Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người dân có nguy cơ đối diện rối loạn tâm thần hậu Covid-19

Bên cạnh sự nguy hiểm của SARS-CoV-2 với sức khỏe thể chất con người, chuyên gia cho rằng việc rối loạn tâm trí hậu Covid-19 cũng mang đến sự tàn phá lâu dài.

roi loan tam ly hau covid-19 anh 1

Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành đều đang đưa ra những chính sách nới lỏng để người dân dần sống chung an toàn với SARS-CoV-2.

Sau hơn 5 tháng chống dịch với hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội, thời gian tới, người dân có cơ hội quay lại làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp, hàng xóm...

Tuy nhiên, trao đổi với Zing, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết xã hội trong thời gian tới sẽ phải đối diện với một “làn sóng ngầm” dữ dội và có sức tàn phá lâu dài mang tên rối loạn tâm trí hậu Covid-19.

Nguy cơ từ các tác động tiêu cực

Từ kết quả của các công trình nghiên cứu về sức khỏe tâm trí hậu Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới và thực tế trợ giúp cho cộng đồng thời gian qua, ông Thiện khẳng định rối loạn tâm trí sau dịch Covid-19 là nguy cơ có thật.

“Đó là một làn sóng ngầm rất dữ dội, có sức tàn phá lâu dài nhưng ít được nhận biết và can thiệp kịp thời”, vị chuyên gia nói.

Rối loạn tâm trí hậu Covid-19 là một làn sóng ngầm rất dữ dội, có sức tàn phá lâu dài nhưng ít được nhận biết và can thiệp kịp thời

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của toàn nhân loại. Do đó, khi một người nhiễm nCoV và mắc bệnh, họ đối diện với những trạng thái cảm xúc lo lắng, căng thẳng rất lớn. Chính điều này tác động đến sức khỏe tinh thần của người dân và khiến họ gặp các vấn đề như rối loạn stress cấp, lo âu, trầm cảm...

Nếu không có các chuyển biến nặng, việc điều trị Covid-19 thường chỉ diễn ra trong khoảng 2-4 tuần. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý này cho hay các vấn đề sức khỏe tinh thần thường kéo dài hơn và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, người mắc Covid-19 còn phải đối diện với những tác động tiêu cực từ môi trường như thời gian giãn cách xã hội lâu dài, thông tin về số ca tử vong, khó khăn trong tiếp cận nguồn lương thực, hàng hóa thiết yếu...

roi loan tam ly hau covid-19 anh 2

Một bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện dã chiến số 16 (TP.HCM). Ảnh: Chí Hùng.

“Bởi vậy, nhiều trường hợp sau khi khỏi Covid-19 vẫn gặp các vấn đề về tâm lý, tinh thần và cần trợ giúp”, ông Thiện cho biết.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet năm 2020 cũng chỉ ra những người có tình trạng lo lắng, cô đơn, căng thẳng do Covid-19 hoặc xuất hiện triệu chứng của trầm cảm dự báo sẽ gặp vấn đề về mất ngủ và có ý định tự sát.

Các trường hợp có thể vượt qua diễn biến nặng của Covid-19 được ghi nhận mức độ lo âu, trầm cảm và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) kéo dài tới một năm kể từ ngày xuất viện. Một số trường hợp khác suy hô hấp cấp tính nặng còn gặp tình trạng mất tập trung, giảm trí nhớ cũng như tốc độ xử lý thông tin.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện nói: “Các tài liệu khoa học cũng chỉ ra một số hệ quả tiêu cực về tinh thần con người trong giãn cách xã hội như rối loạn cảm xúc, cáu kỉnh, lo lắng, mất ngủ hay trầm cảm. Một số người thậm chí lạm dụng rượu bia, xảy ra bạo lực gia đình”.

