Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân cần cảnh giác trước sự trở lại của cúm gia cầm

Trong bối cảnh cúm gia cầm A (H5N1) đang ghi nhận các ổ dịch rải rác và cúm A (H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với dịch bệnh.

TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh do cúm A (H5N1) và A (H7N9) ở người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50%. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A (H7N9) tương tự bệnh nhân nhiễm cúm A (H5N1) với các tổn thương phổi.

Viêm phổi diễn tiến nhanh và dễ tử vong với tỷ lệ cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm A (H7N9) đều bị viêm phổi nặng.

dich cum gia cam anh 1
Virus gây bệnh bắt nguồn từ các loại gia cầm nhưng lại không gây ra biểu hiện ở vật chủ nên rất khó nhận biết.

 

“Tỷ lệ tử vong cao ở ca bệnh nhiễm cúm gia cầm đang là mối quan ngại lớn đối với cộng đồng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn dịch cúm lây lan. Không có dịch cúm trên gia cầm sẽ không có các dịch bệnh này trên người”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Riêng với cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Từ tháng 10/2016 tới nay, dịch cúm A(H7N9) tại đây có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 511 trường hợp mắc trong đó có 153 trường hợp tử vong tại 14 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, trong 2 tuần đầu tháng 3, tại tỉnh Quảng Tây (tiếp giáp với 3 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng) đã phát hiện 14 trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người trải rộng tại 7 thành phố thuộc tỉnh này. Trong khi năm 2013-2016 chỉ ghi nhận 3 trường hợp.

Theo ông Phu, H7N9 là loại virus rất nguy hiểm được phát hiện từ năm 2013. Virus H7N9 thường xuất hiện ở gà và không gây ra các biểu hiện ở vật chủ, do đó không làm chết vật chủ. Chính đặc tính này đã khiến virus H7N9 khó phát hiện hơn so với chủng virus H5N1. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo virus H7N9 dễ lây truyền từ gia cầm sang người hơn virus H5N1.

Cục trưởng Trần Đắc Phu cho hay, mặc dù dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, song đến nay, Việt Nam đã và đang ngăn chặn được sự xâm nhập của cúm A (H7N9), cũng như khống chế thành công cúm A (H5N1) lây truyền sang người. Đó là kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch.

dich cum gia cam anh 2
Những năm qua, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

 

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tập trung triển khai tích cực các hoạt động phòng chống, đặc biệt về công tác chuyên môn như: củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các trung tâm cúm quốc gia.

Đến nay, nước ta đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng virus cúm gia cầm bao gồm cả cúm A (H7N9), A (H5N1), A (H5N6). Đồng thời có thể giải trình tự gen để phát hiện sự biến chủng của virus. Tại 29 cửa khẩu quốc tế lớn của Việt Nam, trong hơn 3 tháng đầu năm 2017 đã giám sát khoảng 1.000.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia, không ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm ở người.

Việc kiểm tra tất cả trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các trọng điểm giám sát quốc gia và cơ sở y tế cũng đã được triển khai để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, tìm tác nhân gây bệnh và xác định sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên.

Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải tích cực, chủ động để ngăn chặn sự xâm nhập virus cúm gia cầm vào nước ta, cũng như triển khai các biện pháp phòng chống chủ động lây truyền sang người, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm và tử vong cho người.

dich cum gia cam anh 3
Trong thời gian tới, người dân cần nâng cao cảnh giác bởi dịch bệnh này đang có nguy cơ xuất hiện trở lại ở nước ta.

 

Mới đây, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp tổ chức diễn tập phòng, chống dịch cúm A (H7N9) tại hai điểm là Hà Nội và Lạng Sơn.

Ông Phu nhấn mạnh, dịch bệnh cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc nên việc kiểm soát, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới là rất quan trọng, nhất là hiện nay virus cúm A (H7N9) lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không gây biểu hiện gì. Mục đích của buổi diễn tập là giúp chủ động chống dịch.

Nếu có dịch xảy ra thì lực lượng chức năng có thể thuần thục các biện pháp phòng chống vì cúm A (H7N9) lây truyền mạnh, nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu không thực hiện các thao tác thuần thục thì dịch bệnh sẽ lây sang chính những người đi dập dịch, rồi lây ra cộng đồng.

Ngày 29/3, Bộ Y tế phối hợp với Báo điện tử Zing.vn và trang Zalo của Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề “Phòng chống dịch cúm gia cầm”. Độc giả có thể đặt câu hỏi ngay tại đây.

Bộ Y tế là một trong những Bộ đầu tiên sử dụng Zalo để tương tác với người dân. Zalo của Bộ Y tế nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng và hiện là kênh tra cứu thông tin hữu ích của người dân. 

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm