Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Người mẹ hồi sinh nhờ 2/3 lá gan của con trai

Nhờ lá gan của con trai hiến tặng, bà Thanh đã vượt qua cửa tử. Bà tự nhận mình là một người may mắn.

Nguoi dan ba mang trong minh la gan con trai anh 1

Người mẹ hồi sinh nhờ 2/3 lá gan của con trai

Nhờ lá gan của con trai hiến tặng, bà Thanh đã vượt qua cửa tử. Bà tự nhận mình là một người may mắn.

Mẹ hồi sinh nhờ được ghép gan từ con trai Đây là ca ghép gan từ người sống đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội.

Tháng 10/2017, báo chí đồng loạt đưa tin về ca ghép gan đầu tiên từ người sống tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đó là bệnh nhân mắc chứng xơ gan mật nguyên phát Phạm Vân Thanh (sinh năm 1956, Hà Nội). Người phụ nữ may mắn ấy đang mang trong mình một phần lá gan của con trai.

Gặp lại bà Thanh 4 tháng sau ca phẫu thuật ghép gan, trong căn phòng ấm cúng, thoang thoảng hương hoa hồng thơm từ lọ hoa do con trai mua tặng, bà Thanh đang được chăm sóc như một bệnh nhân đặc biệt nhưng vẫn luôn nở nụ cười tươi. Bà tự nhận mình là một người may mắn, được sinh ra tới 2 lần trong cuộc đời.

Nguoi dan ba mang trong minh la gan con trai anh 2
May mắn khi được con trai hiến tặng 2/3 lá gan đã giúp người mẹ này như được hồi sinh.

10 năm gian nan tìm bệnh

Gần 20 năm trước, khi đã ở cái tuổi mà nhiều người gọi là “quá lứa lỡ thì”, Phạm Vân Thanh (sinh năm 1956, Quảng Ninh) mới lấy chồng. Cuộc gặp với người con trai công tác trong ngành tư pháp sau khi hoàn thành việc học ở nước ngoài trở về nước đã se duyên cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc sau này.

Năm 1992, hai vợ chồng có người con trai đầu tiên - Nguyễn Trung Quân. Năm 2003, con gái thứ hai của họ ra đời. Cùng lúc đó, chồng bà mắc suy thận phải chạy thận nhân tạo. Để duy trì sự sống, ông được sang Trung Quốc để ghép thận. Người vợ dốc hết sức chăm sóc cho chồng mà không biết rằng chỉ 7 năm sau, bà cũng mắc một căn bệnh buộc phải ghép tạng.

Bà Thanh bị bệnh xơ gan mật nguyên phát. Để tìm ra căn bệnh của bà là một quá trình gian nan. 10 năm trước, bà cảm thấy trong người có những dấu hiệu lạ mặt rám dần, ngứa. Cơn ngứa bắt đầu từ mặt, sang hai tay, chân rồi khắp người. Ban đầu, cơn ngứa chỉ thoảng qua nên bà không để ý, chỉ nghĩ do ăn nóng. Khi khó chịu tăng dần, đến mức gần như phát điên, bà đi khám tại hàng loạt bệnh viện nhưng đều không ra bệnh. Lúc này, bác sĩ chỉ nghi bà mắc bệnh gan. Suốt một năm uống thuốc, những cơn ngứa vẫn không thuyên giảm. Bà Thanh gãi đến mức xước cả máu khắp người.

Năm 2011, trong một chuyến công tác sang Singapore, kết hợp khám bệnh, bác sĩ xác định bà mắc xơ gan mật nguyên phát. Họ thông báo đây là một căn bệnh hiếm, chưa có thuốc chữa, bác sĩ chỉ kê toa để giúp bệnh nhân cầm chừng.

Uống thuốc được một năm, bà Thanh phải bỏ giữa chừng vì không có điều kiện quay lại Singapore khiến bệnh tái phát, những cơn ngứa càng trở nên khó chịu hơn. Tháng 4/2017, căn bệnh của bà đã chuyển sang giai đoạn nặng. “Bác sĩ thông báo tôi phải thay gan mới có thể sống”, bà Thanh kể lại.

Hai tháng sau, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bác sĩ nhận định tình trạng của bà Thanh rất yếu, huyết áp liên tục tụt, ăn không ngon, da vàng, mắt vàng khiến bà nhìn không rõ. “Tôi như người say, lúc tỉnh lúc mơ, nhìn còn không rõ. Chưa bao giờ tôi suy kiệt đến mức như thế”, bà Thanh nhớ lại.

Thông thường, bệnh nhân như vậy sẽ không đủ sức khỏe để thực hiện ca ghép tạng. Nhưng trong tình thế đó, bà Thanh không còn lựa chọn khác.

