Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Hà Nội: 'Ăn có thể nhịn, kiêng thở làm sao được'

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng khiến Hà Nội luôn có lớp sương mù bao phủ khắp nơi trong suốt nhiều ngày qua. Với nhiều người dân, họ chỉ biết "sống chung với lũ".

Người dân Hà Nội mua máy lọc không khí, đóng kín cửa khi AQI cao Người dân Hà Nội chia sẻ để bảo vệ sức khỏe nhiều gia đình đã phải sử dụng giải pháp mua máy lọc không khí, đeo nhiều lớp khẩu trang, đóng kín cửa khi không khí ô nhiễm.

Hà Nội đã vào thu, tiết trời dịu mát hơn hẳn những ngày hè oi nóng. Để tận hưởng những ngày "đẹp trời" nhất trong năm, Phương Liên (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cùng cậu con trai 7 tuổi quyết định dậy sớm, đi dạo một vòng quanh khu nhà mình ở, tất nhiên không cần khẩu trang.

Không chỉ Liên mà chắc hẳn nhiều người dân ở thủ đô đều rất thích được mở toang cửa sổ, đứng trên ban công để gió lùa mát rượi và hít căng lồng ngực không khí sáng sớm.

Giật mình khi đọc những thông tin trên báo về chỉ số AQI của Hà Nội suốt những ngày qua luôn ở mức nguy hiểm, đặc biệt buổi sáng sớm thường cao hơn ban ngày, Liên ngỡ ngàng: "Tưởng được tận hưởng chút không khí mát mẻ, vậy mà có khi đã hít vào không biết bao nhiêu là bụi mịn, chất độc".

Hành động tưởng chừng rất "hợp thời tiết" của cô lại khiến bản thân chịu có thể phải chịu hậu quả vì ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

khong khi o nhiem Ha Noi o nhiem anh 1
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chạm đỉnh ngày 30/9. Ảnh: Air Visual.

Đeo vài lớp khẩu trang, mua máy lọc không khí và chấp nhận sống chung với ô nhiễm ở Hà Nội

Chiều 2/10, hồ Tây - nơi được cảnh báo có chỉ số AQI luôn ở mức cao nhất của Hà Nội - vẫn đông người qua lại dù bao phủ xung quanh là một lớp sương mờ có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường.

Đi bộ quanh hồ Tây để tập thể dục, thỉnh thoảng bà Đoàn Thị Lập (61 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại dừng lại để xoa tay chân cho đỡ ngứa. Một tuần nay, bà bị dị ứng toàn thân, khắp cơ thể nổi vết ban đỏ, ngứa ngáy.

"Tôi đã dùng rất nhiều thuốc nhưng không khỏi. Tôi nghi ngờ có thể do không khí ô nhiễm nặng gây dị ứng. Không chỉ vậy, gần đây, tôi thường thấy rất khó thở, ngứa mũi mỗi khi đi tập thể dục. Trước đây, tình trạng này không hề có. Tôi đã bịt khẩu trang bằng vải dày, 2 lớp, nhưng cũng không chống được bụi mịn vì mũi vẫn khó chịu lắm", bà Lập nói. 

khong khi o nhiem Ha Noi o nhiem anh 2
Nhiều người dân đã mang khẩu trang đi tập thể dục. Ảnh: Việt Hùng.

Để bảo vệ sức khỏe, bà Lập cho hay chỉ biết cách đóng kín cửa, hạn chế ra ngoài. Bà nghĩ đây cũng không phải cách có thể áp dụng lâu dài. Đóng kín cửa suốt ngày khiến bà luôn thấy bí bách.

Nghe và đọc nhiều thông tin về ô nhiễm không khí trên các phương tiện truyền thông, song ông Đỗ Văn Nhạc (62 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn quyết định ra ngoài, tập thể dục bên bờ hồ Tây. "Tôi biết phải làm gì đây? Sống chung với nó thôi. Tôi không thể cứ ở mãi trong nhà vì sợ không khí ô nhiễm. Ăn có thể nhịn, chứ kiêng thở làm sao được", ông Nhạc nói. 

Cẩn thận hơn, nhiều người còn trang bị cho gia đình những chiếc máy lọc không khí, thậm chí tự mua máy cảm biến để đo chỉ số bụi mịn trong nhà.

