Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân làm gì khi bị sử dụng trái phép danh tính điện tử

Khi bị mất phương tiện xác thực hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình, chủ tài khoản cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng.

Theo Điều 32 Nghị định 59/2022 quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử, cá nhân hay tổ chức là chủ thể danh tính điện tử phải bảo vệ thông tin danh tính điện tử, an toàn yếu tố xác thực.

Đáng chú ý, khi mất kiểm soát phương tiện xác thực hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình, chủ tài khoản cần thông báo ngay cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử để hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Đối với chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử, họ cần tuân thủ các quy định sau: Không được sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không được can thiệp trái phép vào hoạt động của hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Tai khoan dinh danh anh 1

Giao diện ứng dụng VNeID.

Nghị định 59 cũng nêu rõ bên sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử phải có trách nhiệm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về định danh và xác thực điện tử; quản lý, bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử, bảo đảm sử dụng tài khoản định danh điện tử an toàn.

Bên sử dụng cũng phải chịu trách nhiệm về các giao dịch đã thực hiện và quy định của các bên có liên quan đối với các giao dịch điện tử.

Tại Điều 34 của nghị định trên, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản như cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ.

Phía cung cấp dịch vụ phải bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và việc sử dụng dịch vụ liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản của mình phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của tài khoản đó; bảo vệ dữ liệu cá nhân do mình thu thập, quản lý theo. Trường hợp có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, cơ quan, tổ chức cá nhân phải xóa dữ liệu đã thu thập và quản lý.

Nghị định 59 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đều được cấp tài khoản định danh điện tử. Người chưa đủ 14 tuổi thì được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Bộ Công an khẳng định tài khoản định danh điện tử có thể sử dụng để thay thế nhiều loại giấy tờ như căn cước công dân gắn chip, thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký xe, giấy phép lái xe, thông tin người phụ thuộc, người giám hộ, thực hiện thông báo lưu trú hoặc chức năng tố giác tội phạm.

Khi nào người dân bị khóa tài khoản định danh điện tử

Tài khoản định danh điện tử sẽ bị khóa khi công dân yêu cầu, chủ tài khoản chết hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Sử dụng tài khoản định danh điện tử như thế nào

Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip trong các giao dịch hành chính, dân sự.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm