Vào tháng 3, Tom Lee (34 tuổi) tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên tại một trung tâm tiêm chủng ở Sydney.
Sau đó, anh tiếp tục nhận thêm 3 mũi vaccine, một mũi AstraZeneca, 2 mũi Pfizer. Mũi cuối cùng, vaccine Pfizer, được Tom tiêm vào ngày 5/7, theo 7 News.
Tom chia sẻ quá trình tiêm 4 mũi vaccine lên mạng xã hội. Ảnh: Twitter. |
Sau khi tiêm 4 mũi vaccine, Tom chia sẻ lại hành trình này lên mạng xã hội và nhận nhiều phản ứng tiêu cực.
Không ít dân mạng cho rằng người đàn ông 34 tuổi lấy mất suất tiêm của người khác.
Tuy nhiên, Tom không hối hận về những gì đã làm, đồng thời cho biết mình không tranh giành phần của ai.
"Ban đầu, khi đến trung tâm tiêm chủng để tiêm mũi AstraZeneca thứ 2, tôi được thông báo rằng ở đó không có loại này. Trong tình thế lúc ấy, tôi buộc phải chọn giữa việc trở về tay trắng hoặc có thể lấy một liều Pfizer, tôi đã chọn vế thứ hai", anh nói.
"Khi lấy lọ vaccine ra khỏi tủ lạnh thì phải sử dụng nó chứ. Các nhân viên đã phân bổ Pfizer cho mọi người ở đó trong ngày. Tôi đến đó vào cuối ngày và chỉ hỏi liệu mình có thể tiêm hay không".
Người đàn ông 34 tuổi cũng giải thích bản thân quyết định tiêm 4 mũi vaccine sau khi thấy sự thành công của việc pha trộn vaccine ở một số nước. Tuy nhiên, phương pháp này chưa được áp dụng tại Australia.
Việc tiêm chủng ở Australia được triển khai chậm chạp. Ảnh: Reuters. |
"Tôi đọc được thông tin rằng có một nhân viên y tế ở Sydney nhiễm SARS-CoV-2 dù đã tiêm phòng đầy đủ, có thể nếu cô ấy làm điều tương tự tôi, cô ấy sẽ không mắc bệnh", Tom nói thêm.
Sau nhiều tháng khống chế thành công dịch Covid-19, Australia bất ngờ đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới từ cuối tháng 6. Tính đến 17/7, nước này có hơn 31.000 ca mắc Covid-19, 913 người tử vong.
Chiến lược mua vaccine không hợp lý đẩy Australia rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung, làm chậm tiến trình tiêm chủng. Theo Reuters, mới chỉ hơn 8,8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tại quốc gia 25,4 triệu dân này.