Anh Ngô Văn Minh (50 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết trước đây có sở thích ra ban công ngồi uống nước, hít thở không khí để thư giãn. Tuy nhiên, những ngày gần đây anh phải bỏ thói quen này khi thiết bị cảm biến đo chất lượng không khí liên tục báo ở mức kém (AQI>100).

Ô nhiễm không khí không chỉ làm anh mất đi thú vui tao nhã mỗi ngày, mà thêm lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mọi người trong gia đình vì vợ thường thấy mệt mỏi, khó chịu mỗi khi từ bên ngoài trở về nhà. 

"Khi không có công việc quan trọng, tôi và người thân sẽ ở nhà, đóng kín cửa và hạn chế ra ngoài. Ý thức tình trạng không khí ngày càng xấu hơn, một năm gần đây, tôi đã mua máy lọc không khí để trong 2 phòng ngủ tại nhà", anh Minh chia sẻ. 

Người đàn ông này còn mua thiết bị cảm biến để đo nồng độ bụi mịn PM2.5 trong nhà. Theo chỉ số trên chiếc máy này, tại phòng đóng kín cửa, bật điều hòa và máy lọc khí, nồng độ bụi PM2.5 ở mức an toàn (AQI<35). 

"Khi phải ra ngoài, tôi sẽ chọn di chuyển bằng ôtô thay vì xe máy như trước đây. Tuy nhiên, chúng ta không thể bảo vệ cơ thể 100% nên vẫn phải chấp nhận sống chung với lũ", anh Minh nói.

khong khi o nhiem Ha Noi o nhiem anh 3
Thiết bị cảm biến đo chỉ số AQI tại phòng khách (mở cửa, thông ban công) tại nhà anh Minh. Ảnh: NVCC.

Một số người dân còn có xu hướng mua khẩu trang loại cao cấp được quảng cáo có thể chống bụi mịn. 

Chị Nguyễn Phúc Hoài Linh (Hà Nội), chủ một thương hiệu khẩu trang, cho biết những ngày vừa qua, lượng hàng bán ra tăng vọt, cao gấp 3 bình thường. 

"Trước một ngày bán được chỉ hơn 100 chiếc, nhưng nay đã tăng lên 300-400 chiếc. Đắt hàng nhất là loại khẩu trang organic 2 van lọc giá 990.000 đồng/chiếc. Loại khẩu trang này được nhập ở nước ngoài, đạt tiêu chuẩn của Mỹ", chị cho hay. 

Tự bảo vệ bản thân đúng cách khi không khí ô nhiễm

Khi chất lượng không khí chưa được cải thiện, đa phần người dân đều nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý sử dụng đúng cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Máy lọc không khí là sản phẩm được nhiều người đang tìm mua để trang bị trong nhà. PGS.TS Trương Vĩnh, Trưởng bộ môn Công nghệ hóa học, Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết người dân nếu mua máy lọc không khí cần căn cứ vào cơ chế hoạt động, phân loại, diện tích căn phòng để chọn mua thiết bị phù hợp. 

Các loại máy đơn giản, chỉ sử dụng một lõi lọc, chỉ có khả năng lọc bụi mịn, giúp không khí sạch hơn. Các loại sử dụng nhiều lõi lọc, có thể giảm được bớt mùi, giảm vi khuẩn trong không khí. Bên cạnh đó, một số loại máy lọc cao cấp hơn còn được trang bị bộ phận tạo ion để tăng tác dụng khử mùi, làm sạch không khí.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng máy lọc bụi chỉ có tác dụng tốt trong điều kiện phòng kín. Người dân không nên tin tuyệt đối vào lời quảng cáo, thổi phồng của cửa hàng, nhất là các sản phẩm bán trên mạng.

khong khi o nhiem Ha Noi o nhiem anh 4
Máy lọc không khí là sản phẩm được nhiều người đang tìm mua để trang bị trong nhà. Ảnh: Hoàng Hiệp.

“Nếu cấu trúc căn nhà xây dựng theo kiểu mở, không khí bên ngoài xâm nhập dễ dàng vào trong nhà, thiết bị này không thể có tác dụng lọc bụi hiệu quả được. Hơn thế, với các loại khí độc hại như SO2, NO2, NO… thì máy lọc bụi vẫn không thể lọc hoàn toàn được”, PGS Vĩnh nói.