Nguoi dan ba mang trong minh la gan con trai anh 3
Không chỉ hiến gan cho mẹ, năm 12 tuổi, chàng trai này từng muốn tặng cha một quả thận để có thể thoát khỏi tình cảnh chạy thận.

“Phải là con, mẹ nhé!”

Ngay khi biết mẹ có chỉ định ghép gan, Nguyễn Trung Quân, con trai cả của bà Thanh, lúc này đang làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài trong TP.HCM vội chuyển công tác ra Hà Nội. “Mẹ cứ yên tâm, con sẽ cho mẹ gan để ghép”, Quân nói chắc nịch.

Anh tâm niệm thời gian của mẹ không còn bao lâu, mình phải làm tất cả để giữ mẹ lại.

Bà Thanh còn 3 anh chị em. Khi bác sĩ chỉ định ghép gan, cả hai chị gái, một anh trai đều cùng nhóm máu O với bà. Tất cả đều xin bác sĩ được hiến gan cho em. Dù vậy, Quân một mực thuyết phục mẹ lấy gan từ chính mình.

“Thực chất gan của con trai là hợp nhất. Nhưng tôi thương con, sợ con không còn khỏe mạnh như xưa. Thời gian để tôi lựa chọn rất ngắn. Quân bảo để con hiến cho mẹ, sau này có chuyện gì, hai mẹ con cùng chăm sóc nhau. Nói rồi con nói dối là bác có u gan nhỏ để anh ấy chịu từ bỏ việc hiến gan cho em gái. Lúc đó thời gian cũng rất gấp vì tôi quá yếu, nên bệnh viện quyết định ghép gan của Quân cho mẹ”, bà Thanh kể.

Ca phẫu thuật hiến - ghép gan giữa hai mẹ con được ấn định vào ngày 14/10. Nhưng tình trạng của bà Thanh lúc này quá yếu, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 buộc phẫu thuật cho bà sớm hơn một tuần.

Tối 6/10, trước ca mổ, Quân được chuyển lên nằm cùng phòng bệnh với mẹ. “Con nói với tôi rất nhiều, động viên mẹ hãy tin tưởng vào kết quả. Lúc đó cả hai mẹ con đều rất lạc quan”, bà Thanh nói.

7h sáng ngày hôm sau, hai mẹ con cùng được đẩy vào phòng mổ. Hai giường đi cạnh nhau, người mẹ nhìn con trai kịp nói “Nếu còn tỉnh con nhớ niệm Phật cho may mắn nhé” trước khi ngấm thuốc mê.

Ca ghép thành công. “Một ngày sau tỉnh dậy ở phòng hậu phẫu, tôi khá bất ngờ khi thấy rất tỉnh táo, khỏe. Thấy tôi cười rất tươi, ai cũng mừng”, bà Thanh kể.

“Lúc đó tôi thấy cái gì cũng nhẹ hơn, không còn yếu như trước, đặc biệt mắt sáng hơn. Xúc động quá, tôi nghĩ ngay đến Quân rồi chảy nước mắt, thầm nói: "Mẹ đã có công sinh ra con, nhưng nay con đã cứu mẹ, chẳng khác con đã hồi sinh cho mẹ. Mẹ còn sống là nhờ con, vì con”, bà Thanh xúc động nói.

Một tháng sau ca phẫu thuật, bà bị nhiễm khuẩn đa phủ tạng. Tình trạng nguy hiểm đối với một bệnh nhân ghép tạng. Chính vì tình yêu của con trai và hơn hết là việc đang mang trong mình một phần cơ thể của con trai đã trở thành động lực để bà Thanh chiến đấu với bệnh tật. Bà may mắn qua khỏi biến cố mà bác sĩ phải nín thở theo dõi.

Trong cơ thể mình, Nguyễn Trung Quân chỉ còn gan bên trái, phần gan phải lớn nhất chiếm hơn 2/3 kích thước của toàn bộ gan anh đã dành tặng cho mẹ.

Nghĩa cử cao đẹp này của Quân không phải là khi mẹ ốm nặng mà ngay từ lúc Quân mới 12 tuổi khi biết bố bị suy thận cấp phải ghép thận. “Bố ơi bố đừng buồn. Con sẽ là người hiến cho bố một quả thận để bố ghép”, đứa con trai 12 tuổi nói với bố.

“Bất cứ ai cũng sẽ làm như tôi khi chứng kiến người thân mình như vậy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản khi bố mẹ phải thay tạng, tôi sẽ là người đầu tiên cho họ”, Quân nói.

Những ngày này, Quân và mẹ thường xuyên bên nhau. Để chăm sóc mẹ, Quân đã xin nghỉ phép một thời gian dài. Tình yêu của con trai đang khiến bà Thanh vui sống mỗi ngày.


Hà Quyên

Ảnh: Việt Hùng
Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm