Trong chia sẻ trên Facebook hôm 21/5, anh Đ.H.P. cho biết hành động phá hoại diễn ra quá nhiều, khiến người dân phải đặt những tấm bảng có nội dung "van xin" du khách có ý thức hơn.
Anh P. viết: “Dù đồng bào làm rẫy xung quanh núi Bà Đen đã nhiều lần nhắc nhở các bạn leo núi đừng bẻ cây hái trái cây trên núi, tình hình không giảm. Quá nản, bà con đã dựng nhiều tấm bảng "van xin" các bạn trẻ từ khắp chân núi và trên các rẫy xoài, rẫy chuối trên núi... Đáng buồn thay, hôm nay tôi vẫn thấy các bạn vô tư bẻ xoài của bà con, có bạn chặt cả một buồng chuối chỉ để ăn vài trái, hoặc xô đổ cả cây chuối cho vui”.
Anh P. cho biết những tấm bảng này được đặt khoảng 10 ngày nay tại đường leo Cột Điện, một trong những cung đường chinh phục núi. Trong đó có một bảng kích thước lớn, hai bảng kích thước trung bình và hàng loạt bảng báo nhỏ có nội dung như trong hình.
Người dân làm bảng thông báo nhắc nhở phượt thủ leo núi Bà Đen (Tây Ninh). Ảnh: H.D.P. |
Bày tỏ suy nghĩ về chia sẻ này, anh Hải Đăng không giấu bức xúc. Anh kể khoảng 3 năm về trước, khi leo núi, anh thường bắt gặp những đụn xoài nhỏ được để sẵn bên đường. Hỏi người dân, anh nhận được câu trả lời: "Không đáng giá bao nhiêu, nên chúng tôi để sẵn, ai thích thì lấy ăn”. Người dân cũng không làm khó nếu du khách lấy vài trái. "Từ cho phép đến van xin du khách không hái, không phá cho thấy tình trạng đáng báo động", anh nói.
Anh Nguyễn Sang, thành viên Ban quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, cho rằng người dân cho phép du khách hái một ít xoài trên cây không có nghĩa được phép hái quá nhiều, hay phá cả cây chuối. Người dân chủ yếu lấy xoài xanh và gần chín để bán. Du khách đi ngang, thấy xoài chín, có thể tự hái trái ăn hay xin chủ vườn. Bạn cũng có thể “tiện tay” xin hay hái vài trái xoài sống. Tuy nhiên, việc xô ngã cây chuối hay phá nguyên buồng chỉ để hái vài trái thật khó chấp nhận. Anh kể từng chứng kiến cảnh này, nhiều chủ vườn giận đến mức cầm dao dọa khách. “Nhìn cây chuối mình khó khăn chăm sóc gần thu hoạch, bị phá như vậy, ai không nóng?”, anh nói.
Cây chuối bị xô ngã trên đường. Ảnh: D.H.P. |
Là người trekking núi Bà Đen khá dày vài năm gần đây, Nguyễn Tuấn Anh (nhóm Ờ Phượt) cho biết các lần trekking núi Bà Đen, anh thường xuyên bắt gặp hình ảnh những cây chuối bị xô ngã ở nhiều tuyến đường khác nhau… "Mình rất xót khi thấy hình ảnh không đẹp này", anh nói.
Từng can thiệp, trò chuyện với những người có hành động tương tự, An Minh chán nản cho biết hầu hết người thực hiện việc này đều không cảm thấy mình sai. Có người còn cho biết họ phá như thế vì không đồng ý việc người dân trồng cây trên núi, khiến cho cảnh quan bị phá vỡ, hay mất đi vẻ nguyên sơ vốn có.
Tuy nhiên, không phải mọi du khách đều hái trái, phá cây khi khám phá núi Bà Đen. Hành động này do một số nhóm phượt di chuyển vào ban đêm gây nên. Người dân nhắc nhở nhiều lần, nhưng tần suất không giảm nên treo bảng để kêu gọi ý thức của những đối tượng này.
Vị trí núi Bà Đen (chấm đỏ trên bản đồ) và khu vực lân cận. Ảnh: Google Maps. |
Núi Bà Đen (Tây Ninh) nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử Núi Bà nổi cách TP.HCM 110 km. Quần thể Núi Bà gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng, núi Bà Đen. Trong đó, núi Bà Đen với nhiều truyền thuyết từ xưa để lại, đặc biệt truyền thuyết về Bà Đen - Lý Thị Lan Hương là một trong những điểm hành hương thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm.
Núi Bà Đen còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều hang động kỳ thú cùng chiều cao lý tưởng 986 m cũng là điểm trekking yêu thích của nhiều người. Thậm chí, nhiều người trẻ sống gần khu vực này đều sắp xếp trekking ngọn núi này mỗi tháng hay mỗi tuần.