Ngoài ra, khi sử dụng máy lọc trong phòng kín, nhiều người có thói quen bật điều hòa để lưu thông không khí. Điều này khiến độ ẩm giảm, có thể gây khô da, khó chịu.

Đối với việc sử dụng khẩu trang, các chuyên gia khuyên rằng người lớn và cả trẻ em nên dùng khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thôi, lớp kháng khuẩn và lớp than hoạt tính. Như vậy, các loại khẩu trang vải, y tế thường không thể lọc được bụi siêu nhỏ. Nếu không có khẩu trang chuyên dụng, bạn có thể đeo lồng nhiều lớp khẩu trang hoặc lót lớp khăn giấy bên ở giữa để chống bụi.

Về việc trang bị các sản phẩm khẩu trang chống bụi, BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết các sản phẩm bày bán hiện nay đa dạng về mẫu mã và số lượng. Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi chọn mua ở các trang bán hàng trực tuyến vì rất dễ mua nhầm hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý người dân:

- Hạn chế ra đường vào sáng sớm: Theo khuyến cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, chỉ số bụi PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh khuếch tán xuống nước ta, tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.

Đặc biệt, thời gian sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bụi mịn có kích thước nhỏ hơn sợi tóc người gấp 30 lần. Chúng có thể xâm nhập qua hàng rào bảo vệ của cơ thể, tác động đến đường thở, mắt và phổi. Nếu bắt buộc phải ra đường vào khung giờ này, lựa chọn xe buýt cũng là giải pháp tốt để hạn chế các tác động ngoài trời, tránh ô nhiễm môi trường hoặc sử dụng khẩu trang, kính mắt.

- Hạn chế các hoạt động ngoài trời: Để hạn chế tác hại ô nhiễm không khí đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần giảm thiểu thời gian tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm, các hoạt động ngoài trời như lao động, tập thể dục, sinh hoạt tập thể,… gần nguồn phát sinh bụi. Bác sĩ Tiến cho rằng dưới tác động của không khí ô nhiễm, trẻ em sẽ là đối tượng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Do đó, nếu không cần thiết, cha mẹ nên hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý: Các bác sĩ khuyến cáo bên cạnh việc trang bị vật dụng chống bụi, người dân nên bổ sung nhiều thực phẩm dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch. Nên hạn chế đồ uống kích thích như rượu, bia và cà phê… Hạn chế đồ ăn vật, thức ăn chiên xào nhiều dầu, mỡ; tăng cường uống nhiều các loại nước lọc, nước khoáng, nước suối mỗi ngày để đảm bảo cấp đủ độ ẩm cho da, loại bỏ độc tố từ thận qua da và phổi. Tăng cường rau xanh, các loại hạt ngũ cốc, cá, trứng,… vào chế độ ăn uống giúp bổ sung dinh dưỡng và tăng cường chức năng hệ miễn dịch cũng như sức khỏe tim mạch.

Theo VTV, các trang mạng được người dân truy cập nhiều nhất để kiểm tra chỉ số chất lượng không khí (AQI) là moitruongthudo.vn, airvisual.com, pamair.org. Thời gian qua, nếu truy cập các trang trên sẽ dễ dàng nhận thấy chỉ số AQI tại Hà Nội luôn ở mức cao. Tuy nhiên, chỉ số của các trang này có sự chênh lệch.

Giải thích về vấn đề này, GS.TS Phạm Ngọc Hồ, Viện trưởng Viện Tự động hóa và Môi trường, cho biết sở dĩ chỉ số có sự khác nhau do cách tính khi công bố không giống nhau. Đặc, biệt tiêu chuẩn của nước ngoài khác Việt Nam.

Theo các nhà khoa học, chỉ số khác nhau nhưng đều ở mức ô nhiễm cần cảnh báo. Cách tính của Việt Nam là dựa vào kết quả đo tại các trạm quan trắc và trung bình trên 24 giờ. Cách tính của Mỹ trên Airvisual hay một số trang khác là theo giờ nên có sự chênh lệch về chỉ số.

Dùng than tổ ong, đốt rơm rạ gây hại môi trường thế nào?

Dùng than tổ ong, đốt rơm rạ sau khi thu hoạch là thói quen của nhiều người dân Hà Nội trong thời gian qua khiến không khí ở thủ đô càng thêm ngột ngạt.

Tuệ Anh - Bích Huệ - Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm