Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kết hôn giả để được cấp biển số xe tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, kết hôn không chỉ đơn thuần chỉ là lập gia đình, mà đôi khi còn là vì một tấm biển số xe.

Phải đối mặt với việc hạn chế cấp biển số xe nhằm kiểm soát tình trạng giao thông tắc nghẽn tại thành phố thủ đô của Trung Quốc, một số người dân Bắc Kinh đang chi tiền cho các cuộc hôn nhân giả chỉ để có được một tấm biển số. Họ sẽ dựa trên mối quan hệ vợ chồng để có thể chuyển quyền sở hữu biển số, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin.

Các công ty đã cung cấp dịch vụ cho phép những chủ sở ôtô kết hôn với những người có nhu cầu để ký chuyển nhượng quyền sở hữu và sau đó ly hôn với chi phí lên tới 160.000 Nhân dân tệ (khoảng 500 triệu đồng).

Nguoi Trung Quoc ket hon gia de lay bien so anh 1

Phải luôn đối mặt với vấn nạn ùn tắc khiến cho việc sở hữu một tấm biển số trở nên khó khăn hơn bao giờ hết vốn là vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc.

Chương trình này cho phép họ không còn phải tham gia vào chương trình quay số vốn có sự cạnh tranh khốc liệt, nơi mà tỷ lệ thành công chiếm rất ít.

Thành phố Bắc Kinh đã bắt đầu giới thiệu hệ thống quay số vào năm 2011 để kiểm soát số lượng ôtô trong thành phố và hạn chế ùn tắc. Tuy nhiên, cơ hội trúng biển số ôtô bằng chương trình quay số được tổ chức hai tháng một lần này cũng khiến không ít người phải lao đao bởi tính cạnh tranh khốc liệt của nó.

Có đến hàng triệu người nộp đơn để may mắn được là 1 trong tổng số 6.300 người trúng giải. Vào tháng 8 vừa qua, tỷ lệ này chạm mức thấp kỷ lục là 1/2.622.

Theo báo cáo của CCTV, biển số được cấp không mang tính cố định đã tạo ra một thị trường trực tuyến hứa hẹn cho những người sở hữu ôtô sẵn sàng chuyển nhượng quyền sở hữu biển số thông qua hình thức kết hôn giả hay khai thác lỗ hỏng pháp lý.

Tại Trung Quốc, việc mua lại biển số từ một bên thứ ba được xem là bất hợp pháp, nhưng nó có thể được tính là hợp pháp nếu thông qua hình thức hôn nhân hoặc thừa kế.

Theo các nhà cung cấp, chi phí phải trả cho khách hàng nam và nữ lần lượt là 160.000 và 145.000 Nhân dân tệ. Sự chênh lệch này nằm ở việc có rất ít phụ nữ sở hữu ôtô được đăng ký tên của họ ở Bắc Kinh.

Trước đây, một số công dân Trung Quốc cũng đã lợi dụng các cuộc hôn nhân giả để mua thêm tài sản, trả các khoản tiền cắt cổ để lách luật tại một số thành phố.

Vào tháng 9 vừa qua, các nhà chức trách đã phát hiện 11 thành viên trong một gia đình ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc từng thực hiện 23 cuộc hôn nhân giả trong vòng chưa đầy 1 tháng để mong nhận được tiền bồi thường từ việc giải tỏa mặt bằng.


Tý Bùi

Theo Sixthtone

Bạn có thể quan tâm