Sáng 1/3, ông Ngô Văn Thông (63 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm) mang theo căn cước công dân gắn chip, tất bật đến trụ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội trên đường Phạm Ngọc Thạch từ đầu giờ làm việc.
Là một trong số 200 người được phát phiếu đề nghị làm hồ sơ cấp hộ chiếu điện tử trong ngày đầu triển khai mẫu giấy tờ này trên toàn quốc, ông Thông cho biết bản thân chọn làm loại gắn chip là do quy trình thu nhận thông tin đã được liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia.
"Mất khoảng 10 phút để tôi hoàn thiện các bước gồm kê khai thông tin, lấy dấu vân tay và đối chiếu với căn cước công dân", ông Thông chia sẻ.
Có cùng mục đích trên, chị Mai Hương (55 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) cũng đến đăng ký làm hộ chiếu điện tử. Tuy nhiên, việc đối chiếu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia của chị Hương gặp trục trặc. Lý do là có sự khác nhau về nơi sinh trong bản khai của người này với dữ liệu trên hệ thống.
Khoảng vài phút sau khi được hướng dẫn kê khai lại, chị Hương tiếp tục làm hồ sơ. Người phụ nữ chia sẻ chị chọn hồ sơ gắn chip là do toàn bộ thông tin cá nhân, dữ liệu sinh trắc học sẽ được lưu trữ trên hộ chiếu mới. Điều này có thể tạo nhiều thuận lợi về sau.
Hệ thống thu nhận thông tin làm hộ chiếu điện tử giống với thiết bị cấp căn cước gắn chip. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ngoài 2 trường hợp trên, theo ghi nhận của Zing, số lượng công dân đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội để làm thủ tục cấp hộ chiếu điện tử sáng 1/3 ít hơn người làm mẫu không gắn chip. Ở khu vực cấp hộ chiếu không có cảnh chen chúc, quá tải. Trong một giờ, lực lượng chức năng hoàn thành hồ sơ cho 20 trường hợp.
Đại tá Trần Khải Hoàn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội, cho biết trước đây, lượng hồ sơ đề nghị cấp đổi hộ chiếu phổ thông tại cơ quan này khoảng 2.000 hồ sơ. Những ngày qua, Phòng đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để tránh tình trạng quá tải trong ngày 1/3.
Từ chiều 28/2, Bộ Công an cho phép liên thông dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy thông tin sinh trắc học của công dân. Nhờ đó, trong sáng 1/3, nhiều công dân nhanh chóng được xác thực, không tốn nhiều thời gian làm hồ sơ. Một số trường hợp gặp trục trặc khi thu nhận vây tay, Trưởng phòng PA08 lý giải nguyên nhân do kỹ thuật hoặc lỗi mạng khi khai thác dữ liệu, nên bắt buộc họ phải chụp ảnh và lăn dấu vân tay.
Cũng trong ngày 1/3, Phòng PA08 đặt 4 máy thu nhận vân tay cùng 4 máy tính để xử lý hồ sơ và chỉ phát 200 phiếu thứ tự. Cơ quan này huy động hầu hết cán bộ để phân luồng người dân. Riêng khu vực cấp hộ chiếu gắn chip, 8 cán bộ túc trực để thao tác thiết bị, số còn lại được giao hướng dẫn người dân quy trình làm hồ sơ.
Trong ngày đầu cấp hộ chiếu điện tử, Trưởng Phòng PA08 Công an Hà Nội khuyến cáo những người đã có hộ chiếu phổ thông không gắn chip mà còn thời hạn sử dụng trên 6 tháng, thì chưa cần thiết phải làm hộ chiếu gắn chip. Điều này giúp tránh lãng phí, thời gian, công sức của người dân.
Bên cạnh đó, các trường hợp đủ điều kiện làm hộ chiếu điện tử, mà không lấy được dấu vân tay, thì nên làm hộ chiếu phổ thông không gắn chip. Bởi lẽ, giá trị sử dụng của 2 loại hộ chiếu này như nhau.
Đối với người có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ công cấp độ 4, Phòng PA08 khuyến cáo họ nên làm hồ sơ trực tuyến. Đáng chú ý, công dân không có điều kiện kê khai hồ sơ qua cổng dịch vụ công, tuyệt đối không nhờ người lạ hoặc người khác làm dịch vụ khai hộ. Việc này gây tốn kém chi phí, nguy cơ bị lộ lọt thông tin cá nhân và dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…