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi gia đình không chấp nhận giới tính của họ. Ảnh: AFP. |
Chris cũng đối mặt sự phản đối rất lớn của gia đình khi anh công khai mình muốn chuyển giới từ nữ sang nam.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh xin phép cha mẹ cho phép mình phẫu thuật chuyển giới. Người thân anh kịch liệt mắng chửi, liên tục khẳng định anh là phụ nữ. Đến năm 2018, anh phải sống trong ký túc xá nữ và có dấu hiệu trầm cảm nặng. Nhà trường bắt buộc anh phải nghỉ học để điều trị.
Đầu năm 2020, cha mẹ Chris cuối cùng cũng miễn cưỡng chấp nhận và đồng ý ký vào một văn bản cho phép anh phẫu thuật cắt bỏ ngực.
Anh lên kế hoạch phẫu thuật vào tháng 3/2020 nhưng phải trì hoãn vì dịch bệnh. Trong suốt thời gian chờ đợi, cha mẹ anh một lần nữa phản đối, buộc anh phải thực hiện thủ thuật trong bí mật vào tháng 1/ 2021.
"Khi biết được điều đó, cha mẹ la mắng tôi cả ngày, nhưng cuối cùng họ cũng đành chấp nhận", Chris nói.
Hiện tại, anh vẫn đang cố gắng thuyết phục cha mẹ ký vào giấy tờ để phẫu thuật cơ quan sinh dục.
Việc công khai giới tính khiến mối quan hệ của Chris và gia đình trở nên khó xử hơn.
"Trước đây, khi tôi đang tắm, mẹ vẫn thoải vào phòng tắm để lấy bàn chải đánh răng. Nhưng giờ đây, bà ấy không bao giờ làm vậy nữa", anh nói.
Nhiều phụ huynh tại Trung Quốc vẫn có thái độ tiêu cực về LGBT. Ảnh minh họa: Marcus Silva/Pexels. |
Xin Ge, 23 tuổi, một phụ nữ chuyển giới ở Hàng Châu, tham gia nhóm chat với 35 người chuyển giới. Trong đó, cô là người duy nhất chưa phẫu thuật.
Xin cho biết từ khi còn nhỏ, cô đã ngưỡng mộ các bạn gái và muốn được sống như họ. Ở trường cấp 2, cô cảm thấy ghen tị khi xem những bộ phim hoạt hình trong đó nam sinh mặc quần áo nữ sinh. Sau đó, Xin bắt đầu xem phim tài liệu về việc chuyển giới và biết được mọi người có thể dùng thuốc để thay đổi giới tính của mình.
Một số lần, cô cố gắng thăm dò thái độ của cha mẹ về LGBT. Cô cảm thấy họ khinh thường cộng đồng. Vài năm trước, cô nói với cha mẹ về việc muốn phẫu thuật chuyển giới. Cuộc xung đột tình cảm lớn lập tức diễn ra trong gia đình.
"Nếu con muốn được làm chính mình, con sẽ làm tổn thương cha mẹ. Nhưng nếu ngược lại, con sẽ đau khổ cả đời", Xin nói với cha trong một tin nhắn gần đây.
Cha cô trả lời: "Con muốn một mình khổ hay cả nhà phải khổ? Nếu con không quay đầu, gia đình sẽ rất xấu hổ khi gặp mặt người khác. Con đừng sống ích kỷ như vậy, không tốt đâu".
Rủi ro hoặc ra nước ngoài
Phẫu thuật chuyển giới là một giấc mơ xa vời đối với hầu hết người đồng tính tại Trung Quốc. Không có sự đồng thuận của cha mẹ, Xin và nhiều người khác phải tìm đến hormone để biến đổi cơ thể mình.
Hiện tại, có rất ít bệnh viện có thể kê đơn các loại hormone này. Vì vậy, đa số người chuyển giới phải tìm mua thuốc từ các nhà cung cấp tư nhân - những người buôn lậu thuốc từ nước ngoài để đưa vào thị trường nội địa.
Những loại thuốc này, tất nhiên, đi kèm rất nhiều rủi ro như bị gián đoạn nguồn cung hoặc thuốc giả. Xin từng đối mặt chuyện này.
"Tôi uống nhiều viên thuốc mà không thấy tác dụng gì, tôi biết điều đó", cô nói.
Còn Gillian, hiện sống ở Mỹ, đã từ bỏ ý định phẫu thuật ở Trung Quốc. Tại Mỹ, cô và những người chuyển giới như mình tiếp cận y tế một cách dễ dàng hơn, đồng thời có cộng đồng hỗ trợ.
Cô đang chờ phẫu thuật ở Mỹ và Thái Lan. Nhưng hiện tại, đối với cô, việc can thiệp y tế không còn là nhu cầu gấp rút.
"Ở nước ngoài, tôi có thể sống thoải mái và được công nhận dù mình phẫu thuật hay chưa".