Ông Muhammad Saleem, đến từ Pakistan, phải sống chung với "đôi chân voi" do mắc phải căn bệnh phù bạch huyết di truyền.
Phù bạch huyết là rối loạn di truyền, ảnh hưởng đến hệ bạch huyết. Căn bệnh này có biểu hiện đặc trưng là sưng phù ở một số bộ phận trên cơ thể. Tỷ lệ mắc bệnh này là 1/6.000 người.
Ông Muhammad Saleem kiếm sống bằng nghề ăn xin trên đường. Ảnh: Caters News Agency. |
Hiện, các bác sĩ chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn được căn bệnh này, chỉ có thể điều trị triệu chứng, giảm nhiễm trùng và chống sưng. Ngoài ra, một số phương pháp phẫu thuật cũng góp phần hỗ trợ cho bệnh nhân. Khi mắc bệnh này, mạch bạch huyết sẽ bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến sự di chuyển của bạch huyết gây sưng phù.
Với trọng lượng của đôi chân lên đến 12 kg, Muhammad gần như không đi lại được. Hiện, ông phải đi ăn xin trên đường phố.
"Chân tôi nặng quá nên thở hổn hển mỗi khi lê chúng đi. Tôi kéo đôi chân và đi bộ như một đứa trẻ, phải nghỉ sau mỗi lần đi 5-10 phút", Muhammad nói.
Sau khi sinh ra, Muhammad đã có dấu hiệu của phù bạch huyết, căn bệnh trở nên nặng hơn từ khi bước sang tuổi dậy thì. "Chân tôi lớn hơn bình thường, mẹ tôi cũng có chân to nhưng không như thế này. Tôi vẫn có thể đi bộ, chạy, chơi đùa với bạn bè. Từ năm 15 tuổi, chân tôi sưng lên bất thường. Trong vài tháng, chân sưng to đến nỗi không thể nhấc lên được", ông nhớ lại.
Cha của Muhammad đã đưa con đi khám nhưng bác sĩ khuyên cách duy nhất là cắt bỏ đôi chân. Người cha không đồng ý và cho con uống thuốc được mua ở gần nhà. Sau đó, Muhammad được đến bệnh viện một lần nữa để xét nghiệm, nhưng bác sĩ khẳng định không có cách nào để chữa trị.
Khi cha qua đời, Muhammad làm việc tại cửa hàng bán sữa của gia đình. Tuy nhiên, giá thuê mặt bằng cao nên ông phải dừng bán. Người đàn ông này theo bạn lên Karachi làm việc tại nhà máy dệt và bị sa thải.
Từ khi kết hôn, Muhammad hành nghề ăn xin ở Karachi, có những ngày ông kiếm được từ 300-400 Rupee và dành dụm một phần để mua thuốc.