Chiều 20/2, bác sĩ Lê Duy Lạc, Phó trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM, cho biết ê-kíp của bệnh viện đã can thiệp mạch vành thành công, cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, bệnh nhân có tim nằm bên phải (đảo ngược phủ tạng).
Bệnh nhân T.M.M. (65 tuổi, trú tại Dĩ An, Bình Dương) đột ngột đau ngực phải, khó thở dữ dội kèm vã mồ hôi. Ngay sau đó, ông M. được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM.
Mặc dù bệnh nhân đau ngực bên phải, các bác sĩ khoa Cấp cứu nhanh chóng nhận diện và nghi ngờ người này bị nhồi máu cơ tim; tiến hành hội chẩn bác sĩ tim mạch, bằng điện tâm đồ, chụp X-quang ngực, siêu âm tim.
Ê-kíp nhận định bệnh nhân có tình trạng đảo ngược phủ tạng hoàn toàn và nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành dưới.
Người đàn ông bị nhồi máu cơ tim có phủ tạng đảo ngược hoàn toàn. Ảnh: BVCC. |
Kết quả can thiệp cho thấy bệnh nhân hẹp nặng đoạn giữa động mạch vành phải kèm hình ảnh huyết khối. Ê-kíp tiến hành hút ra 2 cục huyết khối đỏ, đặt thành công 1 stent. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, có thể xuất viện.
Đảo ngược phủ tạng là tình trạng bẩm sinh, trong đó các cơ quan nội tạng trong ngực, bụng đảo ngược phản chiếu theo mặt phẳng đứng dọc so với vị trí bình thường, có thể đảo ngược hoàn toàn hoặc một vài cơ quan đơn thuần.
Đây là dạng dị tật có tính di truyền gen lặn tương đối hiếm gặp, tỷ lệ gặp 1/10.000 dân. Trường hợp bệnh nhân M. là tình trạng đảo ngược phủ tạng hoàn toàn với tim nằm bên phải, gan nằm bên trái và dạ dày nằm bên phải. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh nhân biết bản thân có tình trạng đảo ngược phủ tạng.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng cấp cứu cần tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt. Có nhiều phương pháp khôi phục dòng chảy động mạch vành tại Bệnh viện quận Thủ Đức gồm tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành đặt stent (PCI) và mổ bắt cầu động mạch vành (CABG).
Hiệu quả của các biện pháp này phụ thuộc rất nhiều thời gian điều trị từ lúc khởi phát triệu chứng. Can thiệp động mạch vành đặt stent có lợi rõ rệt khi được tiến hành trong vòng 48 giờ kể từ lúc khởi phát triệu chứng.