Chị Đ.T.Q. (23 tuổi, ở xã Ea H’ding, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết ngay khi có thông tin bé H’Si Yan, 6 tuổi (ở buôn H’ring, cùng xã Ea H’ding), chết do bệnh bạch hầu, cả nhà chị rất hoảng loạn.
“Ổ dịch xảy ra gần nhà em. Con em 18 tháng tuổi đã tiêm 3 mũi “vắc xin 5 trong 1” ngừa bệnh bạch hầu, nhưng tối qua cháu xuất hiện sốt, không biết có lây bệnh hay không. Em rất lo. Em ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống để ngừa bệnh bạch hầu”, chị Q. kể.
Loại thuốc kháng sinh mà tiệm thuốc tây bán cho chị Q. có hoạt chất erythromycine đường uống, dùng trong 6 đến 10 ngày (liều 40 mg/kg/ngày cho trẻ em và 1g/ngày cho người lớn).
Thực tế, có khoảng 5%-15% người bệnh trong quá trình dùng erythromycin gặp các tác dụng không mong muốn do thuốc gây nên. Phổ biến nhất là các vấn đề ở đường tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…
Không riêng gia đình chị Q., nhiều gia đình tại tỉnh Đắk Lắk cũng hoảng sợ, tìm mua loại thuốc này uống dự phòng để ngừa bệnh bạch hầu lây lan.
Chị V.T.A.T. kể mình rất hoang mang sau khi một người bạn chuyển cho thông tin: “Xin mọi người chú ý, tối qua bệnh viện tiếp nhận cháu H’Si Yan, 6 tuổi., ở xã Ea H’ding, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk bị bạch hầu và đã tử vong. Tối nay lại tiếp tục 11 ca nghi ngờ và 3 ca xác định dương tính sau khi đến dự đám tang của nạn nhân.
Một bệnh nhi mắc bạch hầu được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Phụ Nữ Online. |
Tình hình này sẽ lây lan rất nhanh, vì vậy mọi người, các hộ dân lưu ý. Hiện tại, các cơ quan chức năng đã xuống tại nơi xuất hiện ổ dịch, tuyên truyền cho bà con biết những dấu hiệu của bệnh; cấp phát thuốc gần khu vực của bệnh; cách ly những người có dấu hiệu của bệnh và phun thuốc phòng trừ bệnh bạch hầu".
Chị Q. cho biết mình đang mang thai, huyện Cư M’gar - nơi chị đang sinh sống xuất hiện ổ dịch bạch hầu và có người chết. Chị Q. ra tiệm thuốc gần nhà thấy nhiều người trong xóm cũng đổ xô đi mua thuốc uống. Chị phân vân vì đang mang thai, sau này cho con bú thì có được uống thuốc ngừa bệnh bạch hầu không.
Ai nên cẩn thận với bệnh bạch hầu?
Một bác sĩ chuyên điều trị bệnh bạch hầu giải thích, vắc xin ngừa bệnh này được chích cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và chích nhắc lại khi 18 tháng tuổi, sau đó chích lại sau mỗi 10 năm.
Do đó, những trẻ đã chích đủ 3 mũi vắc xin ngừa bạch hầu dưới 1 tuổi gần như không bị bệnh. Trẻ không đáp ứng được với vắc xin đã chích có nguy cơ mắc bệnh, nhưng rất hiếm.
Riêng vắc xin bạch hầu chích nhắc lại cho trẻ lúc 18 tháng tuổi là để tăng thêm sức đề kháng, kéo dài thời gian ngừa bệnh. Trước năm 2010, trẻ chỉ cần chích 3 mũi vắc xin khi dưới 1 tuổi đã đủ ngừa bệnh bạch hầu.
Vì vậy, với trẻ đã chích đủ 3 mũi vắc xin dưới 1 tuổi nhưng có dấu hiệu sốt, cha mẹ cần đưa bé đi khám nguyên nhân, đừng chủ quan với các bệnh khác.
Với người lớn từng chích vắc xin bạch hầu sẽ khó mắc bệnh hơn, hoặc nếu nhẹ hơn so với người chưa bao giờ sử dụng chúng.
Người thường xuyên viêm họng kéo dài, nhất là bệnh nhân đang sống ở khu vực có dịch nên cẩn thận với bệnh bạch hầu. Hiện, bệnh bạch hầu dễ phát hiện, vùng hầu họng thường xuất hiện giả mạc trắng.
Thực tế, sau khi chích vắc xin bạch hầu 2 tuần mới có hiệu quả phòng bệnh, còn uống thuốc ngừa bệnh hiệu quả ngay và phải dùng kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân nên chủ động chích vắc xin ngừa bạch hầu sẽ yên tâm hơn.
Người không chích vắc xin, chỉ uống thuốc để dự phòng khi dịch bệnh xảy ra, việc này không khác gì đối phó với bạch hầu. Nếu người dân không sớm phát hiện bệnh hoặc chúng đã tấn công, việc uống thuốc phòng ngừa gần như không còn hiệu quả, và phải dùng thường xuyên khi xảy ra dịch bệnh.
Người dân không tự ý mua thuốc ngừa bệnh bạch hầu ở tiệm thuốc tây, cần được bác sĩ sàng lọc bệnh, tầm soát người trong vùng dịch, tiếp xúc với nguồn bệnh.
Bạn không nên uống thuốc ngừa bạch hầu đại trà, đặc biệt thai phụ và phụ nữ đang cho con bú cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa sản.
Chích vắc xin bạch hầu là biện pháp tốt nhất
Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, Phó khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, khuyến cáo bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 5%-10%. Chích vắc xin bạch hầu vẫn là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
Việc cho trẻ em tiêm đúng lịch và đủ liều các mũi vắc xin cơ bản là rất quan trọng. Trẻ nhỏ cần được tiêm phòng bạch hầu từ khi được 2,3,4 tháng tuổi nhằm bảo vệ bé ngay từ các tháng đầu đời.
Khi chủ động tiêm phòng sớm cho trẻ sẽ góp phần tạo miễn dịch, không chỉ cho trẻ mà còn bảo vệ cho cộng đồng, tránh bùng phát.
Bất kỳ sự do dự hay trì hoãn tiêm chủng nào cũng sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ, không chỉ cho trẻ mà cho cả cộng đồng. Khi đó, dịch sẽ có cơ hội bùng phát trở lại, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của gia đình và cộng đồng.
Trong một nghiên cứu tại Việt Nam năm 2011-2012, một tháng sau khi tiêm đủ 3 mũi vắc xin miễn phí của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, hiệu quả bảo vệ đối với bệnh bạch hầu là 93,1%, tỷ lệ này sau một năm là 88,4%.
Đáp ứng miễn dịch sẽ giảm theo thời gian và tốc độ chậm hơn nếu trẻ tiếp xúc với tác nhân bạch hầu trong tự nhiên. Tuy vậy, bác sĩ vẫn khuyến cáo nên tiêm mũi nhắc lại cho trẻ ở độ tuổi tiền học đường.
Thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh thường xảy ra và gây dịch ở các tỉnh, đặc biệt các thành phố có mật độ dân cư cao.
Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu, tỷ lệ mắc ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Số ca mắc bạch hầu mức 1.000-3.000 ca/năm trong những năm 1980 xuống còn 15-40 ca/năm trong những năm gần đây.