Bệnh nhân L.T.D. (68 tuổi, trú tại Hà Nội) vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, với lý do đau bụng. Trước khi vào viện khoảng 3 tháng, bệnh nhân xuất hiện cơn đau bụng vùng hố chậu trái, thỉnh thoảng rối loạn tiêu hóa (lúc lỏng, lúc táo), mệt mỏi, ăn kém, gầy sút 5 kg trong 3 tháng.
Tiền sử bản thân khỏe mạnh (cao 165 cm, nặng 50 kg), ông D. cũng không bị dị ứng, không hút thuốc lá và gia đình không ai bị ung thư. Nội soi đại trực tràng, các bác sĩ phát hiện khối u sùi loét vùng đại tràng sigma gây hẹp lòng đại tràng.
Sinh thiết tổn thương làm mô bệnh học, bệnh nhân nhận kết quả ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy hình ảnh khối nhu mô gan hạ phân thùy V gan phải, kích thước 25x36 mm. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng sigma di căn phổi, gan (giai đoạn IV).
Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật triệt căn (phẫu thuật cắt đoạn đại tràng Sigma và nhân di căn gan), sau đó điều trị bổ trợ sau phẫu thuật. Tuy nhiên gia đình và ông D. không đồng ý phẫu thuật.
Vì vậy, các bác sĩ đã lựa chọn phương án liệu pháp toàn thân kết hợp với đốt sóng cao tần nhân di căn gan. Kết quả, bệnh nhân đáp ứng với phương pháp điều trị, các triệu chứng lâm sàng được cải thiện tốt. Phác đồ đã giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư đại trực tràng gồm chế độ ăn ít rau, nhiều chất béo, mắc các bệnh lý đại - trực tràng (viêm loét mạn tính, polyp, bệnh Crohn, bệnh đa polyp đại trực tràng...).
Trong các loại ung thư đường tiêu hoá, ung thư đại trực tràng là loại có liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như di truyền.
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, nếu được chẩn đoán sớm tiên lượng tốt, bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Do vậy, việc sàng lọc, chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng.
Chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng. Khi bệnh ở giai đoạn sớm, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Các phương pháp hóa trị, điều trị đích trong bệnh ung thư đại trực tràng thường được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, đã có di căn xa.
Việc sử dụng các thuốc điều trị đích (các thuốc chống tăng sinh mạch, kháng thể đơn dòng như Bevacizumab, Cetuximab…) kết hợp với hóa trị cho các bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn (bước 1, bước 2) sẽ giúp tăng thời gian sống và chất lượng sống cho người bệnh.