Theo thông tin từ Bệnh viện Phổi Trung ương, mới đây, cơ sở y tế này đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Triều (nam, 49 tuổi, trú tại Nghệ An) và gắp thành công dị vật dài gần 3 cm ra khỏi đốt sống cổ.
Trước đó 4 tháng, khi đang làm việc, bệnh nhân bị một que gỗ bật vào cổ, tạo ra vết rách dài khoảng 1,5 cm. Khi tới bệnh viện đa khoa của huyện, vết thương đã khô máu nên anh Triều được khâu 2 mũi.
Sau đó, bệnh nhân tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An chụp, được nghi ngờ thoái hóa đốt sống cổ. Người đàn ông tiếp tục đi khám tai mũi họng, kiểm tra kỹ tình trạng và tiêm phòng uốn ván. Thời gian tiếp theo, vết thương không có triệu chứng đau.
Tuy nhiên, cách đây hơn một tháng, anh Triều bỗng có cảm giác khó chịu, đôi lúc đau rút ở cột sống cổ, lan xuống vai, 2 tay và họng.
Bệnh nhân được bác sĩ chăm sóc sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhân quyết định đi châm cứu nhưng tình hình không tiến triển. Anh Triều đi khám thêm tại bệnh viện của tỉnh và Bệnh viện Trung ương Huế song không phát hiện điểm bất thường.
Do có biểu hiện đau họng, bệnh nhân nghi ngờ bản thân có u cổ họng nên quyết định tới khám tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) nhằm siêu âm, nội soi, xét nghiệm. Kết quả, anh Triều được chẩn đoán nghi mắc lao xương, lao cột sống, được chuyển sang Bệnh viện Phổi Trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính, kết quả cho thấy hình ảnh phá hủy thân đốt sống cổ C4-C5, gây biến dạng hình thái đốt sống cổ, xuất hiện nhiều ổ áp xe nhỏ ở thân đốt sống và lan ra thành sau họng.
Bệnh nhân được chẩn đoán nghi lao cột sống C4-C5, tiên lượng khá nặng.
Tới ngày 26/7, anh Triều được phẫu thuật lao cột sống cổ. Đáng chú ý, trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện và gắp ra dị vật màu đen, dài 2,5-3 cm nằm ngang đĩa đệm, chèn ép vào tủy cổ cũng như nạo vét các tổ chức hoại tử xung quanh.
Sau mổ, sức khỏe của người bệnh ổn định. Anh Triều phục hồi rất nhanh và được cho xuất viện.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Tráng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, đây là trường hợp người bệnh khá đặc biệt do dị vật đã tồn tại trong đốt sống cổ khá lâu. Do đó, việc chẩn đoán phân biệt giữa lao và tình trạng viêm nhiễm do dị vật gặp rất nhiều khó khăn.
"Tổn thương do dị vật phá hủy đốt sống cổ khá nhiều, gây ra chèn ép tủy sống thần kinh. Vì vậy, chúng tôi đã phải giải ép thần kinh và can thiệp phẫu thuật", TS Tráng nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho hay can thiệp phẫu thuật ở vùng cổ rất nguy hiểm. Nguyên nhân là xung quanh vùng cổ rất nhiều mạch máu, dây thần kinh.
Theo kế hoạch ban đầu, bệnh nhân này phải phẫu thuật giải ép thần kinh và có thể cần thay đốt sống cổ. May mắn, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được phát hiện dị vật đi sát thành động mạch và tĩnh mạch cảnh bên phải.
"Đường đi lệch chỉ một chút cũng sẽ gây tổn thương mạch máu lớn, gây chảy máu ồ ạt và nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh", TS Tráng cho hay.