Theo vị chuyên gia này, giao tiếp và tương tác xã hội là nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu này khi không được đáp ứng quá lâu cũng ảnh hưởng đến tinh thần, gây chán nản, mất định hướng trong công việc.

roi loan tam ly hau covid-19 anh 3

Đường phố TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một vấn đề khác là trong lúc dịch bệnh phức tạp, nhiều trường hợp lo lắng và sợ hãi khi việc gặp gỡ, tiếp xúc người xung quanh mang đến nguy cơ lây nhiễm virus. Từ đây, một số ít trường hợp bị ám ảnh và lo lắng khi phải tiếp xúc người khác dù chính quyền đã cho phép nới lỏng.

“Việc cô lập xã hội trong dịch bệnh do giãn cách kéo dài có nhiều nét tương đồng với tình trạng Hikikomori. Xuất phát từ Nhật Bản, khái niệm này được dùng để chỉ những người giam mình trong phòng, rút lui khỏi các hoạt động xã hội”, ông Thiện cho hay.

Ban đầu, những người Hikikomori có xu hướng hài lòng khi rút lui vì họ đã thoát khỏi căng thẳng trong thế giới thực. Tuy nhiên, sự cô lập kéo dài làm tăng cảm giác cô đơn của họ. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm và nghiện chất kích thích.

Can đảm nhìn nhận để ứng phó tích cực

Theo ông Thiện, đại dịch Covid-19 mang đến một sang chấn tập thể (collective trauma). Tình trạng này ảnh hưởng trên phạm vi toàn cộng đồng và kéo dài qua nhiều thế hệ.

Ngoài những nguy cơ về rối loạn lo âu, trầm cảm, stress sau sang chất, tự sát..., vị chuyên gia này còn cho rằng chúng ta phải chú ý đến vấn đề tâm lý của nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch như căng thẳng, kiệt sức nghề nghiệp hay cạn kiệt lòng trắc ẩn.

roi loan tam ly hau covid-19 anh 4

Các nhân viên y tế can thiệp điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Việt Linh.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc tinh thần cho trẻ mồ côi do dịch Covid-19, những người mất việc và nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội cũng là nhiệm vụ rất quan trọng.

Với trường hợp gặp vấn đề về tâm lý do giãn cách xã hội lâu ngày, ông Thiện cho rằng người dân cần chấp nhận những điều không thể thay đổi, học cách thích nghi và tìm giải pháp sống chung với trạng thái “bình thường mới”.

“Người dân có thể duy trì các mối quan hệ, tương tác qua phương tiện trực tuyến. Một cuộc điện thoại hỏi thăm gia đình, một tin nhắn động viên đồng nghiệp hay thậm chí, một dòng trạng thái tích cực trên mạng xã hội cũng mang ý nghĩa rất lớn”, vị chuyên gia tâm lý chia sẻ.

Theo ông, để cải thiện các vấn đề tâm lý hậu Covid-19, điều đầu tiên phải làm là can đảm nhìn nhận và gọi tên những khó khăn chúng ta đang gặp phải. Việc dồn nén hay phớt lờ các cảm xúc không phải phương pháp tốt để cân bằng tâm trí.

Chuyên gia tâm lý kết luận: “Với một đại dịch kinh khủng như Covid-19, việc sợ hãi, đau buồn là điều bình thường và tự nhiên của bất cứ ai. Người mạnh mẽ không phải người không biết đau buồn. Đó là người dám lên tiếng nói tôi đang gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ”.

Việt Nam hiện cũng có nhiều chương trình trợ giúp tâm lý cho cộng đồng như Vaccine tinh thần, Quán trọ Fmm, Hỗ trợ khẩn cấp tâm lý xã hội PSFA, Dự án Giúp tôi...

Người dân cần tiếp tục thực hiện 5K đến khi nào? Trong thời gian tới khi Việt Nam sống chung với nCoV, người dân vẫn phải tiếp tục đảm bảo tuân thủ 5K tới khi số ca mắc Covid-19 diễn biến nặng không còn.

Nhiều F0 khỏi Covid-19 vẫn cần được chăm sóc y tế

Nhiều người đã khỏi Covid-19 sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, điều trị bệnh nền và hỗ trợ tâm lý để vượt qua căng thẳng, trầm cảm.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm