Đó là một trong những nội dung chính của bộ quy tắc ứng xử trong du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP Đà Nẵng ban hành.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở, việc xây dựng bộ quy tắc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về văn minh du lịch và tạo ấn tượng đẹp với du khách trong nước và quốc tế.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, người dân địa phương, khách du lịch khi tham gia các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.
Ngoài các quy tắc ứng xử chung, các tổ chức, cá nhân phải ứng xử đúng mực, tôn trọng khách, có thái độ niềm nở, thân thiện khi phục vụ khách.
Khi khách đến tham quan, mua sắm, nhân viên các cơ sở kinh doanh, khách sạn, nhà hàng phải tư vấn nhiệt tình, trung thực và sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch.
Du khách đến tắm biển Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Mọi người dân phải biết lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của khách, không phân biệt đối xử với khách du lịch, không đeo bám, chèo kéo, làm phiền khách du lịch, không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính, không sử dụng điện thoại, hút thuốc lá, nhai kẹo khi đang phục vụ khách...
Các cơ sở kinh doanh phải niêm yết công khai giá cả, bán đúng giá niêm yết, không cung cấp các sản phẩm, dịch vụ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhân viên phải luôn sẵn sàng nói "xin chào", "xin lỗi", "xin mời", "cảm ơn", "xin chào và hẹn gặp lại quý khách".
Người dân Đà Nẵng được yêu cầu mặc trang phục lịch sự, tránh mặc trang phục quần short hoặc váy quá ngắn, trang phục hở hang, xuyên thấu hoặc có in hình phản cảm.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cũng yêu cầu du khách khi đến tham quan phải tôn trọng truyền thống văn hóa, có ý thức giữ gìn, không gây ồn ào, mất trật tự hoặc nói chuyện quá lớn làm ảnh hưởng đến người xung quanh; không hái hoa, bẻ cành, chọc ghẹo thú nuôi tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng…